Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, góp phần số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả kinh doanh... là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức cho khu vực kinh tế tập thể để chuyển mình, thích ứng.
HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Những kết quả bước đầu
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều HTX đã tích cực áp dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng. HTX đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm qua mạng xã hội; đẩy mạnh bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Một số HTX xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Song song với hoạt động đưa sản phẩm của HTX lên sàn giao dịch thương mại điện tử, các HTX còn nỗ lực áp dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động, dán tem truy xuất nguồn gốc... Các HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, HTX vận tải sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, phần mềm kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số, camera giám sát hành trình... Một số HTX sản xuất theo chuỗi đã áp dụng công nghệ số từ khâu trồng, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực tín dụng, hoạt động chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, nhiều quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển các dịch vụ chuyển tiền số, giúp cho khách hàng thuận lợi trong giao dịch liên ngân hàng, gia tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động tín dụng.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 45 sản phẩm, nhóm sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng ba sao và bốn sao; có khoảng 20 HTX đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể và trên 60 sản phẩm của HTX có tem truy xuất nguồn gốc. Những kết quả bước đầu cho thấy chuyển đổi số đã và đang giúp các HTX thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hướng đến sản xuất hiện đại.
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, những năm gần đây, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm khoa học; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số. Tại HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê chuyên sản xuất măng tây đã bước đầu ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc HTX cho biết: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn hơn nhưng sẽ tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm. HTX đưa hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất, cây trồng được tưới một lượng nước, phân bón vừa đủ, thuận lợi cho quá trình sinh trưởng. Dù không có mặt trực tiếp tại khu vực sản xuất, việc chăm sóc cây trồng vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát. Năm 2021, sản phẩm măng tây và trà măng tây của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao cấp tỉnh. Sản phẩm đạt chất lượng, HTX ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Tuấn Chang nên đầu ra ổn định.
Tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng chuyển đổi số khu vực kinh tế tập thể còn một số hạn chế: Chuyển đổi số trong sản xuất của HTX thường chỉ áp dụng ở một số khâu, còn ứng dụng trong chế biến sản phẩm, quản lý HTX mức độ chưa cao. Về nguồn nhân lực, phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường không gian mạng hay mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn hạn chế. Nhiều HTX sản xuất kinh doanh theo lối truyền thống nên còn khó khăn về nguồn vốn và khả năng huy động vốn không cao, thường chỉ đáp ứng đủ cho quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuần túy của HTX.
Sản phẩm chè xanh của các HTX Chè Đá Hen, Long Cốc, Cẩm Mỹ, Thành Nam... được dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Giải pháp để phát triển
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất đã và đang góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, OCOP, phát triển thương mại điện tử… để đón vận hội mới từ chuyển đổi số.
HTX sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, sản phẩm của HTX được đăng ký nhãn hiệu theo quy định. Ông Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc HTX cho biết: Được sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn của tỉnh, HTX đã cài đặt phần mềm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh giaothuong.net.vn để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm chè an toàn của HTX ngày càng vươn xa. HTX đã thay đổi bao bì với màu sắc xanh tương đồng với cây chè, làm nổi tên thương hiệu, chất liệu bao bì cũng được lựa chọn phù hợp để bảo quản sản phẩm tốt hơn. Năm 2021, sản phẩm chè xanh đặc sản của HTX được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Đây là động lực để HTX tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao giá trị sản phẩm.
Để giúp các HTX nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên các HTX với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX từ đó lựa chọn những HTX thực sự hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số.
Đồng chí Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để thúc đẩy các HTX chuyển đổi số, Liên minh HTX tỉnh đã chú trọng tư vấn cho HTX tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản trị, điều hành, quảng bá; tiêu thụ sản phẩm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tập trung nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX tỉnh, xây dựng kênh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Hiện nay Sàn đang thực nghiệm cho 20 đơn vị HTX.
Chuyển đổi số vừa là nhu cầu vừa là yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Đối với HTX, chuyển đổi số giúp gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh, đồng thời thông qua cầu nối là HTX, nhiều thành viên HTX sẽ được hưởng lợi khi được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao hơn. Ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, bản thân các HTX cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, khả năng kết nối; chủ động nắm bắt nhu cầu của thành viên, mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức tiếp cận với công nghệ thông tin và chuyển đổi số, không ngừng lan tỏa các giá trị, lợi ích từ chuyển đổi số đến các thành viên và người dân.
Nguyễn Huế (Nguồn: baophutho.vn)