Hội thảo kết thúc Dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới”. Ảnh: Phạm Hiếu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Nhật Lam, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ NN-PTNT), nhận định mặc dù tiến độ của Dự án phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sau hơn 2 năm triển khai, Dự án ICT đã đạt được những mục tiêu, kết quả đáng mong đợi. Các đơn vị, đối tượng hưởng lợi cũng như các đối tác từ Trung ương đến địa phương đều ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ đến từ Dự án.
“Từ sự hỗ trợ của IFAD, các kết quả của Dự án đã góp phần hỗ trợ cho Chương trình MTQG xây dựng NTM nói chung và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nói riêng. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và các chủ thể, qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất thương mại các sản phẩm hàng hóa dịch vụ”, ông Trần Nhật Lam đánh giá.
Ông Trần Nhật Lam nhận định, sau hơn 2 năm triển khai, Dự án ICT đã đạt được những mục tiêu, kết quả đáng mong đợi. Ảnh: Phạm Hiếu.
Đặc biệt, Dự án ICT đã xây dựng cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các sản phẩm OCOP vận hành trên máy tính và các thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng) để vận hành trên hai nền tảng là website với tên miền https://ketnoiocop.vn và các ứng dụng di động cho hệ điều hành Android và iOS.
Hiện nay, hệ thống đang được duy trì, vận hành và hỗ trợ kỹ thuật bởi Trung tâm Tin học và Thống kê nông nghiệp (cho hệ thống máy chủ, server API của hệ thống), Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (hỗ trợ vận hành về nội dung), và liên danh tư vấn phát triển phần mềm gồm Công ty Cổ phần tư vấn PEAPROS và Công ty TNHH Phát triển Công nghệ thông tin Việt Nam (hỗ trợ bảo trì phần mềm quản trị website và ứng dụng di động).
Đồng thời, Dự án đã thu thập thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu lên cổng thông tin điện tử https://ketnoiocop.vn. Theo đó, Dự án đã thu thập thông tin của hơn 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, trực tiếp hỗ trợ đăng tải công khai trên hệ thống đối với thông tin của gần 300 sản phẩm OCOP thuộc 3 tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Bến Tre.
Song song, cập nhật các tin tức mới nhất về Chương trình OCOP của Trung ương và địa phương, các chính sách về phát triển sản phẩm OCOP, thông tin thị trường các mặt hàng nông sản, hệ thống đối tác OCOP.
Dự án ICT cũng đã hỗ trợ giúp vận hành thí điểm cổng thông tin thương mại điện tử hỗ trợ kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP tại một số tỉnh. Hỗ trợ trực tiếp tại cơ sở và trực tuyến qua điện thoại, nhóm cộng đồng Zalo “Hỗ trợ kết nối OCOP”... cho các chủ thể OCOP và cán bộ quản lý chương trình OCOP thuộc 3 tỉnh thí điểm là Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Bến Tre, cùng một số địa phương khác trên cả nước.
Cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các sản phẩm OCOP được vận hành nền tảng website với tên miền https://ketnoiocop.vn. Ảnh: Phạm Hiếu.
Ông Trần Nhật Lam phân tích, từ những kết quả của Dự án, các chủ thể OCOP có thể tự chủ, tự vươn lên sáng tạo, hợp tác, học hỏi lẫn nhau cũng như giúp đỡ cùng nhau khởi nghiệp để phát triển những sản phẩm dựa trên thế mạnh chủ lực của địa phương mình.
“Nhờ có Dự án ICT, người dân cũng như các chủ thể OCOP có thể tiếp cận được những thông tin ngay tại địa phương để kết nối, liên kết với thị trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP sẽ được tiêu thụ, được tiếp thị giúp nâng cao thu nhập của người nông dân, đồng thời góp phần giúp địa phương đạt được những yêu cầu trong bộ tiêu chí về NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ở cơ sở”, đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương chia sẻ.
Theo ông Pichon Fransico, Giám đốc Chương trình IFAD tại Việt Nam, Dự án ICT đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra. Cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các sản phẩm OCOP đã giúp người nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản, qua đó nâng cao đời sống của nông dân, đặc biệt là người dân nghèo tại khu vực nông thôn”, ông Pichon Fransico bày tỏ.
Đầu tư hơn 11,6 tỷ đồng giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận thị trường
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Dự án ICT được triển khai với mục tiêu tăng cường tiếp cận thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (hộ nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ) và giảm nghèo thông qua việc thiết lập cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường và xây dựng mô hình thí điểm “Kênh hỗ trợ thương mại điện tử các sản phẩm OCOP” trong khuôn khổ Chương trình MTQG về xây dựng NTM.
Dự án ICT bắt đầu từ tháng 9/2019. Các hoạt động được thực hiện từ tháng 10/2019, đến ngày 30/9/2021, tất cả các hoạt động của dự án đã hoàn thành.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, tận dụng khoa học công nghệ sẽ tạo ra cơ hội lớn để giúp người nông dân Việt Nam gắn kết lại với nhau thành tổ hợp tác, cùng nhau vươn ra thị trường thế giới. Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ chính sách Văn phòng IFAD tại Việt Nam, hiện nay, IFAD cung cấp nguồn tín dụng tới các địa phương để phát triển, nhân rộng sự đổi mới, cách làm hay, mô hình tốt. Điển hình như việc Dự án ICT tập trung hỗ trợ kết nối người nông dân với thị trường thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.
“Chính vì người nông dân của chúng ta vẫn còn sản xuất theo hướng nhỏ lẻ nên chúng ta cần kết nối họ lại với nhau qua các tổ hợp tác, để rồi các doanh nghiệp sẽ kết nối họ với thị trường. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các sản phẩm OCOP sẽ giúp người nông dân hiểu được yêu cầu của thị trường”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Theo đó, đại diện IFAD cho rằng, tận dụng khoa học công nghệ sẽ tạo ra cơ hội lớn để giúp người nông dân Việt Nam gắn kết lại với nhau thành tổ hợp tác, cùng nhau vươn ra thị trường thế giới.
Huyền Trang - Diệu Ái (Nguồn: nongnghiep.vn)