Mô hình này lần đầu tiên được thực hiện
với diện tích hơn 6.300m2, tại cánh đồng Sau Doi, thôn Thanh Đông, xã
Cẩm Thanh, TP.Hội An. Khác với phương thức trồng rau thông thường, đất
trồng rau hữu cơ được quy hoạch thành vùng, xét nghiệm đảm bảo không ô
nhiễm bởi kim loại nặng và các chất độc hại khác, có vùng đệm thích hợp
để tránh xâm nhiễm từ bên ngoài. Đặc biệt, quy trình trồng rau hoàn toàn
không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.
Đầu năm 2014, trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị Hội An đã tổ
chức tập huấn về quy trình sản xuất rau hữu cơ sinh thái cho 27 nông
dân, cán bộ xã Cẩm Thanh và các xã lân cận trong TP.Hội An. Từ đầu tháng
6.2014, bà con nông dân bắt đầu cung cấp ra thị trường gần 4 tấn sản
phẩm rau các loại đạt chuẩn rau sạch hữu cơ.
Bà Đinh Thị Miễn (60 tuổi) phấn khởi:
“Chúng tôi đã nắm bắt được kỹ thuật trồng rau sạch. Việc thay đổi từ
cách trồng truyền thống sang trồng rau sạch không khó, giá bán lại không
bị o ép hay mất giá như lúc trước. Thu nhập ban đầu của nông dân được
cải thiện rất rõ”. Theo bà Miễn, tham gia mô hình trồng rau sạch hữu cơ,
nông dân tự giám sát nhau về quy trình thực hiện. Việc bón phân hữu cơ
(phân chuồng + cây xanh) giúp cho nhiều bà con vận dụng được nguồn phân
bón có sẵn. Rau sạch hữu cơ có giá cao hơn 30% so với các loại rau thông
thường, theo đó sản phẩm rau các loại bán ra 11.000 đồng/kg, rau gia vị
30.000 đồng/kg.
Với 600m2 đất canh tác, ông Nguyễn Bé
(SN 1951) trồng theo quy trình rau sạch hữu cơ các loại rau như xà lách,
đậu bắp... mỗi ngày ông thu nhập 200.000 đồng (trong khi trồng rau theo
kiểu truyền thống, mỗi ngày ông chỉ bán được vài chục ngàn đồng). “Việc
trồng rau sạch hữu cơ tiết kiệm được chi phí, giá thành bán ra lại cao.
Đây đúng là mô hình canh tác hợp lý mà người nông dân chúng tôi hướng
đến” - ông Bé hồ hởi. Ông Bùi Minh Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm
Thanh, cho hay: “Sắp đến, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo
điều kiện cho nông dân gắn liền với việc phát triển du lịch”.