Bước chuyển mình vững chắc sau 5 năm xây dựng nông thôn mới

 

Từ công tác chỉ đạo điều hành...

 

Để chương trình diễn ra thuận lợi, kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch phát triển nông thôn mới tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,... UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành chuyên môn hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung, các văn bản của Trung ương liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới để tổ chức triển khai tại địa phương đảm bảo kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Ban hành Quy hoạch phát triển nông thôn mới tỉnh Phú Thọ; hướng dẫn thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù đối với công trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2015; ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh; các văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách về các chương trình sản xuất nông nghiệp; tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; quy định tỷ lệ thu từ đấu giá đất để lại ngân sách cấp xã để xây dựng nông thôn mới,...

 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, các cấp từ tỉnh đến xã, thôn đã kịp thời thành lập và kiện toàn hệ thống chỉ đạo điều hành; tăng cường tuyên truyền vận động, phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân trên toàn địa bàn tỉnh, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội coi việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị; đồng thời, gắn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với việc thực hiện chương trình. Từ đó đã dần trở thành một phong trào toàn dân với sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ cũng như huy động được sự đồng thuận chung sức xây dựng nông thôn mới của toàn xã hội.

Xác định mục tiêu lớn nhất của chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, tỉnh đã chọn tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân làm khâu đột phá mà trọng tâm là chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện nhằm không ngừng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp.

 

…đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất

 

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, trong những năm qua, tỉnh đã huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy nguồn lực từ trong nhân dân - chủ thể nông thôn mới để xây dựng quê hương, do vậy, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, phúc lợi thiết yếu, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã làm mới, nâng cấp cải tạo trên 1.960 km đường giao thông; làm mới, sửa chữa 90 cầu, tràn; xây dựng 80 công trình, dự án phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; cứng hóa gần 600 km kênh mương; đảm bảo các điều kiện thực hiện chuẩn hóa 55 trường học các cấp; xây dựng 41 nhà văn hóa kiêm trung tâm học tập cộng đồng đạt chuẩn; 36 trung tâm thể thao xã đạt chuẩn; 536 nhà văn hóa khu dân cư đạt chuẩn… Hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển sản xuất và sinh hoạt, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển...

 

Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất để hoàn thành tiêu chí “thu nhập” trong xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển khá, thu nhập người dân tăng lên đáng kể. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực có bước phát triển theo hướng hàng hóa hiện đại. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm được triển khai thực hiện, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, ứng dụng nhanh một số tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất..., tạo sản phẩm có quy mô lớn, hiệu quả cao. Chương trình sản xuất nông nghiệp cận đô thị đã dần được khẳng định. Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 dự án nông nghiệp cận đô thị được phê duyệt; diện tích gieo cấy lúa áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến chiếm 60%, diện tích lúa lai chiếm 50%, lúa chất lượng cao chiếm 10%; tỷ lệ chè giống mới đạt 71%, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, RFA chiếm 25,3%; diện tích rừng sản xuất đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 10,3 nghìn ha; tỷ lệ bò lai chiếm 64,8%; lợn lai chiếm trên 90% tổng đàn; tỷ lệ giống thủy sản đặc sản, thủy sản có giá trị kinh tế cao chiếm 35%... góp phần đưa bình quân giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 82,4 triệu đồng, tăng 1,6 lần so năm 2010.

 

Đặc biệt, các hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh. Một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, từng bước thể hiện vai trò “bà đỡ” cho sản xuất nông hộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác và hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Nhiều cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành lập, thu hút được nhiều dự án đầu tư; một số làng nghề truyền thống được khôi phục; thương mại, dịch vụ được mở rộng... làm cho cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên trên 22 triệu đồng/người; giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 7,89%. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, toàn tỉnh hiện có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 43 xã đạt 15-18 tiêu chí; 103 xã đạt 10-14 tiêu chí; 84 xã đạt 5-9 tiêu chí và theo kế hoạch hết năm 2015, Phú Thọ sẽ có 1 huyện đạt chuẩn, 19 xã đạt chuẩn và 51 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh ước đạt 11,6 tiêu chí/xã.

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chúng ta nhận thấy bức tranh nông thôn mới Phú Thọ đang ngày càng khởi sắc. Những con đường bê tông trải dài tít tắp, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát, đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt… Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng với những kết quả đã đạt được, thành quả hôm nay sẽ là dấu ấn quan trọng tạo tiền đề để Phú Thọ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.


Nguồn: phuthoportal.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website