Xây dựng nông thôn mới - vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ
Đoàn viên thanh niên huyện Cẩm Khê phối hợp với nhân dân làm đường giao thông nông thôn.
Đoàn viên thanh niên huyện Cẩm Khê phối hợp với nhân dân làm đường giao thông nông thôn.

Ngay từ khi triển khai phong trào, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động đăng ký các công việc, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế và từng đối tượng, giúp mỗi ĐVTN xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò của mình xây dựng nông thôn mới. BTV Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh tổ chức các hoạt động tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường ở nông thôn gắn với việc thực hiện các công trình, phần việc thanh niên. Đồng chí Lâm Phương Thuận - Bí thư Huyện đoàn Đoan Hùng cho biết: “Với phương châm “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”, các hoạt động tại khu dân cư đã có sự tham gia tích cực của ĐVTN, nhiều công trình đã ghi dấu của tuổi trẻ góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương”. Trong 5 năm qua, Đoàn các cấp đã tham gia đảm nhận 2.777 công trình, phần việc thanh niên có giá trị làm lợi trên 19,7 tỷ đồng thu hút gần 400 nghìn lượt ĐVTN tham gia. Hàng năm duy trì hiệu quả “Ngày chủ nhật xanh” và “Ngày thứ bảy tình nguyện”; nhiều đoàn cơ sở đã triển khai hoạt động “Thắp sáng đường quê” với 25km điện đường được lắp đặt, giúp đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự tại khu dân cư.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Hiện nay, lực lượng ĐVTN trong độ tuổi từ 16-30 tuổi chiếm 23,3% dân số toàn tỉnh và chiếm 47% lực lượng lao động. Đây là nguồn lực dồi dào cho sự phát triển kinh tế của địa phương, nhất là khu vực nông thôn. Hằng năm, đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp, vận động, kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế”. Trong 5 năm, tổ chức Đoàn phối hợp với TƯ Đoàn, Chi cục phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… tổ chức 183 lớp tập huấn, xây dựng 42 mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi cho ĐVTN. Hiện ĐVTN đã thành lập và duy trì 524 mô hình tổ hợp tác, HTX, CLB thanh niên phát triển kinh tế. Nhiều gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận thanh niên ở địa phương. Tổ chức Đoàn thanh niên cũng đóng vai trò quan trọng, là cầu nối trong công tác hỗ trợ thanh niên học nghề, lập nghiệp thông qua các chương trình, dự án về tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Từ năm 2011 đến nay đã có gần 43.000 ĐVTN được dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, 833 lao động nông thôn được học nghề. Việc nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động ở nông thôn góp phần không nhỏ củng cố quan hệ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả.

Vai trò của ĐVTN trong việc tham gia thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định trong việc xung kích, tình nguyện giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Các cơ sở Đoàn đã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ĐVTN về pháp luật nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi các biểu hiện vi phạm trật tự xã hội. 100% các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc tổ chức các hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng lực lượng dự bị động viên, chuẩn bị nguồn thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Các mô hình “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Đoạn đường thanh niên tự quản”, CLB “Thắp sáng niềm tin”… được duy trì đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Các cơ sở Đoàn đã gắn cuộc vận động “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong các phong trào văn hóa - văn nghệ, TDTT, tham gia tuyên truyền giá trị văn hóa hát Xoan. Với những hủ tục lạc hậu, ĐVTN cũng đi đầu trong việc bài trừ, thực hiện nghiêm túc các quy ước của cộng đồng, nhất là thực hành tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang. Tại các địa phương, mô hình CLB “Nhịp sống trẻ”, “Thắp sáng niềm tin” đã tạo sân chơi lành mạnh, giao lưu văn hóa cho ĐVTN, từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn.

Vai trò của ĐVTN trong cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; ý thức, trách nhiệm của ĐVTN được nâng lên bằng những việc làm và hành động cụ thể.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website