Đảm bảo môi trường cho làng nghề chế biến nông lâm sản

Mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp cũng khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng

(Ảnh chụp tại Làng nghề chế biến mì, bún, bánh Thạch Đê, xã Hiền Đa, huyện Cẩm Khê)

 

Trên toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 66 làng nghề đã được cấp bằng công nhận, 4 làng nghề đang được Hội đồng thẩm định công nhận làng nghề nông thôn đề nghị UBND tỉnh xét cấp bằng công nhận trong năm 2015. Trong tổng số 70 làng nghề có tới 35 làng nghề liên quan đến lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm như chế biến chè, làm tương, làm bún bánh, trồng rau an toàn, sản xuất sơn, sản xuất và chế biến gỗ. Nhóm làng nghề này đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là số lao động còn thiếu việc làm do đặc điểm lao động mang tính thời vụ của nông thôn. Các làng nghề cũ mở rộng, làng nghề mới ra đời đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế của các địa phương sinh động, khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở làng nghề đạt mức khá. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề chế biến nông lâm sản cơ bản vẫn mang tính nhỏ lẻ, công nghệ chưa được cải tiến, thiết bị thủ công, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, xưởng sản xuất lẫn vào khu dân cư. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề chế biến nông lâm sản đang là vấn đề bức xúc, nó như một hệ quả tất yếu khó tránh khỏi khi làng nghề chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác môi trường.

 

Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, mức độ ảnh hưởng đến môi trường rõ rệt nhất. Các làng nghề này thường kết hợp với chăn nuôi lợn để tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, vì vậy không chỉ nước thải từ hoạt động sản xuất mà chất thải từ chăn nuôi cũng đang tác động đến môi trường sống. Tại làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Số hộ tham gia sản xuất không nhiều nhưng do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ít hộ tự xử lý bằng cách xây hầm biogas, xây bể lắng còn đa phần thải trực tiếp ra kênh mương nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm do nước thải, chất thải từ làm nghề thải ra. Hay đến các làng nghề chế biến chè mới thấy vấn đề về đảm bảo môi trường cũng đang là bài toán khó. Qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có 13 làng nghề chế biến chè, tuy nhiên hầu hết nhà xưởng, máy móc có vốn đầu tư thấp, sơ sài, thiếu tính đồng bộ, chưa được xây dựng theo nguyên tắc liên hoàn để tránh ô nhiễm.

 

Ông Đỗ Văn Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn cho biết: “Trên địa bàn xã Thục Luyện hiện có 2 làng nghề sản xuất chế biến chè là làng nghề sản xuất chế biến chè Ngọc Đồng và làng nghề sản xuất chế biến chè Đồng Lão. Mặc dù bà con nông dân trong làng nghề cũng đã có ý thức biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho môi trường xung quanh tránh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do mặt bằng sản xuất còn chật hẹp, máy móc chế biến chè đều cũ và lạc hậu, việc đầu tư một hệ thống chuyên xử lý nước thải làng nghề rất khó vì các hộ sản xuất không tập trung, địa phương cũng chưa có kinh phí để làm, vì vậy, ở góc độ địa phương cũng chỉ có giải pháp là tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề xử lý bằng chế phẩm sinh học, xây hầm biogas nhằm hạn chế tối đa nhất tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ không làm nghề”.

 

Vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề chế biến nông lâm sản là một thực trạng đã tồn tại từ lâu nay do đa phần các làng nghề và các cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản quy mô còn nhỏ chỉ chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất chưa quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động, chỉ có một số các cơ sở có quy mô lớn mới chấp hành tốt quy định này. Hoạt động sản xuất cũng theo kiểu tự phát nên các hộ làm nghề trong làng nghề không có sự gắn kết chặt chẽ. Đồng thời, ý thức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các hộ sản xuất tại các làng nghề chưa cao. Việc tuyên truyền phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, các định hướng của Nhà nước trong công tác quản lý làng nghề và phát triển nông thôn còn chưa được quan tâm thực hiện đúng mức.

 

Những năm qua, công tác giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương quan tâm; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư tập trung. Tuy nhiên, tiến độ di dời vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thực tế việc triển khai các cụm công nghiệp, làng nghề cũng như các công trình, hệ thống xử lý nước thải, chất thải làng nghề trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng cao khiến nhiều hộ dân sản xuất nhỏ lẻ chưa đủ khả năng kinh tế, khó có thể chuyển đổi vị trí, mô hình sản xuất một cách dễ dàng, nhanh chóng.

 

Theo ông Nguyễn Bá Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường: Để giải quyết triệt để mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các địa phương cùng các cấp các ngành cần chú trọng công tác quy hoạch các làng nghề; áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất vào quá trình sản xuất đảm bảo xanh – sạch. Quản lý chặt chẽ và triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Cùng với đó, phải mở rộng và đa dạng các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng trong làng nghề, góp phần tạo nên sự nhất trí trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường.


Nguồn: phuthoportal.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website