Dân vận khéo để xây dựng nông thôn mới

Đảng ủy, chính quyền cùng các ngành, đoàn thể xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn tích cực vận động nhân dân phát triển cây chè, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Về xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, đi trên nhiều tuyến đường liên khu, liên xóm rộng thênh thang, phẳng lì với những hàng hoa chiều tím nở đều, đẹp mắt; những cánh đồng trải dài mênh mông…, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của một xã đạt chuẩn NTM. Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Tần phấn khởi cho biết: Những thành quả này, có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong XDNTM tại địa phương. Xác định công tác dân vận khéo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công, do đó, cán bộ dân vận bằng sự kiên trì, mềm dẻo đã vận động người dân hiến đất làm đường, kênh mương, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, xây nhà văn hóa... Tiếp đến là vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ; các mô hình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề được triển khai sâu rộng... Nhờ đó, xã đã nhanh chóng đạt chuẩn NTM vào năm 2017, hiện nay xã đang tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí”.

Cùng với Tân Phương, thời gian qua, huyện Thanh Thủy luôn xác định người dân là chủ thể của quá trình XDNTM, các cấp ủy, chính quyền đã tích cực triển khai, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”, vận động nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; dồn đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, tập trung vào các loại giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng khu dân cư đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường bền vững. Cuối năm 2020, Thanh Thủy đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.

Nhờ công tác dân vận khéo, xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy trồng được nhiều con đường hoa, góp phần xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp.

Với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song đến nay, huyện Thanh Sơn đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; các xã còn lại đạt 10-14 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 14,09 tiêu chí/xã. Ông Vũ Anh Tuấn- Trưởng Ban dân vận Huyện ủy khẳng định: Kết quả trên có được là do có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, huy động nhân lực, vật lực trong nhân dân hoàn thành từng bước các tiêu chí. Điển hình như  trong 5 năm từ 2016-2020, xã Địch Quả thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo” trong Chương trình XDNTM đã vận động nhân dân hiến được trên 18 nghìn m2 đất và ủng hộ hơn 12 tỷ đồng để làm đường GTNT, nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa khu dân cư. Xã Cự Đồng huy động nhân dân đóng góp 1,3 tỷ đồng, hiến 2.600m2 đất để làm mới, tu sửa nhà văn hóa, nâng cấp đường GTNT và các công trình phúc lợi khác. Xã Thạch Khoán vận động người dân hiến đất làm đường GTNT và xây dựng NVH với tổng diện tích trên 10 nghìn m2...

Ngay khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các địa phương trong tỉnh luôn xác định làm tốt công tác dân vận là một trong những giải pháp quan trọng  để tập hợp, quy tụ nhân dân, hình thành nền tảng sức mạnh vượt qua những khó khăn trở ngại hoàn thành mục tiêu lớn. 

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm thực hiện; thường xuyên vận động, tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân, giúp nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh có gần 2.200 mô hình “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện. Các mô hình, việc làm hiệu quả tập trung ở mọi lĩnh vực, với các nội dung cụ thể, tập trung vào giải quyết các việc khó, việc trọng tâm tại địa phương, cơ quan, đơn vị như: Vấn đề quản lý trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Phát huy được dân chủ ở cơ sở với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội. Có nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, xuất hiện một số cách làm mới, sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực, trong đó có việc vận động người bị thiệt hại ít ủng hộ cho người bị thiệt hại nhiều trong quá trình giải phóng mặt bằng (tiêu biểu là ở huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ...). 

Công tác dân vận và phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp quá trình xây dựng NTM của tỉnh dần hoàn thành theo kế hoạch đề ra. 

                                                                                                        Anh Thơ (Nguồn baophutho.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website