Những khó khăn, thuận lợi cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại các xã sau sáp nhập đơn vị hành chính

Huyện Hạ Hòa là huyện có số lượng xã tham gia xây dựng nông thôn mới giảm nhiều nhất tỉnh từ 32 xã giảm xuống còn 19 xã sau sáp nhập. Trước khi sáp nhập toàn huyện có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, sau khi sáp nhập giảm còn 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Đan Thượng mới là xã được sáp nhập từ 4 xã Hậu Bổng, Liên Phương, Đan Hà và xã Đan Thượng. Trước khi sáp nhập, cả 4 xã đều chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí nông thôn mới đạt được còn thấp. Sau khi sáp nhập, qua rà soát xã đạt 13/19 tiêu chí, có tiêu chí bị giảm, có tiêu chí tăng khối lượng như: tiêu chí quy hoạch, giao thông, trường học, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, môi trường… đặt ra nhiều thách thức lớn cho công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, đòi hỏi cần nhiều thời gian và công sức để thực hiện, trong khi nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình không tăng. Đặc biệt những tiêu chí cần nhiều nguồn lực để thực hiện như giao thông, trường học, môi trường khi sáp nhập khối lượng thực hiện tăng lên nhiều lần, trong khi thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã còn thấp, khả năng huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế, thì đây sẽ là một trong những khó khăn thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Nhà văn hóa Khu 10, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông

Xã Dân Quyền, huyện Tam Nông được sáp nhập từ 3 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Dậu Dương (đạt chuẩn năm  2015), Thượng Nông (đạt chuẩn năm 2016), Hồng Đà (đạt chuẩn năm 2017). Sau khi sáp nhập, xã đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Trên nền tảng các xã đạt chuẩn nông thôn mới với hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân người dân phát triển xã mới Dân Quyền vẫn duy trì đạt 19/19 tiêu chí, nhiều tiêu chí đạt mức độ cao như:  Giao thông với 100% đường trục xã, liên xã, trục khu, liên khu được cứng hóa; 8/8 trường học của xã có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; 100% nhà văn hóa thôn dân cư đạt chuẩn theo quy định; xã đã có 1 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (là khu đầu tiên đạt chuẩn của tỉnh). Đến nay, xã cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thừa nhận xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn tới xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tiếp theo.

          Từ những trường hợp cụ thể trên có thể nhận thấy quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ có những xã gặp khó khăn khi được sáp nhập từ các xã chưa đạt chuẩn với nhau hoặc sẽ có xã thuận lợi hơn khi một hoặc tất cả các xã sáp nhập với nhau đều đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn tiếp theo sau sáp nhập sẽ là thử thách với các xã khi nhiều phần việc còn bề bộn, đội ngũ nhân lực quản lý chưa ổn định, bỡ ngỡ, khối lượng công việc cần giải quyết lớn...

          Để quá trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện liên tục, đảm bảo theo đúng lộ trình đã đề ra. Ngay sau khi kiện toàn hệ thống chính trị, các địa phương cần khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban phát triển nông thôn tại các khu dân cư. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn sáp nhập lại với nhau thực hiện rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh thừa nhận xã đã đạt chuẩn đối với đơn vị hành chính mới. Trường hợp xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sáp nhập với xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tập trung nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung gắn với điều chỉnh quy hoạch lộ trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện rà soát tổng thể, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo quy định. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhóm giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới như: Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực đầu tư nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân; triển khai, nhân rộng mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu… trong thời gian tới.

          Các địa phương cần xác định rõ giai đoạn sau sáp nhập sẽ còn nhiều việc phải triển khai thực hiện, vì vậy, rất cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận của người dân trong thực hiện mọi chủ trương, nội dung của Chương trình, đồng thời các xã cũng cần xác định những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương để quá trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao./.

                                           Nguyễn Nam Cường - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM

                                                  

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website