Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng năng động hơn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng muốn giữ chân nhiều người nông dân ở lại với nông thôn thì cần tạo ra nhiều ngành nghề mới ngay trong nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kinh tế nông thôn cần năng động hơn

Dịch chuyển lao động là một xu thế khách quan của quá trình vận động của các nền kinh tế. Quá trình dịch chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp được đẩy mạnh cùng với quá trình phát triển kinh tế, dịch chuyển cơ cấu ngành và công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, xu hướng dịch chuyển lao động nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, dịch chuyển lao động nông nghiệp phụ thuộc vào 2 yếu tố: lực đẩy và lực hút.

“Đó là lực hút đến từ những công ăn việc làm của các đô thị lớn, các khu công nghiệp. Lực đẩy đến từ việc khu vực nông thôn chưa có nhiều việc làm, dẫn đến người nông dân phải bỏ đi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cắt nghĩa.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng không thể can thiệp vào quá trình dịch chuyển lao động nông nghiệp mà chỉ có thể cân bằng giữa lực đẩy và lực hút để giữ chân một bộ phận người nông dân gắn bó với nông thôn.

Với sự phát triển về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, lực lượng lao động nông nghiệp không cần quá nhiều nhân lực. Thế nhưng nếu muốn giữ chân nhiều người nông dân ở lại với nông thôn thì cần tạo ra nhiều ngành nghề mới ngay trong nông thôn.

“Có thể thu nhập tại các làng quê sẽ không cao bằng những công việc ở các đô thị nhưng điều giữ người nông dân ở lại với nông thôn là điều kiện sống, môi trường sống, nền y tế, giáo dục phát triển… và nhiệm vụ của chúng ta là phải cải thiện những yếu tố đó cho người nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, trong những giai đoạn trước, nếu nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là xây dựng những cơ sở hạ tầng nông thôn thì trong giai đoạn 2021- 2025, trọng điểm của Chương trình là phát triển kinh tế nông thôn.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định từ kinh tế nông thôn mới có thể tạo ra được nhiều việc làm cho người nông dân. Kinh tế nông thôn không chỉ là làm nông mà còn phải hướng đến những hợp tác xã, những doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Lực lượng đó sẽ đảm bảo các khâu phân loại, bảo quản, sơ chế chế biến, qua đó nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều phân khúc cho sản phẩm nông nghiệp.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn sẽ đảm bảo các khâu phân loại, bảo quản, sơ chế chế biến, qua đó nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều phân khúc cho sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng song song với việc định hình kinh tế nông thôn cũng cần tạo ra được không gian để kinh tế nông thôn phát triển. Không gian đó là những quỹ đất để phát triển hạ tầng, logictics trong lĩnh vực nông nghiệp, để đưa HTX thành những chuỗi ngành hàng, thông qua đó tạo ra nhiều việc làm, dịch vụ thương mại ở nông thôn.

"Ngoài ra, việc đào tạo cho người nông dân cần bám sát theo yêu cầu và quyết định của thị trường. Chúng ta không chỉ hướng dẫn người nông dân nuôi con gì, trồng cây gì như thế nào… mà phải huấn luyện người nông dân theo tư duy thị trường, nắm được đòi hỏi của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cơ cấu lao động nông nghiệp giảm dần đều

Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, dân số thành thị ngày càng tăng, trong khi dân số nông thôn có xu hướng giảm. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.122.548 người trong khi năm 2010 là 26.515.900 người.

Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8%. Một trong những lý do dẫn đến sự thay đổi này chính là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị.

So sánh số liệu thống kê hằng năm cho thấy, cơ cấu lao động ngành nông nghiệp đang có sự dịch chuyển giảm dần đều. Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm, thủy sản ở nước ta liên tục giảm, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 35,3% năm 2019. Đây là lần đầu tiên, số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ cao hơn số lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản.

Thách thức lớn nhất hiện nay đối với lao động nói chung và lao động nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng là chất lượng lao động còn thấp. Theo đánh giá của nhiều nghiên cứu, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực.

Cơ cấu lao động ngành nông nghiệp đang có sự dịch chuyển giảm dần đều. Ảnh: Thanh Nga.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề còn thấp, cơ cấu nguồn nhân lực phân theo trình độ đào tạo còn bất cập; lợi thế giá nhân công rẻ bị mất dần, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu việc làm và còn biểu hiện lãng phí.

Ngoài ra, nhận thức về thị trường lao động chưa đầy đủ, quản lý thị trường lao động kém hiệu quả, dự báo cung - cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới tình trạng thiếu việc làm và di dân thời vụ ở nông thôn ra thành thị ngày càng có xu hướng tăng, gây nên sức ép lớn về dịch vụ nhà ở, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông…

                                                                                                   Phạm Hiếu (Nguồn: nongnghiep.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website