Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư từng bước hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên; diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, bình yên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 109 xã được công nhận đạt chuẩn nông mới, huyện Lâm Thao được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; 03 địa phương: TP Việt Trì, TX Phú Thọ, huyện Thanh Thủy đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông mới; bình quân tiêu chí trên địa bàn tỉnh đạt 15,2 tiêu chí/xã. Với kết quả đó, Phú Thọ là tỉnh nằm thuộc nhóm đi đầu trong xây dựng nông thôn mới khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng núi kết quả xây dựng nông thôn mới còn có khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, thể hiện ở chỗ toàn tỉnh vẫn còn 10 xã đạt từ 8-9 tiêu chí, trong đó các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là các tiêu chí về thu nhập, giao thông, nước sạch,… các xã trên tập trung chủ yếu ở huyện Tân Sơn, Thanh Sơn. Kết quả đó thể hiện sự phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh đặc biệt giữa các xã đồng bằng và các xã miền núi cao.
Khu Sinh Tàn, một trong những địa bàn khó khăn nhất của xã Thượng Cửu
Thượng Cửu là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, cách trung tâm huyện 35 km nằm về phía Đông nam. Diện tích đất tự nhiên trên 7.200 ha chủ yếu là đất lâm nghiệp trong đó, diện tích sản xuất lúa có 97 ha. Toàn xã có 819 hộ với 3.498 nhân khẩu, có 04 dân tộc cùng chung sống trong đó, dân tộc Mường chiếm tỷ lệ đa số với 88%, còn lại là dân tộc Dao, Kinh và dân tộc khác. Xã được chia thành 10 khu hành chính, khu xa trung tâm nhất là khu Sinh Tàn cách trung tâm xã gần 10 km. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đến nay xã mới đạt 9/19 tiêu chí, nhiều tiêu chí đạt mức độ thấp như thu nhập bình quân đầu người năm 2019 mới đạt 18,25 triệu đồng/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh (32 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo còn 20,78%; các tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đều chưa đạt chuẩn… Thêm vào đó các hình thức phát triển sản xuất còn lạc hậu chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao, trên địa bàn chưa hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; công tác vệ sinh môi trường cũng chưa đảm bảo, xã chưa có tổ thu gom xử lý rác, rác chủ chủ yếu được người dân tự xử lý tại hộ gia đình; trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp khai thác quặng, các hoạt động xả thải chưa đảm bảo gây ôi nhiễm môi trường, các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp chưa được triển khai tốt.
Xóm Mới, Xã Đồng Sơn
Xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn cũng là một xã đặc biệt khó khăn, hết năm 2019 xã mới đạt 8/19 tiêu chí, các tiêu chí đã đạt chủ yếu là các tiêu chí “mềm”, các tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế… đều chưa đạt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 mới đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao lên tới 41,36%...
Có thể thấy điểm chung là các xã trên đều là các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm khi triển khai Chương trình rất thấp: Cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khó khắn, địa bàn rộng, dân cư sống rải rác ở các sườn núi cao, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn; cùng với đó là trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập quán sinh hoạt, canh tác còn lạc hậu; khả năng huy đồng nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Trong công tác chỉ đạo, các địa phương mới quan tâm, tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng, trong khi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là cốt lõi để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Từ đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã.
Do đó, để thu hẹp khoảnh cách chênh lệch giữa các địa phương vùng sâu vùng xa và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, hạn chế, thì các địa phương vùng cao, vùng khó khăn cần làm tốt công tác tuyên truyền về nông thôn mới, nhất là tuyên truyền về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm hay của các tổ chức, cá nhân để người dân học tập; chú trọng xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng xã, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra vùng hàng hóa lớn, chất lượng cao; cần tăng cường công tác huy động và phát huy tối đã các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, tất cả các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn cần phải gắn chặt với Chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, các địa phương vùng sâu, vùng khó khăn luôn cần mức đầu tư lớn hơn so với các địa phương vùng khác, do đó Trung ương, tỉnh cũng cần có các cơ chế đặc thù để tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp cho Chương trình, nhất là vốn đầu tư phát triển…để các xã sớm về đích nông thôn mới./.
Nguyễn Nam Cường
Phó Chánh VPĐP NTM tỉnh