Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Thủy đã linh hoạt trong vận động người dân thông qua các mô hình dân vận khéo, khơi dậy được sức dân. Đây cũng là cách làm sáng tạo, góp phần tạo nên thành công trong xây dựng huyện nông thôn mới Thanh Thủy.
Mô hình dân vận khéo trong dồn đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở xã Đoan Hạ.
Xây dựng mô hình gắn với thực tiễn
Khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Thủy xác định nếu không khơi dậy được sức dân mà chỉ dựa vào các nguồn lực của Nhà nước đầu tư, các tiêu chí nông thôn mới sẽ khó cập đích. Để người dân phát huy vai trò chủ thể, đồng thuận thực hiện chương trình, huyện xác định gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bằng cách xây dựng các mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó lựa chọn những việc khó, phức tạp nảy sinh trong thực tế xây dựng mô hình để lãnh đạo chỉ đạo, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Bà Hoàng Thị Phương An- Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, chúng tôi tham mưu cho Huyện ủy đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng mô hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, qua đó tập hợp, phát huy được sức mạnh đồng thuận và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân.
Không dập khuôn máy móc, việc xây dựng mô hình dân vận khéo được các đơn vị, địa phương cụ thể hóa thành nhiệm vụ chính trị, thường xuyên. Các tổ chức chính trị, địa phương chọn đúng những nhiệm vụ cấp ủy đang tập trung chỉ đạo và vấn đề nhân dân quan tâm để xây dựng mô hình thực hiện trong từng năm hoặc cả giai đoạn.
Trong thời gian triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã xây dựng được 260 mô hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có 143 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả được nhân dân ủng hộ, qua đó khơi dậy sức dân cùng với nguồn lực của Nhà nước, hoàn thiện các tiêu chí.
Khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, xã Đào Xá có xuất phát điểm thấp, so sánh với bộ tiêu chí mới đạt 2/19 tiêu chí. Để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí, xã đề ra mục tiêu mỗi năm đạt từ 2-3 tiêu chí, cơ bản hoàn thành các tiêu chí và mục tiêu đề ra trong năm 2018. Qua rà soát có 4 tiêu chí cần phải khơi được sức dân để lo cho dân thụ hưởng là tiêu chí giao thông, giáo dục, y tế và môi trường. Xã giao cho các đoàn thể, khu dân cư xây dựng các mô hình dân vận khéo để vận động nhân dân thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Việt, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trong tổng số 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu NTM, có các chỉ tiêu, tiêu chí được Nhà nước đầu tư hỗ trợ các nguồn lực để hoàn thành, còn lại các tiêu chí theo phân cấp do địa phương và nhân dân phải thực hiện. Chúng tôi xác định để nhân dân đồng thuận, phải xây dựng các mô hình dân vận khéo phù hợp với sức dân bởi người dân là người thực hiện, chỉ khi họ đồng thuận thì mô hình đó mới phát huy hiệu quả.
Qua chỉ đạo xây dựng các mô hình dân vận khéo, người dân trong xã đã hiến đất, đóng tiền, góp ngày công, làm đường bê tông xi măng, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa khu, trang thiết bị trường học, mua BHYT với trị giá đóng góp 22,6 tỷ đồng, chiếm 27,52% tổng kinh phí thực hiện chương trình.
Có thể nói, việc lựa chọn vấn đề để xây dựng mô hình “dân vận khéo” sát với nhiệm vụ cấp ủy đang tập trung chỉ đạo và vấn đề nóng được nhân quan tâm là chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng
các mô hình dân vận khéo, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Thanh Thủy được
giải phóng mặt bằng đảm bảo thi công đúng tiến độ.
Hiệu quả các mô hình
Điển hình của mô hình dân vận khéo mà huyện Thanh Thủy thực hiện hiệu quả thời gian qua là vận động người dân ở các xã Yến Mao, Phượng Mao, Đào Xá hiến đất làm đường giao thông nông thôn, trong đó nhân dân xã Yến Mao hiến 11.000m2, xã Phượng Mao hiến 1.310m2, xã Đào Xá 2.000m2 để xây dựng đường GTNT và gần 65.000m2 để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B tỉnh Phú Thọ đi Hòa Bình. Chị Nguyễn Thị Hương- cán bộ Trạm Y tế xã Phượng Mao cho biết: “Trước kia khi chưa có các tuyến đường này chạy qua, việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn vì đường xuống cấp. Từ khi có tuyến đường này, Hội Phụ nữ xã phát động hội viên trồng hoa hai bên đường nên giờ đây việc đi lại không chỉ dễ dàng mà còn góp phần thay đổi diện mạo của quê hương”.
Thực hiện dồn đổi ruộng đất, xã Đoan Hạ xây dựng mô hình vận động nhân dân dồn đổi từ 1.406 thửa ruộng nhỏ thành 430 thửa lớn, tạo điều kiện để nhân dân sản xuất, canh tác. Qua dồn đổi, các hộ dân đã chuyển sang thực hiện cánh đồng một trà, một giống cho năng suất cao đồng thời đưa máy móc vào thực hiện các khâu làm đất, gặt… Ông Nguyễn Văn Phú, khu 4 cho biết: Nhờ dồn đổi ruộng đất, giờ thời gian đi làm đồng của gia đình tôi rút ngắn lại. Trước đây một ngày tôi chỉ làm cỏ, phun thuốc, bón phân được 1, 2 thửa ruộng; vụ gặt cũng phải mất vài ngày mới thu hoạch xong vì ruộng ở các xứ đồng khác nhau, giờ thì thời gian chăm sóc rút ngắn xuống còn 1 ngày vì các thửa ruộng tập trung vào 1 cánh đồng. Vào vụ gặt đưa máy xuống đồng chạy một tiếng là gặt xong.
Không chỉ vận động người dân tham gia thực hiện hiến đất làm đường bê tông, dồn đổi ruộng đất... mô hình dân vận khéo của các tổ chức hội đoàn thể còn được lan tỏa thông qua việc người dân bắt tay vào chăm chút cảnh quan, tạo thêm mỹ quan cho bộ mặt nông thôn mới. Chị Trần Thị Phượng - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã triển khai tới cơ sở xây dựng các mô hình như trồng hoa tại các tuyến đường tỉnh lộ và liên xã ở 15 xã, thị trấn với 27 km chiều dài đường hoa. Với mô hình xây dựng hố rác gia đình tại xã Yến Mao, đến nay xã đã có 194/120 gia đình có hố rác, đạt tỷ lệ 87%. Ở mỗi xã đều cũng lựa chọn xây dựng các mô hình dân vận khéo rất thiết thực như mô hình vận động nhân dân mua thẻ BHYT ở xã Đào Xá, vận động nhân dân xây dựng biển ghi tên đường theo tỉnh lộ 317 của xã Xuân Lộc…
Sau 9 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các mô hình “Dân vận khéo” được phát huy, đúng thời điểm đã góp phần quan trọng giúp cho diện mạo huyện Thanh Thủy có nhiều khởi sắc, hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. Việc xây dựng các mô hình dân vận khéo gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự lan tỏa, góp phần huy động sức mạnh của nhân dân, thực sự là “chìa khóa” giúp hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới.
Chi Hương