Phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho người nông dân, giúp tăng thêm thu nhập là một trong những tiêu chí được các địa phương nỗ lực thực hiện.
- Làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao thường xuyên đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức và tìm kiếm, mở rộng thị trường để ngày càng phát triển.
Kỳ I: Nỗ lực vượt lên khó khăn
Là tỉnh trung du miền núi, khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bình quân cả tỉnh mới đạt 6,5 tiêu chí và chỉ có 27 xã đạt trên 10 tiêu chí. Để khắc phục khó khăn và triển khai thành công chương trình xây dựng NTM thời gian qua đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là vai trò đầu tàu gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên.
Quyết tâm để thực hiện mục tiêu
Ba xã đầu tiên được tỉnh lựa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là Sơn Dương (huyện Lâm Thao); Đồng Luận (huyện Thanh Thủy) và Gia Điền (huyện Hạ Hòa). Mỗi xã đại diện cho một vùng đặc trưng của tỉnh là: Đồng bằng, trung du và miền núi. Xuất phát điểm thấp, giai đoạn đầu triển khai XDNTM, các xã trên gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đầy đủ về chương trình, lúng túng trong triển khai thực hiện; nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương còn hạn chế… Cũng tại thời điểm ấy, hầu hết các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp đã xuống cấp; hệ thống giao thông nông thôn hư hỏng nặng; tập quán canh tác, sản xuất của người dân còn lạc hậu; ruộng đồng manh mún; đại đa số các địa phương không có khu tập trung rác thải; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh chưa cao; nhiều công trình phục vụ đời sống, sản xuất của người dân chưa đảm bảo…
Đồng chí Quyết Đức Tạo- Bí thư Đảng ủy xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy (lúc bấy giờ) nhớ lại thời điểm được tỉnh lựa chọn làm xã điểm, xã cũng có những thuận lợi bởi nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Đồng Luận cũng có lợi thế là hệ thống đường bộ, đường sông thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do là xã thuần nông, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 10%, trong khi đó để cập với tiêu chí NTM thì con số này ít nhất phải đạt 40%. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường do chưa xây dựng được khu xử lý rác thải tập trung; hệ thống nước thải sinh hoạt… làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đây là những khó khăn của xã trong quá trình XDNTM, đòi hỏi phải có sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và nhân dân mới giải quyết được.
Nhận rõ những khó khăn ấy, với quyết tâm phải thực hiện thành công chương trình để thay đổi tập quán sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã xây dựng, triển khai thực hiện hàng loạt Nghị quyết, kế hoạch, chương trình dự án để từng bước hiện đại hóa nông thôn như: NQ 07, Hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 1623 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020… Trong đó, tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp như đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng các mô hình kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu; ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ hợp tác xã hoạt động hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân thuê đất người dân đầu tư sản xuất tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn…
Nêu gương vai trò đảng viên đi trước
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào XDNTM, đồng chí Vi Văn Khối - Bí thư Đảng ủy xã Đông Thành, huyện Thanh Ba (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND xã) cho biết: Thời điểm ấy, việc XDNTM gặp rất nhiều khó khăn do cần nguồn kinh phí quá lớn so với nguồn lực của địa phương. Trong khi đó, người dân lại chưa có nhận thức đầy đủ về những lợi ích do NTM mang lại nên quá trình vận động người dân đóng góp, ủng hộ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, công khai, minh bạch mọi chương trình thì các thành viên trong Ban chỉ đạo XDNTM của xã cũng thường xuyên thông qua các tổ chức, đoàn thể để vận động hội viên tham gia, trong đó các đảng viên luôn gương mẫu đi đầu thực hiện nhiệm vụ nên đã tạo được lòng tin trong nhân dân, góp phần đưa Đông Thành là xã đầu tiên của huyện Thanh Ba đạt chuẩn NTM. Nhiều đảng viên đã góp hàng chục, hàng trăm m2 đất hoặc ủng hộ tiền như các đảng viên Vi Văn Giao, Vi Văn Hào, Vi Văn Hiền… Chỉ trong 4 năm Đông Thành đã huy động được hơn 30 tỷ đồng từ nhân dân và các tổ chức để XDNTM.
Không nằm trong diện xã điểm nhưng xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì lại là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Có được thành công ấy bên cạnh sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thì đảng viên trong toàn Đảng bộ đã thực sự phát huy tốt vai trò đầu tàu, nhất là trong công tác dân vận, đoàn kết giữa đồng bào công giáo và đồng bào không theo đạo. Đồng chí Lê Anh Hào - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Chúng tôi xác định cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu, tiên phong, nòng cốt đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là trong công tác vận động, tuyên truyền nên ngay từ khi bắt tay vào thực hiện XDNTM, Đảng bộ đã quán triệt mỗi đảng viên phải nêu cao tinh thần quyết tâm, kiên trì thuyết phục, giải thích cho người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của chương trình. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, giúp nhân dân tin tưởng, chủ động tham gia XDNTM. Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra. Đảng ủy xã phân công cho mỗi đảng viên và cán bộ từ xã tới cơ sở xóm, đội chịu trách nhiệm, ưu tiên tập trung vào những tiêu chí khó để cùng tháo gỡ, thực hiện. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên cũng chính là những người tích cực vận động và gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh, triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn xã, điển hình như đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận khu Phú Thịnh. Nhờ những đảng viên gương mẫu, quần chúng ưu tú, đến nay xã Thụy Vân đã đầu tư trên 48 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến hơn 2.000m2 đất để tiếp tục hoàn thiện NTM…
Không chỉ có những đảng viên đi trước, làm trước mà nhiều quần chúng điển hình là tấm gương đi đầu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” cũng như học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm. Điển hình là bà Cù Thị Hòa ở khu 6, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của khu dân cư, trong những năm qua bà Hòa không ngần ngại tự nguyện hiến trên 200m2 đất, ủng hộ 30 xe sỏi để làm đường giao thông liên xã. Bà còn vận động người thân trong gia đình, dòng họ ủng hộ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương “nồi cháo tình thương” trị giá 12 triệu đồng; ủng hộ thôn 10 triệu đồng để may trang phục biểu diễn văn hóa, văn nghệ… Nhờ gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động nên bà Hoà luôn được đông đảo bà con trong khu tín nhiệm, ủng hộ. Thông qua những hoạt động do bà vận động, nhiều hộ dân trong khu luôn tích cực hưởng ứng tham gia. Trong đó phải kể đến những công trình cứng hoá đường giao thông liên thôn, xóm, xây dựng cầu dân sinh, đầu tư xây dựng nhà văn hoá, mua sắm trang thiết bị trường học trên địa bàn với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng…
Những tấm gương đảng viên tiêu biểu ở các chi, Đảng bộ nông thôn đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố niềm tin của người dân với Đảng, đồng lòng, nhất trí với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Nhóm PV Kinh tế