Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp năm 2020

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới năm 2019, trong đó đánh giá vai trò và chất lượng công tác tham mưu của hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp. Định hướng, giải pháp cụ thể để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020.

Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết, cả nước hiện có 58,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu năm 2020 đạt 60%, trên 126 huyện được thẩm định và công nhận đạt chuẩn nông thông mới, hội nghị tiếp tục khẳng định kết quả của Chương trình quốc gia Nông thôn mới, đồng thời rà soát các nhiệm vụ còn lại của năm 2020, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn phát triển mới năm 2021-2025.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Đến hết tháng 5/2020, cả nước có 61/63 UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai Đề án/ Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP; có 32 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 1.711 sản phẩm OCOP (đạt 71,3%  so với kế hoạch là 2.400 sản phẩm) của 986 chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Cả nước có 5.177 xã (58,2%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (5,2%) so với cuối năm 2019, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã; Có 126/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (28,9%); 09 tỉnh thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tỉnh Thái Bình cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Chương trình đã hoàn thành sớm các mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó, 08/19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM hoàn thành vượt kế hoạch so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng ngày càng được phát triển và nhân rộng đã đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình. NTM đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn với việc có một số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành xây dựng NTM, như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La,…

Toàn cảnh hội nghị

Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Cả nước còn 45 huyện thuộc 22 tỉnh thành phố vẫn còn “trắng” xã NTM; 09 tỉnh có số xã đạt chuẩn rất thấp, dưới 30% (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Bến Tre).

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đã tác động đến công tác chỉ đạo, triển khai Chương trình ở các địa phương, tiến độ phân bổ vốn ngân sách Trung ương còn chậm. Hiện vẫn còn 16 tỉnh chưa phân bổ chi tiết đến các đơn vị và chủ đầu tư; 12 địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn được giao), kết quả giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn một số địa phương còn hạn chế; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn của một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Một số huyện, xã sau khi được công nhận đạt chuẩn chưa quan tâm đến tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí mà tập trung nhiều vào xây dựng NTM kiểu mẫu.

Về định hướng, giải pháp cụ thể để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Hội nghị tổ chức thảo luận các nội dung: Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai toàn diện Chương trình nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2020; Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả và tổ chức tổng kết các Chương trình, Đề án trọng tâm (Chương trình OCOP, Đề án môi trường, Đề án nông thôn mới cấp huyện, Đề án nông thôn mới vùng khó khăn …); Định hướng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, (Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).

Mục tiêu của Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí; những địa phương (xã, huyện, tỉnh) đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020.

                                                                  Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website