Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM, gồm 19 tiêu chí, bao quát toàn bộ các nội dung về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Phát triển sản xuất nông nghiệp giữ vai trò rất quan trọng, có thể nói là gốc trong xây dựng NTM. Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ trọng yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là quá trình phát triển cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững trên cả 3 phương diện: tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp bền vững là nền tảng cốt lõi để thực hiện các các tiếu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm, đồng thời là tiền đề để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới.
Năm 2011, tỉnh Phú Thọ bước vào triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn: Là tỉnh miền núi, xuất phát điểm của các xã đạt rất thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt thấp 13,7 triệu đồng/người/năm;, bình quân tiêu chí toàn tỉnh chỉ đạt 6,5 tiêu chí/xã, có 27 xã đạt 10-14 tiêu chí, 220 xã đạt dưới 10 tiêu chí và có đến 51 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, bên cạnh việc tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, thì việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới hình thức sản xuất, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đã được tỉnh hết sức quan tâm, ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo thực hiện.
Là tỉnh nghèo, thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua tỉnh đã quan tâm, dành nguồn lực ngân sách để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp được ban hành. Giai đoạn 2011 -2016 tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây lương thực, cây chè, rừng sản xuất, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi lợn thịt, bò thịt chất lượng cao và phát triển thủy sản. Giai đoạn 2016-2020 tập trung hỗ trợ cho các cây, con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, gắn với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các hình thức liên kết sản xuất. Nhờ đó, đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô liền vùng 10 ha trở lên, với tổng diện tích 8,7 ngàn ha, vùng sản xuất rau an toàn, tập trung với quy mô 375 ha; vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng và bưởi Diễn với quy mô gần 4.500 ha, với sản lượng 32,6 nghìn tấn; diện tích chè toàn tỉnh đạt 16.000 ha, sản lượng 185,5 nghìn tấn, với tỷ lệ giống chè mới đạt trên 75%; vùng nuôi thủy sản với diện tích 10.500ha, sản lượng đạt 37,9 nghìn tấn; Đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, chất lượng được cải thiện: đàn trâu đạt 61,4 nghìn con, đàn bò đạt 116,5 nghìn con, đàn lợn đạt 609,6 nghìn con, đàn gia cầm đạt 15,2 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 175,4 nghìn tấn.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Phú Hộ, thị xã Phú Thọ
Công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thế mạnh được tỉnh quan tâm, ban hành cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, góp phần tạo việc làm, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở chế biến chè có công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/ngày và trên 897 cơ sở chế biến nhỏ lẻ, Có 620 cơ sở chế biến gỗ, (trong đó: 81 doanh nghiệp, công ty, 6 HTX và 533 hộ kinh doanh cá thể) và 2100 hộ gia đình tham gia chế biến gỗ, đồ mộc gia dụng; Lĩnh vực chăn nuôi có Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK với công nghệ hiện đại, quy mô đàn gà đẻ 250 nghìn con, cung cấp 175 triệu quả trứng/năm, Dự án chăn nuôi gà giống và đẻ trứng thương phẩm sản xuất trứng gà sạch Công ty Hòa Phát với công suất thiết kế 170 triệu quả/năm, Dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO tại huyện Tam Nông,...bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất chè, bưởi, vùng chăn nuôi gà, lợn công nghệ cao Tề Lễ- Tam Nông và một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nhà máy sản xuất trứng gà sạch của Công ty ĐTK Phú Thọ
Khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp (HTX) được đổi mới, nâng cao hiệu qua hoạt động; toàn tỉnh hiện có 317 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 với 60.417 thành viên, trong đó có 58 HTX tham gia liên kết sản xuất hàng hóa, 08 HTX đã đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và 20 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, dần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hoá tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ; toàn tỉnh hiện có 471 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, doanh thu bình quân trang trại đạt 1.743 triệu đồng/năm.
Các nghề, nghề truyền thống, làng nghề nông thôn được quan tâm, hỗ trợ phát triển. Số lượng làng nghề ngày càng phong phú và đa dạng với 75 làng nghề được công nhận, đã khai thác được thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh, được thị trường biết đến như: Sản phẩm chè xanh Phú Hộ; chè xanh hòa tan COZY; thịt chua Thanh Sơn; Trứng gà ĐTK, Trứng gà Hòa Phát, Mỳ gạo Hùng Lô,...
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn và an toàn thực phẩm cũng được quan tâm, thực hiện; đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, xây dựng các bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch ngày càng cao đạt 97%; đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm...
Những năm qua sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011-2019 đạt 4,87%/năm, cao gấp 1,7 lần so với mức bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất/1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 108 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 18,3 triệu đồng so với năm 2011, toàn tỉnh có 157/247 xã đạt tiêu chí thu nhập, đạt 63,6% tổng số xã của tỉnh. Kết quả, đó đã góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, hoàn thành kế hoạch đến năm 2020 trước gần 3 năm, cụ thể: Đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 42,9% số xã toàn tỉnh, huyện Lâm Thao đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 (là huyện đầu tiên đạt chuẩn của khu vực miền núi phía Bắc), huyện Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì có 100% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,2 tiêu chí/xã.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục, như: Cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực chuyển biến vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết vẫn còn phổ biến, sản xuất theo chuỗi giá trị chưa thực sự bền vững, vai trò kết nối của kinh tế tập thể chưa thực sự rõ nét, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa cao,...
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM vừa qua, trong giai đoạn tiếp theo tỉnh Phú Thọ phấn đấu: Xây dựng nông thôn Phú Thọ để đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn giàu có, thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghệp bền vững gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, xã hội an toàn, văn minh. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với những xã đã đạt chuẩn NTM mới tiếp tục nâng chất các tiêu chí, xây dựng xã đạt Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,0 tiêu chí/xã trở lên; có 80% số khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn tới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cẩn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp bên vững với các giải pháp cụ thể:
Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch, mã QR code để đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP…) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp;
Đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đang có ở các địa phương; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu bảo quản và chế biến nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản;
Phát huy nội lực của người dân, khai thác tốt nhất các sản phẩm thế mạnh, đặc sản địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình nông thôn mới thời gian tới.
Phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn, trải nghiệm vùng cây ăn quả, các đồi chè đẹp….); hình thành các trung tâm phát triển văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch nông thôn;
Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, các trang trại, gia trại; ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghệp hoạt động hiệu quả. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thuê lại ruộng đất của người dân hoặc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị với phương châm “Doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, hộ gia đình là hạt nhân”
Thực hiện tốt chính sách hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bản tỉnh và chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Trần Tú Anh
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ