Những
năm qua, Đảng bộ xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn luôn chú trọng nâng cao năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ sở, lãnh đạo nhân
dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo
hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao mức sống cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và
huy động có hiệu quả các nguồn lực, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn
mới.
Thực hiện tốt chỉ đạo trong phát triển kinh tế đã góp phần động viên, khuyến khích người dân xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn tích cực tham gia xây dựng NTM.
- Mô hình trồng gần 100 gốc bưởi Diễn kết hợp 2ha diện tích vườ, ao, chuồng của ông Đặng Ngọc Phong cho thu nhập bình quân 200-250 triệu đồng/năm.
Đảng bộ hiện có 215 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ trực thuộc, trong đó 8 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học và 1 chi bộ trạm y tế. Cự Đồng là xã có quốc lộ 70B chạy qua nên việc giao thương khá thuận lợi. Mặt khác, xã được thụ hưởng chương trình ATK của Chính phủ nên nhiều kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế của xã được đầu tư xây dựng; diện tích đất nông nghiệp cơ bản tiện canh tác, có 2 hồ thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu cho các xứ đồng…Tuy nhiên, với đặc thù là xã miền núi, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, trình độ thâm canh tăng vụ chưa đồng đều, nhận thức của một số ít cán bộ, đảng viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập… Đảng bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đảng ủy chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; cải tạo diện tích đất đồi trồng cây lâm nghiệp; đầu tư mở rộng diện tích các mô hình trang trại, gia trại; phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế…
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Đảng ủy tập trung chỉ đạo các đề án phát triển kinh tế nông nghiệp như: Phát triển chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao giai đoạn 2013-2020; phát triển kinh tế đồi rừng; phát triển sản xuất lương thực giai đoạn 2014-2020. Từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã đã tạo điều kiện, phát huy tính tích cực vươn lên của người dân; hàng năm, tổng sản lượng cây lương thực của xã không ngừng tăng, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt gần 2.275 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha; bình quân lương thực đầu người đạt 444kg/người/năm. Hiện nay, đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi thủy sản cơ bản ổn định, xã đã chủ động triển khai thực hiện “Đề án chăn nuôi trâu, bò thịt, bò lai chất lượng cao” của huyện, từng bước thay đổi tập quán chăn thả gia súc của người dân và tiếp cận phương thức chăn nuôi tiên tiến. Nhằm phát triển chăn nuôi, xã phân công cán bộ thú y phụ trách, hướng dẫn, tập huấn cho nhân dân kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn con giống, nguồn thức ăn, cách phòng, điều trị bệnh, giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi; tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, do đó, đã xuất hiện nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, vận động, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân. Xã hiện có 42 cơ sở sản xuất gạch không nung, máy xẻ chế biến gỗ, cơ khí… tạo việc làm cho trên 100 lao động; 46 hộ kinh doanh cá thể. Cùng với đó dịch vụ vận tải ngày càng phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hàng năm đạt 32 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.
Đồng chí Đinh Công Trọng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Do làm tốt công tác lãnh chỉ đạo phát triển kinh tế nên đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Hiện nay thu nhập bình quân của xã đạt trên 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,42%; cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học được trang bị đầy đủ, chất lượng giáo dục được nâng lên, duy trì trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 99,3%; xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, trong đó, chú trọng đến cây chè, bưởi Diễn, Thanh Long theo hướng sản xuất hàng hóa để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Nga