|
Lao động được đào tạo nghề ở làng mộc Vân Du (Đoan Hùng) có việc làm, thu nhập làm ổn định tại địa phương.
Ảnh: Nguyên An |
Từ những mục tiêu đặt ra…
Năm 2010 là năm đầu tiên triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với quy mô lớn. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là việc triển khai như thế nào để chủ trương sớm đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cao. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; sau khi khảo sát, đánh giá thực trạng về lao động, UBND tỉnh đã Quyết định phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020". Mục tiêu của tỉnh chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2010 - 2015: Dạy nghề cho 126.000 LĐNT, cơ cấu 60% dạy nghề nông nghiệp và 40% dạy nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn 2015 - 2020: Dạy nghề cho 120.000 lao động, cơ cấu 40% dạy nghề nông nghiệp và 60% dạy nghề phi nông nghiệp.
Trên cơ sở Đề án, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, 4 năm qua (2011-2014), công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả. Có 24.425 lao động được đào tạo nghề (trong đó 70% nghề nông nghiệp và 30% nghề phi nông nghiệp). Toàn tỉnh tổ chức 57 mô hình đào tạo nghề với 42 nghề thu hút 1.891 lao động tham gia học tập. Nhiều mô hình qua thí điểm đã khẳng định được hiệu quả và có khả năng nhân rộng như trồng keo, bồ đề ở Tân Sơn; trồng nấm ở Thanh Thủy, Yên Lập và chế biến chè ở Thanh Sơn... Việc triển khai đề án đào tạo nghề cho LĐNT giống như việc trao cho người nông dân chiếc cần câu. Từ đây, nông dân có thể tự thoát nghèo trên chính đồng đất của mình và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đã chủ động vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức thành công nhiều lớp dạy nghề cho LĐNT ở các xã vùng sâu, vùng xa của một số địa phương trong tỉnh. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều gương nông dân, những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của các làng quê nghèo như Yến Mao, Tân Phương (Thanh Thủy), Trung Sơn, Xuân An (Yên Lập) hoặc Kim Thượng (Tân Sơn)... Song, cũng có không ít ý kiến tỏ ra lo ngại tính khả thi và hiệu quả có thực sự bền vững bởi mỗi năm đào tạo hàng ngàn LĐNT nhưng điều căn bản là sẽ dạy nông dân những nghề gì, làm thế nào để nông dân phát huy được khi đã ra nghề? So sánh với mục tiêu đề án, số lao động được đào tạo nghề mới đạt gần 20%. Việc đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt đối với các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả chưa tương xứng với số tiền Nhà nước đầu tư hàng năm.
...đến bất cập trong triển khai
Qua tìm hiểu ở một số địa phương sau khi hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT thì hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Lý giải về nguyên nhân và giải pháp khắc phục thực trạng này là chuyện không dễ khi cả cơ sở đào tạo và người học đều chịu ảnh hưởng từ một số yếu tố khách quan. Số lao động được hỗ trợ dạy nghề còn thấp, việc làm cho LĐNT chưa thật sự bền vững. Đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị dạy nghề công lập cấp huyện thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải. Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý theo dõi, thống kê kết quả, hiệu quả dạy nghề cho LĐNT còn hạn chế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã... Bên cạnh đó, chỉ tiêu đào tạo nghề LĐNT được giao về các địa phương rồi từ đây lại giao chỉ tiêu về các trung tâm đào tạo nghề và thời gian giao chỉ tiêu muộn. Nên có lúc các cơ sở đào tạo phải chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu, trong khi chất lượng đào tạo còn bỏ ngỏ. Thực tế này đã khiến không ít lao động, nhất là lao động học nghề phi nông nghiệp dù đã qua đào tạo nghề nhưng không đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà tuyển dụng; khó tìm được việc làm đúng theo ngành nghề được đào tạo. Cơ cấu dạy nghề cho LĐNT ở các ngành nghề, lĩnh vực ở địa phương chưa thực sự phù hợp, trình độ lao động đã qua đào tạo còn hạn chế, năng suất lao động thấp chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng tại các khu công nghiệp và phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Chia sẻ về vấn đề này, đa số thành viên BCĐ cấp huyện đều cho rằng do một số học viên không chịu phát huy nghề đã học, đi học cho có hình thức để nhận hỗ trợ chứ chưa thật sự chú tâm vào nghề, thời gian đào tạo nghề thì quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khiến người học phải tự tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nghề rất khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các Trung tâm đào tạo nghề cho đối tượng LĐNT còn rất thiếu và yếu. Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Yên Lập cho biết: “Trung tâm đã đào tạo được rất nhiều khóa học nghề cho đối tượng là nông dân và 70 - 80% học viên sau khi hoàn thành khóa học đều có việc làm ngay, thu nhập ổn định bằng chính nghề đã học. Phương pháp đào tạo nghề của Trung tâm hiện nay đã đáp ứng được những yêu cầu bức thiết trước mắt cũng như lâu dài của nông dân. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu học. Trang thiết bị máy móc có nhưng nhà xưởng để thực hành chưa được đầu tư. Bởi vậy, mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm dạy nghề”.
Rõ ràng, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, kế hoạch đào tạo chưa gắn kết được với nhu cầu sử dụng lao động, ngành nghề đào tạo được mở rộng nhưng chưa đầu tư có chiều sâu, chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế. Với mục tiêu 5 năm giai đoạn 2 (2015-2020) số lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 120.000 lao động là bài toán không dễ giải.
Và những rào cản phải vượt
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có khu vực miền núi, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Để loại bỏ những trở ngại làm chậm tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã đề ra nhiều nhóm giải pháp quan trọng, trong đó nhóm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực được xác định là tạo đột phá. Đây là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cấp bách vì kỹ năng nghề của bà con quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất... Lâu dài vì việc đào tạo không thể trong ngày một ngày hai mà là một quá trình. Một trong những rào cản cơ bản làm cho vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm tiến kịp khu vực đô thị, miền xuôi là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Nói cách khác là số người được đào tạo nghề còn ít, chất lượng thấp, việc đào tạo nghề chưa phù hợp và tương xứng với thế mạnh, lợi thế từng vùng. Để đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt bà con dân tộc thiểu số đạt kết quả cao, trước hết cần thực hiện xã hội hoá việc tổ chức dạy nghề, tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo, có chế độ khuyến khích để thu hút giáo viên dạy nghề về các trung tâm ở miền núi, xây dựng cơ cấu nghề trên nền quy hoạch vùng sản xuất để sau khi học xong, người học kiếm được việc làm ngay, đa dạng các loại hình đào tạo đồng thời có chế độ khuyến khích người học trong giai đoạn đầu để tạo thói quen muốn tiếp cận cái mới, xoá bỏ tâm lý ỷ lại và dễ thoả mãn.
Điều mà nhiều người dân mong đợi là công tác tư vấn, định hướng nghề cho lao động trong vùng là vô cùng quan trọng. Để từ đó chọn đúng nghề, dạy đúng nghề, đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Hiện tượng cả làng đi học một nghề, một người học 2-3 nghề trong năm là có thật nhưng khi học xong người nông dân có thể sử dụng được những kỹ năng đã học cho việc mưu sinh không. Do đó, các địa phương phải tổ chức khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu loại nghề mà nông dân cần học. Bởi vì hiện nhu cầu học nghề của nông dân khá đa dạng, lại gồm nhiều đối tượng khác nhau, không thể đào tạo theo kiểu chung chung, tổng hợp, không phân biệt độ tuổi, điều kiện từng người, từng vùng. Các địa phương phải linh hoạt phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo hợp lý, gắn đào tạo với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay nhiều địa phương còn thiếu cơ sở dạy nghề, thiếu trang thiết bị, thiếu chương trình, đội ngũ giáo viên và chính sách cho người học chưa hoàn thiện. Nhưng những cái thiếu trên không đáng lo bằng thiếu đầu ra cho người học. Đây cũng là một rào cản rất lớn trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Vấn đề đặt ra đó là phải có nơi nhận đặt hàng, có nhu cầu tuyển dụng. Nếu không có nhu cầu thì việc dạy nghề cho nông dân không hiệu quả. Để giải quyết tốt điều này, đòi hỏi địa phương, các cơ sở đào tạo phải hạn chế đào tạo đại trà, chủ động chuyển sang đào tạo gắn với doanh nghiệp, tìm cách "bắt tay" các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo và cam kết sử dụng lao động.
Tại hội nghị Sơ kết 5 năm triển khai thực hiện QĐ 1956 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ triển khai thực hiện Đề án của tỉnh khẳng định: Đề án đào tạo nghề cho LĐNT được xem như cơ hội “vàng” giúp hàng ngàn lao động được học nghề và có việc làm mới. Nhưng làm thế nào để vừa hoàn thành mục tiêu, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định thì không đơn giản. Mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông - người học, nhà trường - người đào tạo, nhà sử dụng lao động - doanh nghiệp) là đáp số có thể hóa giải thách thức trên.
Mối liên kết “3 nhà” đóng vai trò chủ lực, tuy nhiên cũng cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Có như thế, chúng ta mới đạt được mục tiêu đề ra và chương trình đào tạo nghề cho LĐNT mới thực sự lan tỏa. Khi đó những rào cản được hóa giải thì những câu hỏi: Dạy nông dân nghề gì, làm thế nào để nông dân phát huy được khi đã ra nghề sẽ có những câu trả lời chính xác.
Nguồn: Báo Phú Thọ Online