Chú trọng đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn

Qua các lớp đào tạo nghề, chị em phụ nữ nông thôn đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn

 

Theo số liệu thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, từ năm 2010 đến năm 2013, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp đào tạo cho trên 10.000 phụ nữ là lao động nông thôn các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp thông qua các lớp như: Trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, đan lát thủ công, nuôi và trị bệnh cho bò, lợn... Qua các lớp đào tạo nghề, phụ nữ nông thôn đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất, hướng đến giảm nghèo bền vững.

 

Trong 3 năm, từ năm 2010 đến năm 2013, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) đã tuyển và mở được 117 lớp dạy nghề sơ cấp tại 13 huyện, thành, thị cho 3.578 người, trong đó lao động nữ được đào tạo là 3.165 người, số học viên thuộc hộ nghèo 677 người. Số học viên sau khi đào tạo làm đúng nghề được đào tạo là 2.769 người, số áp dụng nghề vào thực tiễn có hiệu quả 2.243 người và số hội viên thuộc hộ nghèo sau học nghề đã vươn lên thoát nghèo là 301 người. Trong 10 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã tuyển sinh đào tạo sơ cấp nghề cho 648 học viên. Nội dung các nghề đào tạo được phân bổ phù hợp với người lao động nông thôn nhất là lao động nữ nên thuận lợi cho các học viên thực hành, áp dụng nghề được học vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ cũng tăng cường phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trường, các trung tâm dạy nghề, các huyện, thành, thị tổ chức các lớp dạy nghề tại cơ sở phù hợp với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, hướng đến việc đào tạo những công việc mà chị em có thể làm tại nhà hoặc tại địa phương.

 

Nắm được kiến thức về khoa học kỹ thuật đã được học, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình tại gia đình cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Điển hình là mô hình trồng chè của chị Trương Thị Yến, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn với diện tích 1,5 ha, mỗi năm trừ chi phí cũng gia đình chị cũng cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương; mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt của chị Phạm Thị Hà xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng…

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ thì công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Nhiều chị em phụ nữ nhận thức về công tác đào tạo nghề chưa đầy đủ, dẫn đến việc còn thờ ơ với việc học nghề tại địa phương; một số đơn vị phối hợp chưa chặt chẽ, chưa quan tâm thường xuyên đến công tác đào tạo nghề cho phụ nữ; một số chị em sau khi học nghề còn lúng túng trong việc áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn…

 

Để công tác dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới các cấp hội phụ nữ cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của lao động nữ ở nông thôn đối với công tác đào tạo nghề; đa dạng hóa các hình thức dạy nghề để phù hợp với tình hình địa phương… Đồng thời chủ động phối hợp với các cấp, ngành, các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho lao động nữ để họ có cơ hội thể hiện tính năng động, sáng tạo trong sản xuất, từ đó góp phần ổn định kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt là phụ nữ vùng cao.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website