Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường nghề

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường nghề, trung tâm, sàn giao dịch việc làm theo hướng không thể tiếp tục bao cấp tràn lan, không hiệu quả.

Đây là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu trong Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015 của Bộ LĐTB&XH, ngày 22/1.

Quan trọng nhất là đưa chính sách vào thực tiễn

Trong năm 2014, ngành LĐTB&XH giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,6% so với năm 2013; xuất khẩu lao động khoảng 106.000 người, đạt 120,68% kế hoạch.

Cơ chế, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được hoàn thiện; mạng lưới dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%; thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi người có công; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; triển khai các hoạt động cai nghiện ma túy bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đề ra…

Những hạn chế, tồn tại của ngành LĐTB&XH là kết nối cung-cầu trên thị trường lao động vẫn diễn ra tình trạng mất cân đối cục bộ ở từng địa phương; nhiều DN vi phạm quy định của pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tuyển sinh dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp không đạt yêu cầu; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; mức độ và tính chất của các vụ bạo lực trẻ em gia tăng; tệ nạn ma túy chưa được ngăn chặn hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao…

Với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trải rộng trên nhiều lĩnh vực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của ngành LĐTB&XH cũng như các bộ, ngành, đoàn thể đã hình thành lên hệ thống văn bản, chính sách khá hoàn thiện đối với những vấn đề cần sự phối hợp liên ngành như: Nâng cao năng suất lao động; giảm nghèo bền vững; an sinh xã hội; đào tạo nghề nông thôn, tạo việc làm…

Nhiệm vụ cốt lõi nhất của ngành LĐTB&XH thời gian tới không chỉ là làm tốt vai trò tập hợp, tổng hợp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề ra chính sách mà còn phải có cơ chế phối hợp với các ngành nhằm huy động sức mạnh của các tổ chức, đoàn thể xã hội, DN làm công tác xã hội.

“Có những vấn đề bức xúc như ma túy, mại dâm, đào tạo nghề nông thôn… cần giải quyết cụ thể nhưng quan trọng nhất, qua nhiều năm, chúng ta đã dần hình thành hệ thống văn bản, chính sách về an sinh xã hội, đào tạo nghề, người có công... tương đối đầy đủ cần được đưa nhanh vào thực tiễn, vừa triển khai vừa tiếp tục hoàn thiện”, Phó Thủ tướng nói.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trường nghề công lập phải tự chủ

Đề cập đến trách nhiệm trực tiếp đối với công tác đào tạo nghề, quản lý hệ thống trung tâm, sàn giới thiệu việc làm, Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐTB&XH phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 và một số năm tiếp theo.

Bộ LĐTB&XH phải đánh giá lại hiệu quả, chất lượng đào tạo giữa các trường nghề công lập và tư thục, từ đó xây dựng lộ trình, phương hướng sắp xếp căn bản hệ thống đào tạo nghề tiết kiệm, thiết thực nhất.

Đề cập đến số liệu thống kê về những nhóm nghề dễ và khó xin việc của một sàn giao dịch việc làm điện tử, Phó Thủ tướng cho rằng cần có cái nhìn thực sự bản chất về hiệu quả đầu tư, cơ cấu đào tạo của các trường nghề hiện nay

“Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật nhiều trường nghề tư thục phải đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang bị, đội ngũ giáo viên nhưng hoạt động rất tốt trong khi không ít trường nghề công lập được tạo điều kiện, được ngân sách đầu tư về nhiều mặt nhưng ít học sinh, hiệu quả hoạt động không cao”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ LĐTB&XH phải đẩy mạnh giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường nghề công lập; mạnh dạn triển khai đề án xây dựng trường nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, công nhận bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân thực hành.

Theo Phó Thủ tướng, để nâng chất lượng đào tạo ĐH, CĐ hệ nghiên cứu, hàn lâm, phải đầu tư lâu dài vào những nhà khoa học đầu ngành, hệ thống phòng thí nghiệm… nhưng hệ thống trường nghề, thực hành có thể tập trung đổi mới rất nhanh khi gắn với DN, có thể thấy ngay hiệu quả.

“Việt Nam dẫn đầu trong Hội thi tay nghề ASEAN 2014 nhưng chất lượng lao động của ta vẫn còn khoảng cách với các nước ASEAN. Điều này buộc chúng ta phải phấn đấu đưa chất lượng nguồn nhân lực nước ta tiến tới thứ bậc giống như trong thi tay nghề ASEAN. Đây là nhiệm vụ dài hơi, nhưng phải nỗ lực thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ LĐTB&XH cũng cần rà soát, sắp xếp lại hoạt động cả hệ thống trung tâm, sàn giao dịch việc làm công lập trên tinh thần không thể tiếp tục bao cấp tràn lan, không hiệu quả. Đồng thời, xem xét giao cho địa phương kết hợp với Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân đào tạo nghề nông thôn cho sát nhu cầu, sử dụng nguồn kinh phí dành cho công tác này thiết thực, hiệu quả nhất.

Đổi mới công tác cai nghiện

Đề cập đến nhiều vấn đề an sinh xã hội cần tiếp tục thực hiện trong năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới tư duy, cách làm đối với công tác cai nghiện ma túy.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH cùng các địa phương đánh giá lại hiệu quả cai nghiện, điều trị người nghiện ma túy tại các trung tâm trước thực tế tỷ lệ tái nghiện rất cao; nhiều nơi lúng túng khi chuyển sang mô hình trung tâm cai nghiện tự nguyện; chưa coi trọng yếu tố điều trị, sử dụng các loại thuốc như Methadone cho người nghiện theo nghĩa là người mắc bệnh mãn tính.

“Chuyển sang mô hình trung tâm cai nghiện tự nguyện, vừa giảm chi phí, căng thẳng của xã hội, vừa theo đúng tinh thần mà Hiến pháp, pháp luật về quyền con người, đảm bảo quyền lợi của đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các trung tâm. Không chỉ những ai đóng tiền mới được vào trung tâm mà ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ những trường hợp không có điều kiện. từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng điều trị của các trung tâm cai nghiện”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH cùng với các bộ, ngành liên quan, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội thực hiện công tác người có công gắn liền với các chương trình giảm nghèo và bảo trợ xã hội khác. Một mặt tôn vinh, ghi nhận những người có công với cách mạng, đồng thời hỗ trợ cho tất cả các nạn nhân chiến tranh, tai nạn xã hội để xã hội ngày càng gắn kết chặt chẽ, có sự chia sẻ, đồng cảm trong cộng đồng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website