Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song từ khi chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX 2012, nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc đổi thay nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng do HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại đầu tư, xây dựng đã giúp đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các xứ đồng trong xã.
- Phun thuốc phòng trừ bệnh vàng lá sinh lý ở một số diện tích lúa mùa.
Sau khi chuyển đổi hoạt động vào đầu năm 2014, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại đã sớm khẳng định được vai trò, vị trí của mô hình HTX kiểu mới, tạo dựng được niềm tin cho các thành viên, đồng thời đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Cũng như nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, trước đây hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại chỉ đơn thuần ở vài ba lĩnh vực ngành nghề, hiệu quả không cao. Sau khi chuyển đổi theo Luật, HTX đã tổ chức lại sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo hướng đa ngành, đa chức năng: Dịch vụ thủy lợi, bảo vệ sản xuất; điện nông thôn; dịch vụ cơ giới hóa làm đất và thu hoạch sản phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp; sản xuất giống cây trồng; tiêu thụ sản phảm giống cây trồng và hàng hóa; tín dụng nội bộ; bảo vệ thực vật và chuyển giao khoa học kỹ thuật; dịch vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nội đồng...
Nhờ làm tốt công tác quản lý, năng động trong việc tìm kiếm đầu ra của sản phẩm, áp dụng KHKT vào sản xuất... do vậy hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả. Hiện tổng doanh thu của HTX đạt 15,260 tỷ đồng/năm, tăng gần 2 lần so với thời điểm 1-7-2013 (thời điểm Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành); lợi nhuận trước thuế đạt 517 triệu đồng/năm, tăng 2,4 lần; nộp ngân sách Nhà nước 816 triệu đồng/năm, tăng 3,7 lần; thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 48 triệu đồng/năm, tăng 2,5 lần; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên tăng 3,7 lần...Theo bà Khuất Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại: Việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã và đang mang lại nhiều lợi ích đối với hoạt động của chúng tôi, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu của HTX.
Cũng như HTX dịch vụ nông nghiệp điện năng Vĩnh Lại, không ít các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi tổ chức lại hoạt động đã thực hiện tốt vai trò định hướng sản xuất cho các thành viên tham gia HTX thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, phân bón và tiêu thụ sản phẩm...; sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả khá, tiêu biểu như các HTX: Nông nghiệp điện năng Thạch Vỹ, nông nghiệp và điện năng Thạch Sơn, nông nghiệp Hợp Hải, huyện Lâm Thao; HTX nông nghiệp Thượng Nông, huyện Tam Nông; HTX nông nghiệp Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa; HTX dịch vụ nông nghiệp - Điện năng xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê...
Một số HTX mới thành lập hoạt động chuyên ngành có tiềm năng phát triển như: HTX dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Trung Kiên, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy; HTX dịch vụ chăn nuôi tổng hợp Phương Nam, xã Tam Sơn, Cẩm Khê; HTX chăn nuôi Đỗ Sơn, xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba... Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến năm 2016 toàn tỉnh có 265 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động, trong đó có 259 HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 chiếm gần 98%. Số lượng thành viên tham gia HTX nông nghiệp đạt 60.272 người. Tổng số lao động thường xuyên 2.800 người. Tổng vốn đăng ký hoạt động là 104,401 tỷ đồng, tăng 12,371 tỷ đồng so với năm 2013. Tổng doanh thu của các HTX tính đến hết năm 2016 đạt trên 227,714 tỷ đồng, tăng 52,484 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân một HTX đạt 15,2 triệu đồng. Số HTX hoạt động hiệu quả (có lãi) theo Luật HTX 2012 là 173 HTX, chiếm 65,3% tổng số HTX. Các HTX còn lại chủ yếu hoạt động dịch vụ thủy lợi dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù thủy lợi phí nên không có lợi nhuận.
Nhìn chung, sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX được ban hành, đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của các HTX nông nghiệp. Hầu hết các HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới đều có bước chuyển biến tích cực, hoạt động khá ổn định. Bộ máy quản lý gọn nhẹ; nội dung hoạt động được đổi mới; tính dân chủ được phát huy, thành viên được thảo luận và quyết định phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; tài chính được công khai; tài sản, vốn được bảo toàn và tăng cường qua các năm.
Các HTX đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo nhiều khâu dịch vụ đầu vào mà từng người dân không làm được hoặc làm nhưng không hiệu quả như: Dịch vụ giống, phân bón, thủy lợi, làm đất, bảo vệ sản xuất, bảo vệ thực vật, thu hoạch, dịch vụ môi trường nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, một số HTX đã có hoạt động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên (sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, ngô giống, rau, quả, sản xuất chế biến chè...). Một số HTX thành lập mới và hoạt động theo Luật HTX 2012 đều hoạt động hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay cũng còn một số hạn chế đó là: Đa số các HTX mới chỉ tập trung hoạt động đối với các khâu dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nên doanh thu và lợi nhuận thấp. Việc kinh doanh vật tư mới ở phạm vi nhỏ khó cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Tài sản, vốn của các HTX thấp, tính hiệu quả sử dụng vốn thời gian qua của các HTX không cao, một số HTX thiếu minh bạch trong quản lý tài chính, gây khó khăn cho các HTX tiếp cận vốn tín dụng và thiếu niềm tin của thành viên trong việc huy động vốn. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức, các doanh nghiệp còn hạn chế. Số HTX thực hiện liên kết được với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm còn ít, hiện mới chỉ có khoảng 5% số HTX thực hiện việc liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh...
Để các HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động thực sự hiệu quả và đúng bản chất Luật HTX 2012, trong thời gian tới cần tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời phải gắn việc chỉ đạo phát triển HTX nông nghiệp với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thay đổi các hình thức quản lý HTX từ quản lý hành chính sang các quan hệ hợp tác, đối tác. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển sản xuất. Cùng với việc chú trọng phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới, trong quá trình tổ chức lại hoạt động của HTX cần rà soát, đánh giá, xác định rõ nguồn gốc tài sản hình thành, xem xét lại xã viên thực sự có nhu cầu hợp tác sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, góp vốn vào HTX, giảm bớt số thành viên sản xuất tự cấp, tự túc, nhu cầu hợp tác không cao. Tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện chính sách về đất đai, đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất, cấp GCN QSDĐ để HTX nông nghiệp xây dựng trụ sở, nhà xưởng, kho bãi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm...; giao đất công ích để HTX nông nghiệp đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX được vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua HTX nông nghiệp.
Nguồn: baophutho.vn