I. Kinh tế hợp tác của Việt Nam sau 60 năm phát triển: thành tựu to
lớn và yếu kém kéo dài – cần đột phá về tư duy về mô hình và vai trò cơ
chế hợp tác
Hội nghị BCH Trung ương 8 khóa II (tháng 08/1955) xác
định chủ trương xây dựng thí điểm một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp,
sau 3 năm đã thành lập được 45 HTX và 100 nghìn tổ đổi công. Kể từ khi
những HTX nông nghiệp thí điểm đầu tiên được thành lập tính đến nay đã
tròn 60 năm.
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Hoàng Long |
|
Trong
giai đoạn từ năm 1955 đến 1975 và đến trước đổi mới 1986, HTX được xác
định là 1 trong 2 hình thức kinh tế chính thức ở Việt Nam (bên cạnh
doanh nghiệp nhà nước). HTX trở thành phổ biến, thay thế dần kinh tế cá
thể và đội sản xuất. Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc, khi
hầu hết lực lượng thanh niên ra mặt trận, HTX nông nghiệp đã có vai trò
vô cùng quan trọng duy trì và phát triển sản xuất, đảm bảo hậu phương ổn
định và cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân miền Bắc và tiền
tuyến lớn miền Nam. Đến năm 1986, cả nước có 73.470 HTX, trong đó có
17.022 HTX nông nghiệp, 32.034 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và
24.414 HTX khác. TS. Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản
lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng “sự phát triển nhanh
chóng về mặt số lượng của HTX trong giai đoạn 1955-1986 được giải thích
bởi sự đề cao tuyệt đối của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, trong khi
đó vai trò của kinh tế hộ, kinh tế tư nhân lại bị phủ định”. Lưu Đức
Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản
lý kinh tế Trung ương cũng nhận định “sở hữu tập thể và sản xuất tập thể
được đề cao gần như tuyệt đối, trong khi đó vai trò kinh tế hộ, kinh tế
cá thể ít được quan tâm”. Sự đề cao vai trò của kinh tế hợp tác có thể
xuất phát từ nguyên nhân chính về nhận thức là kinh tế hộ, kinh tế cá
thể gắn với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, là phương thức sản xuất
lạc hậu về lịch sử vì là nguyên nhân dẫn tới bóc lột. Vì vậy, kinh tế
hợp tác cần thay thế kinh tế hộ, kinh tế cá thể, xóa bỏ tư hữu về tư
liệu sản xuất để xóa bỏ bóc lột. Xã viên ở một HTX nông nghiệp như vậy
là người làm công trong HTX, được HTX điều động làm các công việc khác
nhau, song không chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm cây, con nào cụ
thể của HTX nông nghiệp, thực chất không làm chức năng đầy đủ của một
người nông dân.
Năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V ra
chỉ thị số 100/CT-TW ngày 13/01/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm lao động
và người lao động trong HTX nông nghiệp. Đây là khâu đột phá đầu tiên
để chặn đà sa sút sản xuất nông nghiệp. Kết quả đến năm 1986 đã đạt sản
lượng lương thực 18,4 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với 14,4 triệu tấn
năm 1980. Tiếp đó, Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 05/04/1988 về đổi mới quản
lý kinh tế nông nghiệp được ban hành (gọi tắt là Khoán 10) đã xác định
HTX nông nghiệp là đơn vị chủ quản, hộ gia đình xã viên là đơn vị kinh
tế tự chủ nhận khoán với HTX. Cơ chế khoán đã đem lại sự chuyển biến rõ
rệt trong sản xuất nông nghiệp. Sản lượng năm 1988 là 19,5 triệu tấn đến
năm 1989 đã đạt 21,5 triệu tấn và năm 1989 nước ta lần đầu tiên xuất
khẩu được 1,2 triệu tấn gạo, mở ra một giai đoạn mới đưa Việt Nam trở
thành một cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Mặc dù đã
có Chỉ thị 100/CT-TW năm 1981 về khoán sản phẩm đến nhóm lao động và
người lao động trong HTX nông nghiệp, Nghị quyết 10/NQ-TW năm 1988 về
Khoán 10; 2 Luật HTX (năm 1996 và 2003) và 2 Nghị định của Chính phủ
(năm 1997 và 2005), nhưng số lượng HTX không những không tăng mà ngày
càng giảm đi đáng kể. Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát
triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, trong giai đoạn
1986-1996, số lượng HTX bị giảm đi 3/4 (năm 1986 cả nước có 73.470 HTX,
đến năm 1996 chỉ còn 18.607 HTX). Đến năm 2003, tức là sau 17 năm kể từ
khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986, cả nước chỉ còn
14.000 HTX, bằng 75% số lượng HTX năm 1996 và bằng 19% số lượng HTX năm
1986, tức là 81% HTX đã bị giải thể hoặc sáp nhập. Trong 10 năm gần đây,
kinh tế HTX có bước phục hồi mạnh về số lượng. Đến năm 2013, cả nước có
19.800 HTX (trong đó có 10.339 HTX nông nghiệp), tăng 41% so với năm
2003. Tuy nhiên, so với khi bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới (năm 1986)
thì số lượng HTX năm 2013 cũng chỉ bằng khoảng 27%. Đóng góp của khu vực
kinh tế hợp tác vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước (GDP) có xu
hướng giảm dần. Trong giai đoạn 1995-2003, khu vực này đóng góp khoảng
8,5% GDP. Đến giai đoạn 2005-2010, khu vực này chỉ còn đóng góp bình
quân khoảng 5,76% GDP. Đến năm 2013, cả nước có 19.800 HTX và gần 380
nghìn tổ hợp tác với 13,5 triệu xã viên, tổ viên. Lực lượng lao động này
chiếm 25,4% tổng số lao động cả nước (53,25 triệu người) nhưng chỉ đóng
góp khoảng 5% GDP cả nước. Theo Liên minh HTX Việt Nam, lợi nhuận bình
quân của một HTX năm 2014 là 246 triệu đồng/năm, tức là một ngày chỉ có
670 nghìn đồng. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát và Th.S. Nguyễn Văn Quý (Ban
Kinh tế Trung ương) chỉ có khoảng 10% số HTX nông nghiệp làm ăn đạt
hiệu quả tốt, khoảng 60-70% số HTX hoạt động cầm chừng, không hiệu quả,
còn lại khoảng 20-30% HTX đã phải ngừng hoạt động. Chỉ 9% HTX thực hiện
tiêu thụ sản phẩm của xã viên. Như vậy, với số lượng khoảng 1 nghìn HTX
hoạt động có hiệu quả trong tổng số hơn 10.339 HTX nông nghiệp ở 9.000
xã của cả nước, với số hộ xã viên chiếm khoảng 4 - 5% hộ nông dân cả
nước thì mô hình HTX hiện nay không thể đóng vai trò dẫn dắt nông nghiệp
Việt Nam đi lên trong thời kỳ cạnh tranh toàn cầu.
Sau 60 năm
phát triển mô hình kinh tế hợp tác, tuy những năm gần đây có gia tăng về
số lượng, song về tổng thể không thể tiếp tục quản lý nhà nước, quản lý
từng HTX như thời gian qua mà cần phải có tư duy mới về kinh tế hợp tác
và có bước đột phá về hiệu quả kinh tế, nâng cao đáng kể thu nhập của
xã viên so với người không vào HTX, nâng cao tỷ lệ đóng góp của khu vực
kinh tế hợp tác trong tổng thể nền kinh tế quốc dân. Dự thảo Báo cáo
tổng kết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề lý
luận và thực tiễn 30 năm đổi mới đã nêu rõ “Kinh tế tập thể hiện nay rất
yếu (chỉ chiếm 5-6% GDP), vậy đến bao giờ nó mới cùng kinh tế nhà nước
đóng vai trò nền tảng? Cần có tư duy mới về kinh tế tập thể, cần nghiên
cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển HTX”.
II. Nhận thức rõ hơn bản chất và vai trò của kinh tế tập thể và HTX qua thực tiễn quốc tế
Phong
trào hợp tác xã được khởi xướng tại Châu Âu từ cuối thế kỷ 18 gắn với
cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Tại
Anh, nơi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp sớm nhất, các cơ sở dệt tư
nhân nhỏ lẻ đứng trước thực tế không thể cạnh tranh được với các nhà máy
dệt công nghiệp tư bản qui mô lớn mới được hình thành, có nguy cơ bị
phá sản. Để nâng cao sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp tư bản, theo
tinh thần tự cứu lấy mình, ngày 24/10/1844, 28 người thợ dệt ở Rochdale
đã thành lập Liên minh những người tiên phong công bằng Rochdale. Đây
được xem là mô hình hợp tác xã mua bán đầu tiên trên thế giới thông qua
việc mua với số lượng lớn để mua rẻ hơn. Còn tại Đức, năm 1847, Hermann
Schulze - Delitzsch (1808-1883) đã thúc đẩy sự hình thành các hợp tác xã
cung cấp nguyên vật liệu đầu vào với giá rẻ cho các thợ mộc và thợ đóng
giày đang có nguy cơ phá sản, nhờ đó mà nâng cao được khả năng cạnh
tranh với các doanh nghiệp đồ gỗ và da giày, thoát khỏi nguy cơ bị phá
sản. Đến năm 1850, ông khởi xướng việc thành lập các hợp tác xã tín dụng
đầu tiên, được gọi là “Hiệp hội tiên tiến”. Ông cũng đã soạn thảo một
đạo luật hợp tác xã mà năm 1867 đã trở thành Luật HTX của Liên bang Bắc
Đức (cách đây gần 150 năm) và năm 1889 trở thành bộ luật HTX của toàn
nước Đức. Đến đầu thế kỷ 21, phong trào hợp tác xã phát triển đến 180
nước và vùng lãnh thổ với nhiều loại hình HTX trong các lĩnh vực khác
nhau như HTX nông nghiệp, HTX dịch vụ, HTX mua bán, HTX tín dụng, HTX
nhà ở, HTX bác sỹ, HTX trường học, HTX năng lượng, HTX chăm sóc người
già,...
Từ thực tiễn 150 năm hình thành và phát triển HTX ở các
nước trên thế giới, có thể đúc kết 9 nguyên tắc thành lập và hoạt động
cơ bản của các HTX như sau: (1) Tự giúp đỡ lẫn nhau; (2) Tự chịu trách
nhiệm; (3) Tự quản lý; (4) Mỗi xã viên có quyền biểu quyết như nhau; (5)
Bản chất kép (xã viên vừa là chủ sở hữu HTX vừa là khách hàng mua (sử
dụng) dịch vụ của HTX); (6) Thị trường kép (thị trường bên ngoài là thị
trường tiêu thụ hàng hóa của chính các xã viên HTX, còn thị trường bên
trong là thị trường dịch vụ do HTX cung cấp cho xã viên. Tức là sản phẩm
của HTX chính là các dịch vụ mà HTX cung ứng cho xã viên chứ không phải
là các sản phẩm do bản thân các xã viên tạo ra và sẽ bán ra thị trường
xã hội. Vì các xã viên vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh nên họ không
đem tư liệu sản xuất, đất đai, nhà xưởng, vốn liếng của mình góp vào HTX
để hình thành tài sản chung. Họ chỉ góp vốn để HTX có thể hoạt động và
cung cấp dịch vụ lo đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho họ. Các HTX luôn có
vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm của các xã viên); (7) Sở
hữu kép và hoạch toán kép (các xã viên sở hữu tài sản của mình để sản
xuất, kinh doanh, đồng thời sở hữu một phần trong tài sản, lợi nhuận của
HTX. Với tư cách là một doanh nghiệp, HTX cung ứng các dịch vụ cho xã
viên có thu tiền để trang trải chi phí, duy trì hoạt động, không để lỗ.
Do đó phải hạch toán hoạt động của HTX. Còn mỗi xã viên do có tài sản
riêng và xản xuất, kinh doanh riêng nên phải hạch toán hoạt động sản
xuất, kinh doanh của mình, tự chịu trách nhiệm về lời, lỗ của mình. Do
đó, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX không phải chủ yếu là đánh
giá xem HTX đó thu được lợi nhuận là bao nhiêu mà phải đánh giá thu nhập
từng hộ xã viên có được nhờ sử dụng các dịch vụ do HTX cung ứng là bao
nhiêu, so với thu nhập của các hộ không tham gia HTX thì thế nào; (8)
Giám sát kép (định kỳ Liên minh HTX cấp trên tiến hành kiểm tra, giám
sát hoạt động của các HTX và bản thân từng HTX cũng tự kiểm tra, giám
sát hoạt động của mình thông qua hoạt động của Ban Kiểm soát). Chính nhờ
phương thức giám sát kép này mà tỷ lệ phá sản của các HTX tại Đức là
0,06% năm 2012, thấp nhất trong tất cả các loại hình doanh nghiệp. Sau
150 năm phát triển, các HTX đang hoạt động ở 180 nước và vùng lãnh thổ,
với hơn 800 triệu xã viên, tạo việc làm cho 3 tỷ người (dân số thế giới
là 7 tỷ người). Riêng ở châu Âu có gần 290.000 HTX với 140 triệu xã
viên, trong đó có 30.000 HTX nông nghiệp; (9) Có trách nhiệm với xã hội.
Tóm
lại, HTX là loại hình hoạt động kinh tế “sinh sau, đẻ muộn” so với loại
hình kinh tế cá thể, kinh tế hộ và loại hình doanh nghiệp tư bản và
đang tiếp tục phát triển. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bản chất
của HTX không phải là sự phủ định, sự thay thế kinh tế hộ, mà làm cho
việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập
của xã viên cao hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn,
thông qua việc HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất
lượng cao cho các hộ xã viên, qua việc phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh
doanh của các hộ và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các hộ.
III. Nhận thức rõ hơn bản chất và vai trò tất yếu của kinh tế hợp tác qua các điển hình HTX thành công của Việt Nam
Quá
trình 60 năm hình thành và phát triển của kinh tế hợp tác tại nước ta
đã hình thành nhiều điển hình ở các giai đoạn phát triển kinh tế khác
nhau. Trong giai đoạn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và
cạnh tranh toàn cầu hiện nay, có thể nêu 1 ví dụ trong nông nghiệp. Hợp
tác xã chăn nuôi Quý Hiền thành lập năm 2010, gồm 24 hộ chăn nuôi gia
cầm, lợn ở 10 xã trong huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Vốn điều lệ khi thành
lập là 4,76 tỷ đồng, mỗi xã viên góp 15 triệu đồng bằng tiền mặt, còn
lại phải góp các tài sản khác như đất, ô tô vận tải trị giá tối thiểu
135 triệu đồng không phải để HTX sử dụng, mà vẫn do xã viên tự sử dụng,
song khi cần thì HTX có thể đem thế chấp để vay vốn cho chính xã viên đó
hoặc cho HTX. Tất cả các hộ xã viên đều trực tiếp sản xuất, HTX làm
những việc mà các hộ xã viên không tự làm được, hoặc làm được nhưng
không hiệu quả. Sản phẩm của HTX là các dịch vụ: cung cấp vật tư cho xã
viên (mỗi năm trên 3.000 tấn thức ăn, 50.000 gà giống, hơn 2.000 lợn
giống) và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên (trên 1.000 tấn gà lông, 200 tấn
lợn hơi, trên 6 triệu quả trứng với doanh số hàng năm khoảng 60 tỷ
đồng). HTX hoạt động theo phương thức lấy đơn vị hộ làm đơn vị hạch toán
kinh doanh, các hộ tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình,
các hộ chỉ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh với
hộ mình như: trả tiền cho vật tư mà HTX cung cấp, trả lãi và vốn vay mà
HTX vay cho mình. Những việc các hộ nông dân làm không hiệu quả bằng
HTX là: mua vật tư cho sản xuất, kinh doanh trên thị trường, vay vốn cho
sản xuất, kinh doanh, tổ chức dạy nghề cho nông dân, tiêu thụ sản phẩm
cho nông dân. Nếu nông dân tự mua thức ăn cho gà, lợn ở các cơ sở bán
thức ăn chăn nuôi lẻ thì vừa không có điều kiện kiểm tra chất lượng thức
ăn, vừa mua đắt vì mua số lượng ít. Nhưng HTX mua thức ăn gia súc, gia
cầm với số lượng lớn, thì mua trực tiếp tại các công ty có uy tín như ở
Công ty Japfa cho gà trắng, Công ty RTD cho gà màu và ở Công ty DEHEUS
cho lợn. Một bao thức ăn cho lợn nếu mua ở đại lý bán lẻ thì phải trả
460.000 đồng, nhưng HTX mua trực tiếp tại công ty và bán lại cho xã viên
chỉ 422.000 đồng, tức giảm được hơn 8% chi phí thức ăn, làm cho thu
nhập của người nông dân tăng tương ứng. Nếu nông dân tự mua con giống
gà, lợn ở các cơ sở giống tư nhân, họ không có khả năng kiểm tra chất
lượng giống. Còn HTX mua con giống với số lượng lớn nên mua tại các công
ty có uy tín, đảm bảo chất lượng mà giá lại thấp hơn. Tương tự như vậy,
HTX mua thuốc thú y sẽ đảm bảo chất lượng và giá thấp hơn là các hộ
nông dân tự mua. Để theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật về thức ăn, thuốc
thú y và con giống, từng hộ cá thể không thể có điều kiện tiếp cận các
khóa huấn luyện, vì khuyến nông của nhà nước không đủ lực lượng và kinh
phí để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho từng hộ nông dân. Đối
với HTX, do mua thức ăn, thuốc thú y với số lượng lớn, HTX đã đặt điều
kiện các công ty cung cấp thức ăn và thuốc thú y mỗi năm phải tập huấn
ít nhất 2 lần về các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các xã viên. Vì vậy,
các xã viên được cập nhật kịp thời kiến thức, kỹ năng mà HTX lại không
phải tốn tiền cho tập huấn. Việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân
thông qua HTX hiệu quả hơn nhiều so với các hộ nông dân tự làm. Các hộ
nuôi cá thể không thể ký hợp đồng bán sản phẩm cho các công ty mua gia
cầm, gia súc hoặc các khách sạn, vì sau khi bán gia cầm hoặc gia súc
phải 3-6 tháng sau mới lại bán được lứa tiếp theo, trong khi các công
ty, khách sạn cần mua hàng ngày. Ngoài ra, các hộ không thể chứng minh
được sự đồng đều về chất lượng sản phẩm (liên quan đến giống, thức ăn,
thuốc thú y) và kiểm soát an toàn thực phẩm nên các công ty, khách sạn
không sẵn sàng mua. Còn HTX với hàng chục hộ xã viên có thể ký hợp đồng
cung cấp gia cầm, gia súc hàng ngày và cam kết đảm bảo chất lượng sản
phẩm và an toàn thực phẩm. Cũng vì lý do trên mà khi các hộ nông dân
riêng lẻ đi vay vốn, rủi ro đối với các tổ chức tín dụng cao nên họ sẽ
chỉ cho vay ít và lãi suất cao. Còn HTX, với việc đảm bảo chất lượng sản
phẩm, khả năng tiêu thụ ổn định và tài sản thế chấp của các HTX lớn
hơn, sẽ dễ tìm được nguồn vốn lớn hơn với lãi suất thấp hơn cho các hộ
xã viên.
Những việc các hộ xã viên không làm được là: qui hoạch
đàn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường và xây dựng các quỹ, nhất là quỹ
dự phòng rủi ro. Các hộ cá thể không có khả năng dự báo nhu cầu thị
trường và do không có khả năng bán bằng các hợp đồng với các công ty
hoặc khách sạn nên không có căn cứ để qui hoạch đàn nuôi của mình. Nếu
nuôi nhiều, vượt quá nhu cầu thị trường, giá rớt sẽ lỗ. Còn HTX, thông
qua nghiên cứu thị trường và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công
ty, khách sạn nên sẽ qui hoạch đàn nuôi của các hộ sao cho phù hợp với
các hợp đồng đã ký. Thông qua đóng góp của các xã viên, HTX thành lập
quỹ dự phòng rủi ro. Khi các hộ xã viên gặp rủi ro mà không phải do lỗi
của họ, được cán bộ kỹ thuật của HTX và Ban kiểm soát xác nhận, thì được
cho vay 80% mức thiệt hại với lãi suất bằng 0% để nuôi lại đàn mới,
thời hạn trả là 3 lứa nuôi (12 tháng đối với gà và 18 tháng đối với
lợn). Với cách làm như trên, HTX chăn nuôi Quý Hiền thực sự đã giúp các
hộ xã viên: giảm chi phí và nâng cao chất lượng đầu vào, tiêu thụ sản
phẩm ổn định với giá cao hơn, vì vậy vừa làm cho sản phẩm của xã viên có
tính cạnh tranh cao hơn, vừa nâng cao thu nhập cho hộ xã viên, đồng
thời kích thích tính sáng tạo, tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của
các hộ xã viên.
Qua phân tích phương thức hoạt động và kết quả
sản xuất kinh doanh của HTX chăn nuôi Quý Hiền ta thấy HTX không xóa bỏ,
không làm thay vai trò chủ hộ sản xuất của người nông dân tự hạch toán
mà bằng việc cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp hơn, chất lượng
cao hơn, thực hiện qui hoạch sản xuất nông nghiệp, tổ chức tiêu thụ sản
phẩm của hộ xã viên, HTX đã làm sản xuất, kinh doanh của các hộ hiệu quả
hơn, thu nhập cao hơn, cạnh tranh thắng lợi trong điều kiện cạnh tranh
ngày càng gay gắt và hội nhập quốc tế. Có thể gọi đây là một HTX kiểu
mới ở nước ta. Điều này hoàn toàn phù hợp với 9 nguyên tắc thành lập và
hoạt động của các HTX trên thế giới đã được tổng kết qua thực tiễn 150
năm qua.
Ngoài mô hình HTX, thực tế đã xuất hiện mô hình liên kết
trực tiếp giữa người nông dân và doanh nghiệp qua hợp đồng, trong đó
doanh nghiệp trực tiếp cung ứng các yếu tố đầu vào cho hộ nông dân và hỗ
trợ tiêu thụ sản phẩm cho hộ, song những người nông dân không liên kết
hỗ trợ nhau. Sau 04 năm tổ chức thực hiện, đến năm 2014, Công ty Bảo vệ
thực vật An Giang (BVTVAG) đã ký hợp đồng liên kết với hơn 28 nghìn hộ
nông dân với diện tích trồng lúa lên đến 65,7 nghìn hecta (bình quân 2,3
ha/hộ). Từ năm 2006, BVTVAG đã bắt tay xây dựng mô hình Cánh đồng lớn
để phục vụ nông dân. Mô hình này đã giúp nông dân giảm giá thành sản
xuất, giảm bớt nỗi lo về đầu ra cho hạt lúa, nâng cao thu nhập. Hộ nông
dân phải cam kết sử dụng giống lúa, phân bón, hóa chất mà Công ty BVTVAG
cung cấp, thực hiện qui trình canh tác theo hướng dẫn của Công ty. Nông
dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón và trả chậm với lãi suất 0%
đến cuối vụ, được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và
bao tiêu lúa theo giá thị trường. Công ty có một lực lượng 1.300 cán bộ
kỹ thuật “3 cùng” (có trình độ trung cấp, cao đẳng về nông nghiệp) hỗ
trợ chuyển giao kỹ thuật, quản lý chất lượng, hỗ trợ thu hoạch cho bà
con nông dân. Bình quân 1 cán bộ “3 cùng” hướng dẫn, hỗ trợ 20 -25 hộ
nông dân. Nông dân được gửi lúa trong kho của Công ty BVTVAG 30 ngày
không tính phí. Nông dân ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng để hạch toán chi
phí sản xuất, giúp truy xuất được nguồn gốc, yếu tố then chốt để nâng
cao giá trị thương hiệu gạo khi ra thị trường.
Với
việc áp dụng khoa học kỹ thuật, gia tăng các biện pháp quản lý trong
canh tác, hiệu quả kinh tế của người nông dân đã được tăng lên rõ rệt.
So sánh với nông dân không có hợp đồng liên kết với Công ty trong vùng
cùng thời điểm cho thấy: năng suất của nông dân có liên kết với Công ty
tăng từ 400 - 500 kg lúa/hecta; giá thành sản xuất lúa giảm từ
800.000-1.000.000 đồng/hecta;
Tác dụng tổng hợp của các kết quả và
hỗ trợ của HTX nói trên là chi phí sản xuất giảm và thu nhập cao hơn
nông dân không tham gia liên kết từ 3-5 triệu đồng/hecta. Tuy nhiên,
Công ty BVTVAG nhận thấy nếu tiếp tục tăng qui mô liên kết trực tiếp với
hàng vạn hộ nông dân như hiện nay thì Công ty sẽ gặp mâu thuẫn giữa qui
mô quản lý và năng lực quản lý, chi phí quản lý nên công ty không thể
tăng mãi số hộ nông dân hợp đồng liên kết và tối đa chỉ có thể hỗ trợ và
bao tiêu được khoảng 4% sản lượng lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mặt khác, trong mô hình này, hàng vạn hộ nông dân dựa vào sự chỉ dẫn
tại đồng ruộng của hàng nghìn cán bộ “3 cùng”, còn bản thân họ do chưa
liên kết trực tiếp với nhau nên việc phát huy sức mạnh sáng kiến, khả
năng tự quản, tự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân còn hạn
chế. Do đó, chính Công ty BVTVAG đã đề xuất cần xây dựng các HTX kiểu
mới, do người nông dân tự thành lập, tự quản, và họ sẽ ký hợp đồng liên
kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty BVTVAG với các điều kiện
tương tự như hiện nay. Đối với Công ty, nhờ số lượng đối tác giảm đi
đáng kể, từ hàng vạn hộ nông dân còn vài trăm HTX, Công ty có thể hỗ trợ
tốt hơn và giảm chi phí quản lý. Còn người nông dân thì khi họ tự chịu
trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình sản xuất, họ hưởng toàn bộ lợi ích
từ đây thì họ sẽ phát huy mọi sáng tạo, gắn bó với đồng ruộng của mình
để có thu nhập cao nhất. Ngoài ra, việc thành lập HTX sẽ giúp tạo thêm
việc làm ở nông thôn, gia tăng thu nhập thông qua việc các hộ xã viên
tham gia nhiều khâu hơn trong mô hình hợp tác. Nông dân sản xuất lúa 1
năm 2 vụ trong khoảng thời gian từ 6-7 tháng, thời gian nông nhàn còn
lại thì chỉ có thành lập hợp tác xã mới có điều kiện tạo thêm ngành nghề
khác cho xã viên. HTX cũng sẽ giúp các hộ nông dân giải quyết những khó
khăn nhỏ lẻ, hàng ngày mà đội ngũ kỹ thuật viên “3 cùng” ít ỏi sẽ không
thể đảm trách được hết, nhờ đó các hộ nông dân có năng suất cao hơn,
giảm được chi phí, còn Công ty có thể giảm bớt lực lượng “3 cùng”, giảm
chi phí cho Công ty hoặc sử dụng họ vào các nhiệm vụ khác.
Vai trò
bảo vệ quyền lợi của các hộ nông dân qua phương thức HTX còn thể hiện ở
khả năng tự quản lý, chủ động tìm đối tác để hợp tác sản xuất, kinh
doanh và tiêu thụ sản phẩm. Nếu một doanh nghiệp ký hợp đồng với hàng
vạn nông dân để cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, vì lý do nào đó
mà nâng giá cung cấp đầu vào, giảm giá tiêu thụ sản phẩm thì người nông
dân vẫn không có cách nào khác là phải chấp nhận các điều kiện này cho
đến khi tìm được một doanh nghiệp khác sẵn sàng ký các hợp đồng hợp tác
với điều kiện thuận lợi hơn. Còn nếu đối tác của doanh nghiệp là các
HTX, thì khi doanh nghiệp thay đổi các điều kiện hợp tác cung cấp đầu
vào và tiêu thụ sản phẩm bất lợi cho người nông dân, HTX có thể chủ động
tìm các doanh nghiệp khác để đàm phán và ký kết hợp đồng cung cấp đầu
vào và tiêu thụ sản phẩm, hoặc thậm chí có thể ký hợp đồng xuất khẩu
trực tiếp.
IV. Hợp tác xã kiểu mới - giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay
Sau
30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển hết sức
ngoạn mục. Nhiều cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học vào loại cao
nhất thế giới như cá tra, cà phê, tiêu, điều, cao su, chè, lúa, dừa,...
Là một nước có diện tích đất nông nghiệp không lớn, song Việt Nam đã
xuất khẩu nhiều sản phẩm như cá tra, cà phê, tiêu, điều, gạo, chè, thủy
sản, cao su thuộc tốp 5 nước đứng đầu thế giới. Kết quả trên có được là
nhờ: (1) Sự năng động, sáng tạo, chịu khó của người nông dân trong
phương thức sản xuất hộ, được nhà nước giao quyền sử dụng đất lâu dài;
(2) Sự hỗ trợ của hệ thống khuyến nông từ Trung ương tới xã; (3) Hỗ trợ
của Nhà nước để phát triển hệ thống thủy lợi; (4) Việc áp dụng các giống
mới nhập ngoại và do trong nước sản xuất; (5) Hệ thống cung cấp các yếu
tố đầu vào nông nghiệp có tính công nghiệp và hiện đại như phân bón,
thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc làm đất,
gặt, máy bơm, máy sấy,... (6) Hệ thống thu mua tư nhân bao phủ tới từng
xã; (7) Các chính sách của Nhà nước và địa phương hỗ trợ nông dân vay
vốn để mở rộng và hiện đại hóa sản xuất, dạy nghề cho nông dân; (8) Các
phong trào thi đua sản xuất giỏi do các đoàn thể triển khai.
Hệ
thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam với 8 yếu tố cấu thành nêu trên
phát huy hết tác dụng trong 30 năm qua. Khoảng 5 năm gần đây, nông
nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển về số lượng, song hầu như không có
tiến bộ về chất lượng. Với HTX kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả
năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phát,
vì nó khắc phục được các yếu kém, cản trở kéo dài suốt 30 năm qua:
1. Năng suất sinh học tăng nhanh và cao, song thu nhập của người nông dân tăng chậm và thấp
Đối
với các hộ nông dân, thu nhập thấp khi chi phí đầu vào cao và giá bán
đầu ra thấp. Giá mua đầu vào của các hộ nông dân cao vì một hộ thì mua
với số lượng ít, không có khả năng đàm phán để mua rẻ hơn, và không có
nhiều doanh nghiệp bán các yếu tố đầu vào để người nông dân có cơ hội
lựa chọn (có khoảng 7-8 công ty cung ứng mỗi loại đầu vào chủ yếu như
thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất), do đó các doanh
nghiệp dễ dàng thỏa thuận để nâng giá bán. Hộ nông dân đơn lẻ không có
sự lựa chọn nào khác là phải mua giá cao. Khi hộ nông dân tự bán sản
phẩm đơn lẻ trên thị trường, thì cũng không có khả năng đàm phán với
thương lái hoặc doanh nghiệp thu mua, mặt khác số doanh nghiệp thu mua
chủ yếu sản phẩm nông sản xuất khẩu không nhiều (trên dưới 10 đơn vị
lớn), nên họ cũng dễ dàng thỏa thuận để dìm giá mua thấp. Hiện nay thu
nhập bình quân hàng tháng của 1 lao động trong nông nghiệp là 3 triệu
đồng, bằng 70% thu nhập của 1 lao động công nghiệp (4,3 triệu đồng) và
bằng 58% thu nhập của 1 lao động dịch vụ (5,2 triệu đồng). Nếu có HTX
kiểu mới, với khối lượng mua đầu vào và bán đầu ra gấp từ 300 đến 500
lần so với 1 hộ nông dân (theo Bộ NNPTNT, bình quân 1 HTX nông nghiệp có
660 xã viên), thì khả năng đàm phán giá mua và bán với các doanh nghiệp
cao hơn hẳn, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Nếu các doanh
nghiệp trung gian thỏa thuận nâng giá đầu vào, dìm giá đầu ra, thì các
HTX có thể liên kết với nhau, đặt hàng với qui mô lớn trực tiếp tại các
cơ sở sản xuất đầu vào, từ đó có giá mua thấp hơn, và bán trực tiếp cho
khách hàng cuối cùng trong nước hoặc xuất khẩu trực tiếp, sẽ có giá bán
cao hơn. Khi hộ nông dân đơn lẻ bán sản phẩm, thì không thể có thương
hiệu, chất lượng không đồng đều, không có xác nhận chất lượng sản phẩm,
đây là lý do để các tư thương thu mua hoặc các doanh nghiệp thu mua đưa
ra giá mua thấp. Nếu có HTX, với chương trình sản xuất cùng 1 loại
giống, đảm bảo chất lượng đồng đều và có chứng nhận chất lượng thì giá
bán sẽ cao hơn. Các HTX cùng loại có thể thành lập công ty cổ phần để
tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trong một vùng, khắc phục sự phụ thuộc và
chèn ép của hệ thống tư thương hiện nay, tăng thu nhập cho người nông
dân.
2. Điệp khúc được mùa rớt giá và yêu cầu nhà nước bao tiêu sản phẩm
Khi
hộ cá thể sản xuất, họ không thể dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở thị
trường địa phương, quốc gia và quốc tế. Họ sản xuất theo “phong trào”,
cái gì nhiều người làm thì tôi cũng làm. Do đó thường dẫn đến việc cung
vượt cầu, nên giá rớt là đúng qui luật. Muốn khắc phục việc này, chỉ có
HTX kiểu mới và sự liên kết các HTX cùng nhóm sản phẩm mới có thể dự báo
nhu cầu trong và ngoài nước. Từ đó khuyến cáo các HTX, các hộ nên sản
xuất qui mô thế nào để đáp ứng nhu cầu thị trường mà không làm giá rớt
nhiều, gây thiệt hại cho người nông dân. Một phương thức khác là bán sản
phẩm nông nghiệp trước khi thu hoạch ở các chợ nông sản tương lai. Tuy
nhiên, nếu người bán là các hộ riêng lẻ, với khối lượng sản phẩm rất
nhỏ, chất lượng không được xác nhận, sản phẩm không có thương hiệu, thì
các chợ sẽ không mua sản phẩm tương lai này. Khi có HTX, có thể bán với
qui mô lớn, cam kết chất lượng và thương hiệu sản phẩm, từ đó làm cho
giá tiêu thụ ổn định, khắc phục tình trạng được mùa rớt giá và yêu cầu
Nhà nước bao tiêu sản phẩm.
3. Hàng hóa xuất khẩu giá thấp, bấp
bênh vì sản phẩm từ các hộ không có thương hiệu, không đồng đều chất
lượng, chủng loại, không có truy xuất nguồn gốc và không có chứng nhận
chất lượng theo tiêu chuẩn được nước nhập khẩu thừa nhận
Khi hộ
nông dân kinh doanh đơn lẻ, các nhà xuất khẩu không thể mua sản phẩm từ
hàng vạn, hàng chục vạn hộ, lại không có thương hiệu, không truy xuất
nguồn gốc, không có chứng nhận đảm bảo chất lượng, không cam kết thời
gian giao hàng chính xác. Muốn hội nhập quốc tế về xuất khẩu, chỉ có qua
HTX kiểu mới hoặc liên hiệp các HTX mới có thể bán hàng cùng loại sản
phẩm qui mô lớn, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm
bảo chất lượng.
4. Sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, KHCN, tiếp thị
ra thị trường nước ngoài, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu cho
nông dân, sự liên kết của các doanh nghiệp với người nông dân không thể
hiệu quả khi Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp một lúc cho hơn 10 triệu hộ
nông dân và mỗi doanh nghiệp phải ký hợp đồng bán đầu vào, mua đầu ra
cho hàng vạn hộ nông dân
Do lực lượng khuyến nông, dạy nghề, tư
vấn có hạn và nhân lực của các ngân hàng chính sách, ngân hàng đầu tư
phát triển, ngân hàng nông nghiệp cũng có hạn nên Nhà nước không thể đủ
người hướng dẫn về KHCN, dạy nghề, xây dựng thương hiệu, tiếp thị ra
nước ngoài cho từng hộ trong hơn 10 triệu hộ nông dân, các ngân hàng
không thể quản lý các khoản vay của hơn 10 triệu hộ nông dân vay với qui
mô sản xuất nhỏ bé, nhiều rủi ro. Khi hình thành các HTX kiểu mới, các
đầu mối giao dịch với ngân hàng sẽ giảm 300 - 500 lần, HTX có thể xây
dựng các điểm trình diễn cho xã viên của mình, HTX có thể đứng ra vay
hoặc bảo lãnh vay cho các hộ xã viên của mình, từ đó giảm rủi ro đối với
các ngân hàng, qui mô vay vì thế tăng lên còn lãi suất thì giảm. Tương
tự, nếu đầu mối giao dịch của các doanh nghiệp giảm 300 - 500 lần, các
doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí và rủi ro khi ký các hợp đồng bán đầu
vào, mua sản phẩm của nông dân.
Tóm lại, HTX kiểu mới sẽ tạo ra
động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam
hiện nay, vì: nó vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực, sáng tạo cao nhất của
từng hộ nông dân (trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá,...) vì họ vẫn là
người chủ đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời các hộ nông
dân được sự hỗ trợ rất hiệu quả của HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh
tranh, tiếp nhận tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các
liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập
quốc tế về thương mại. HTX kiểu mới không những đem lại lợi ích lớn hơn
nhiều cho người nông dân, mà còn đem lại lợi ích cho nhà nước - giảm chi
phí và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước, lợi ích cho doanh nghiệp
và ngân hàng - giảm chi phí, giảm rủi ro và lợi ích cho các nước nhập
khẩu hàng hóa của Việt Nam - tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực thương
mại quốc tế. HTX kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt
Nam vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 loại lợi ích: lợi ích
của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh
nghiệp và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam.
- GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân