Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, nhiều năm qua, nông dân xã Mai Tùng (huyện Hạ Hòa) đã đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt đã góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập và từng bước vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với lợi thế có diện tích đất bãi ven sông Hồng rộng hơn 50ha, nhiều năm trước nông dân Mai Tùng đã trồng các loại cây hoa màu phục vụ đời sống như cây ngô, lạc, các loại rau xanh, cà chua. Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác cho thấy những cây trồng trên mang lại hiệu quả kinh tế không cao và tốn rất nhiều công chăm sóc. Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực học hỏi, tìm hiểu các mô hình sản xuất tại các vùng lân cận và nhận thấy mô hình trồng cỏ voi (cỏ ngọt) nuôi bò nhốt phù hợp với điều kiện của địa phương nên đã khuyến khích bà con nông dân thực hiện. Diện tích 50 ha đất bãi ven sông của xã đã được chuyển sang trồng cây cỏ voi, giống bò lai sind được bà con nông dân lựa chọn thay thế cho giống bò truyền thống của địa phương. Toàn xã Mai Tùng hiện nay có trên 50% số hộ gia đình nuôi bò thịt, có hộ nuôi nhiều lên tới 6-8 con. Đàn bò của xã ngày càng tăng và là nguồn thu chính của nhiều hộ dân trong xã, năm 2010 đàn bò của xã là 274 con, năm 2011 là 269 con, đến nay toàn xã đã có trên 550 con bò thịt.
Là một trong những người đi tiên phong trong việc thực hiện mô hình, bà Lê Thị Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Tùng cho biết: Ban đầu có một số hộ dân còn e dè chưa dám đầu tư vì chi phí ban đầu mua bò là khá lớn, khoảng 10 triệu đồng/con giống. Hơn nữa bà con vốn quen với cách nuôi bò chăn thả truyền thống chứ không nuôi nhốt. Là người cán bộ gương mẫu, tận tụy với công việc, bà Bình đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi bò vừa để phát triển kinh tế gia đình cũng là để bà con trong xã học tập làm theo. Đến nay, gia đình bà Bình luôn duy trì đàn bò 4-5 con và trồng 4 sào cỏ ngọt. Mới đây gia đình bà xuất chuồng 3 con bò trị giá trên 61 triệu đồng. Trừ chi phí giống và cám thì mỗi con bò cho lãi 1 triệu đồng/tháng. Tính ra một năm đàn bò của gia đình bà cho tổng lãi khoảng 50-60 triệu đồng.
Nhiều diện tích đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả đã được người dân Mai Tùng
chuyển đổi sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò
Nuôi bò thịt theo kiểu nuôi nhốt rất thuận lợi, chỉ cần một nhân công có thể chăm sóc cả chục con bò mà vẫn có thời gian làm các công việc nhà khác. Mặt khác lại tận dụng được những phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lá ngô, lá mía,... Cây cỏ voi phù hợp với chất đất phù sa của địa phương nên phát triển tốt. Việc trồng và chăm sóc cỏ cũng đơn giản, cây cỏ sau khi trồng sẽ cho thu hoạch khoảng 3 năm mới phải trồng lại. Sau 2-3 đợt cắt cỏ người dân lại bón thêm phân đạm để tăng khả năng sinh trưởng của cỏ. Hai sào cỏ voi là đủ cho thức ăn cho 3 con bò theo kiểu nuôi nhốt. Cây cỏ voi dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện nay, phong trào trồng cỏ nuôi bò nhốt ở Mai Tùng đang phát triển khá mạnh. Từ mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Ông Hà Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Tùng cho biết: “Chương trình phát triển đàn bò luôn được xã quan tâm và khuyến khích người dân thực hiện. Đến nay, mô hình cho thấy hiệu quả tốt. Để mô hình này phát triển, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng và vận động bà con chuyển đổi một số diện tích trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò”
Qua thời gian thực hiện mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt ở Mai Tùng đã khẳng định được hiệu quả. Mỗi năm, xã Mai Tùng bán ra thị trường trên 250 con bò thịt trị giá trên 6 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu lớn đối với một xã thuần nông như Mai Tùng. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ trồng cây rau màu hiệu quả thấp sang trồng cỏ voi nuôi bò nhốt ở Mai Tùng là hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Bởi lẽ, ngoài việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, mô hình này còn góp phần quan trọng vào chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đồng thời đưa các giống cây trồng vật nuôi có hiệu qủa kinh tế cao vào sản xuất tại địa phương.
Hải Bình