Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy,
chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; Liên minh hợp tác
xã (HTX) tỉnh Phú Thọ đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động. Liên
minh HTX tỉnh ngày càng thể hiện rõ vai trò là tổ chức kinh tế - xã
hội, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các HTX, tổ hợp tác
(THT) và thành viên trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế tập thể (KTTT)
trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ,
góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
|
Quỹ TDND thị trấn Thanh Thủy - đơn vị dẫn đầu hệ thống Quỹ TDND toàn tỉnh. |
Mặc dù còn có những khó khăn, thách
thức, trong đó có sự tác động và chi phối của tình hình suy thoái kinh
tế thế giới nói chung, khó khăn kinh tế trong nước nói riêng, đối với
các thành phần kinh tế; nhưng KTTT của tỉnh vẫn có bước chuyển biến về
quy mô, hiệu quả SX-KD, góp phần đáng kể vào sự ổn định và tăng trưởng
kinh tế của tỉnh. Loại hình dịch vụ của HTX, THT ngày càng đa dạng,
phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã viên và đòi hỏi của sản xuất,
đời sống. Bộ máy quản lý HTX được sắp xếp gọn nhẹ, trình độ cán bộ quản
lý từng bước được nâng lên, nhiều mặt hạn chế được quan tâm giải quyết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 466 HTX đang hoạt động, trong đó có 297
HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản; 47 HTX công nghiệp - TTCN, 35 Quỹ TDND,
8 HTX vệ sinh môi trường, 10 HTX vận tải, 34 HTX dịch vụ điện năng, 35
HTX hoạt động ở các loại hình dịch vụ khác… Các HTX đã thu hút 154.734
người làm thành viên. Trong đó, số lao động thường xuyên làm việc là
6.058 người, tăng 11,3% so với năm 2010; thu nhập bình quân của lao động
thường xuyên làm việc tại HTX là 16 triệu đồng/ người/ năm, tăng 33% so
với 5 năm trước. Do quy mô và trình độ quản lý được nâng lên, đến nay,
doanh thu bình quân của 1 HTX 1.268 triệu đồng; tăng 13% so với năm
2010. Lợi nhuận bình quân 1 HTX là 64 triệu đồng, tăng 30%. Kết quả xếp
loại HTX năm 2014, có 55% số HTX đạt từ loại khá trở lên, 37% số HTX
trung bình, còn 8% số HTX yếu kém.
Trong số các HTX, HTX nông nghiệp chiếm phần lớn, hoạt động chủ yếu là
tổ chức dịch vụ sản xuất cho xã viên về các khâu: Làm đất, thủy lợi,
giống cây trồng vật nuôi, phân bón, BVTV, bảo vệ sản xuất, dịch vụ vệ
sinh môi trường và dịch vụ điện năng. Có 45 HTX làm từ 4 dịch vụ trở lên
còn lại là từ 1- 3 dịch vụ. Nhìn chung các HTX quy mô còn nhỏ, vốn, tài
sản ít (bình quân 815 triệu đồng/ HTX); vốn điều lệ bình quân 86 triệu
đồng/HTX; doanh thu bình quân 1.200 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế bình
quân 35 triệu đồng/ năm. Các HTX có tổng số thành viên 115.654 người;
lao động thường xuyên 3.820 người; số thành viên được đóng BHXH: 548
người; thu nhập bình quân của lao động đạt 25 triệu đồng/người/năm. Tuy
quy mô còn nhỏ, song các HTX trong lĩnh vực này hoạt động khá ổn định,
tài sản, vốn được bảo toàn, tăng trưởng qua các năm và có lãi. HTX đã
thu hút được trên 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, tổ chức các dịch vụ
phục vụ sản xuất; là đầu mối tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các tiến
bộ KHKT; làm tốt chức năng hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển, góp phần
chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, ổn định đời sống và an sinh
xã hội khu vực nông thôn. Tuy vậy, số HTX thực hiện dịch vụ bao tiêu đầu
ra sản phẩm cho thành viên chưa nhiều. Một số HTX dịch vụ nông nghiệp
như: HTX NN- điện năng Thụy Vân (Việt Trì), HTX NN - điện năng Vĩnh Lại,
HTX NN - điện năng Vân Hùng (Lâm Thao), HTX NN Thượng Nông (Tam Nông),
HTX NN Xuân Lộc (Thanh Thủy)... là những cơ sở tiêu biểu cho mô hình HTX
dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, hoạt động đạt hiệu quả khá; nhiều HTX
đang đi đầu trong phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần tích
cực xây dựng nông thôn mới.
Trong sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, hoạt động của các HTX công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, tổng giá
trị tài sản bình quân một HTX là 5.993 triệu đồng; vốn điều lệ 1.824
triệu đồng; doanh thu bình quân 4.860 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế
bình quân 149,7 triệu đồng/ năm. Người lao động thường xuyên có thu nhập
bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng.
Quỹ tín dụng nhân dân là loại hình HTX đóng vai trò quan trọng trong
phát triển KT-XH, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao
động, xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi. Các quỹ đều bảo toàn
được vốn và kinh doanh có lãi. Tổng giá trị vốn huy động bình quân một
quỹ đạt 32.260 triệu đồng; vốn điều lệ bình quân 1.330 triệu đồng; doanh
thu bình quân 6.635 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế bình quân 680 triệu
đồng/quỹ. Các Quỹ TDND có tổng số thành viên 35.670 người; lao động
thường xuyên 390 người; số thành viên được đóng BHXH: 297 người. Một số
Quỹ hoạt động hiệu quả cao như: Quỹ TDND Hùng Lô, Quỹ TDND Dữu Lâu (Việt
Trì), Quỹ TDND thị trấn Đoan Hùng, Quỹ TDND thị trấn Thanh Thủy, Quỹ
TDND thị trấn Thanh Sơn.
Toàn tỉnh hiện có 44 HTX kinh doanh dịch vụ điện năng, trong đó có 34
HTX chuyên kinh doanh điện (trong năm 2014 đã và đang thực hiện bàn giao
phần kinh doanh dịch vụ điện của 18 HTX cho ngành điện quản lý). Đến
nay các HTX dịch vụ điện năng đủ điều kiện kinh doanh vẫn duy trì và đảm
bảo hiệu quả hoạt động. Một số HTX mạnh dạn huy động vốn góp của thành
viên, của các tổ chức khác để đầu tư cải tạo đường dây, nâng cao chất
lượng điện sinh hoạt, giá bán điện đến hộ gia đình theo đúng quy định
của Nhà nước, tạo niềm tin cho các hộ sử dụng điện.
Ở các lĩnh vực khác, một số HTX cũng đã hoạt động hiệu quả. Điển hình là
HTX vận tải Hồng Hà, HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường thị trấn Phong
Châu, HTX Vệ sinh môi trường Chí Đám; HTX Xây dựng, thương mại Sông
Thao... đã đa dạng ngành nghề, tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn và
góp phần tích cực vào việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường, nâng
cao sức khỏe người dân trên địa bàn.
Cùng với loại hình HTX, loại hình THT đã góp phần mang lại sự phong phú
của KTTT Phú Thọ. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 1.458 THT đang hoạt
động với 7.290 thành viên. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp - thủy
sản có 1.040 THT; công nghiệp, tiểu - TCN 102 THT và các lĩnh vực khác
316 THT. Nhìn chung, quy mô và hiệu quả SXKD của các THT còn hạn chế.
Doanh thu bình quân của 1 THT mới đạt 30 triệu đồng/ năm; thu nhập bình
quân của thành viên THT mới đạt 15 triệu đồng/ năm. Dù hình thức hoạt
động còn đơn giản, chủ yếu góp công, góp vốn để giải quyết công việc mùa
vụ, nhưng các THT đã có những đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH,
xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương.
Tuy đã tạo được diện mạo mới, nhưng KTTT của tỉnh những năm gần đây vẫn
bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Đó là nội lực của HTX nhìn chung còn
yếu kém, quy mô dịch vụ nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Nhiều HTX chưa có
trụ sở làm việc (hiện có 321 HTX chưa có trụ sở làm việc). Hầu hết các
HTX NN còn gặp khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia thị trường,
sự gắn kết của thành viên với HTX ở một số nơi chưa chặt chẽ. HTX tiểu
thủ công nghiệp phát triển chậm về số lượng, thiếu nguồn lực đầu tư để
nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm. Nhiều HTX còn lúng túng
trong việc xây dựng phương án SXKD, sản xuất chưa mang tính hàng hóa,
việc liên doanh liên kết còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý THT,
HTX nhìn chung còn hạn chế về trình độ và năng lực; chưa có chính sách
cụ thể thu hút được cán bộ có trình độ về phục vụ HTX.
Cùng với nguyên nhân chủ quan, các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ
trợ HTX thực hiện chậm hoặc chưa được triển khai thực hiện, hiệu quả
chưa cao. Việc tiếp cận và vay vốn tín dụng của các HTX vẫn còn khó
khăn, chủ yếu do vướng mắc về tài sản thế chấp. Việc xây dựng thương
hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường còn hạn chế. Mặt khác, việc giao đất
công ích 5% cho các HTX dịch vụ nông nghiệp sử dụng để ứng dụng tiến bộ
KHKT vào sản xuất còn chậm; đến nay toàn tỉnh mới giao được 7,3% diện
tích đất công ích cho 34% số HTX NN sử dụng. Công tác tư vấn, hỗ trợ đối
với HTX có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng một cách toàn diện theo yêu
cầu hoạt động thực tế. Số HTX được tư vấn trực tiếp chưa nhiều, chất
lượng tư vấn, nhất là tư vấn về tổ chức quản lý, xây dựng phương án, mô
hình SXKD còn bất cập. Nhiều HTX còn lúng túng trong vận dụng thực tế;
cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Công tác hỗ trợ liên doanh liên kết, xúc
tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm còn
hạn chế; số đơn vị thực hiện liên doanh liên kết ít, công tác xúc tiến
thương mại lúng túng, ít đơn vị tổ chức đầu ra cho sản phẩm của thành
viên.
Tập trung khắc phục được những mặt hạn chế trên đây, nhất định KTTT
tỉnh Phú Thọ tiếp tục tạo được chuyển biến và kết quả mới, góp phần tích
cực thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Nguồn : baophutho.vn