Chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và lao động ở khu vực nông thôn - Những vấn đề đặt ra (Ths. Nguyễn Thị Ánh Tuyết)

Giai đoạn vừa qua, sự chuyển dịch này đã góp phần cải thiện bộ mặt đời sống nông thôn, nâng cao thu nhập, mức sống, kèm theo đó là tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, thông tin, văn hóa.v.v. cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều bất cập cần những chính sách, giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng

Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê, năm 2011, cả nước có 15,34 triệu hộ ở khu vực nông thôn, tăng 1,58 triệu hộ (+11,4%) so với năm 2006. Sự gia tăng số hộ ở nông thôn là do nhu cầu tách hộ và xu hướng sống theo mô hình gia đình hạt nhân ngày một nhiều. Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ “dân số vàng” với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Năm 2011, số người trong độ tuổi có khả năng lao động ở khu vực nông thôn là 32 triệu người, tăng 1,4 triệu người (+4,5%) so với 2006). Đây là thời cơ cho phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng vì có được nguồn lao động dồi dào.
Cùng với chuyển đổi về cơ cấu hộ, cơ cấu nguồn nhân lực nói trên, cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể, số lượng, tỷ trọng hộ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản ngày càng giảm, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng. Số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản là 9,53 triệu hộ, giảm 248 nghìn hộ so với năm 2006. Số hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và hộ dịch vụ đạt 5,13 triệu hộ, tăng 1,67 triệu hộ so với năm 2006. Nếu xét về cơ cấu, năm 2011 tỷ trọng hộ nông, lâm, thủy sản giảm nhanh, chỉ còn 62,2% so với 71,1% so với năm 2006. Tính chung trong giai đoạn 2001-2011, số hộ nông, lâm, thủy sản cứ qua 5 năm lại giảm đi khoảng từ 9% đến 10%. Đáng chú ý, đến năm 2011 đã có 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ trọng hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm trên 40% tổng số hộ nông thôn, trong khi năm 2006 con số này chỉ có ở 5/63 tỉnh, thành phố. Xét theo vùng, tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn từ nông, lâm, thuỷ sản sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ rõ nét nhất xảy ra ở vùng Đông Nam bộ và tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng. 
Trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2001-2011, số hộ nông, lâm, thủy sản cứ qua 5 năm lại giảm đi khoảng từ 9% đến 10%, trong khi đó 2 khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lại tăng lên: khu vực công nghiệp, xây dựng tăng ở mức 4,5 - 5%, khu vực dịch vụ tăng chậm hơn ở mức từ và 3,5 - 4,5%. Đáng chú ý là đến năm 2011 đã có 13/63 tỉnh (20,6%) có tỷ trọng hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm trên 40% tổng số hộ nông thôn (năm 2006 chỉ có 5/63 tỉnh).

Cơ cấu lao động bước đầu chuyển biến tích cực

Do việc thực hiện đúng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nông thôn dẫn đến cơ cấu lao động trong các lĩnh vực ngành nghề có sự thay đổi rõ rệt. Tính đến 2011, lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 59,6%, giảm đáng kể so với mức 70,4% của năm 2006 và 79,6% của năm 2001; Tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng lần lượt ở các năm 2011, 2006 và 2001 là 18,4%, 12,5% và 7,4%; tỷ lệ lao động dịch vụ là 20,5%, 15,9% và 11,9% ở 3 năm tương ứng.
Kết quả đạt được về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn năm 2011 tuy có tiến bộ so với các năm 2001 và 2006 nhưng vẫn còn chậm và có khoảng cách xa so với yêu cầu. Trong 10 năm từ 2001-2011, tỷ trọng lao động nông, lâm, thủy sản mới giảm được 20% từ khoảng 80% năm 2001 xuống khoảng 60% vào năm 2011, bình quân mỗi năm giảm được 2%. 
Tuy kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn những năm qua diễn ra còn chậm so với yêu cầu, chưa đều giữa các vùng và các địa phương nhưng cũng có điểm mới là xu hướng hoạt động đa dạng ngành nghề của lao động ở khu vực nông thôn ngày càng tăng. Trong tổng số người ở độ tuổi lao động có tham gia hoạt động nông nghiệp trong 12 tháng qua thì lao động chuyên nông nghiệp (thuần nông) chiếm 46%; lao động nông nghiệp kiêm ngành nghề khác chiếm 32,1% và lao động phi nông nghiệp có hoạt động phụ nông nghiệp chiếm 21,9%.
Đáng lưu ý là các làng nghề nông thôn được khôi phục và phát triển, tạo nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Cùng với sự ra đời của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhiều làng nghề được khôi phục và phát triển đã thu hút được nhiều nguồn vốn trong dân cư, tạo được việc làm tại chỗ cho hàng chục vạn lao động và đào tạo, bồi dưỡng những lao động phổ thông thành lao động có kỹ thuật. Đến năm 2011, khu vực nông thôn có 961 xã có làng nghề, chiếm 11% tổng số xã (tỷ lệ tương ứng của các năm 2001 và 2006 lần lượt là 6% và 8%). Số lượng làng nghề cũng tăng: Năm 2011 có 1.322 làng nghề so với 1077 làng nghề của năm 2006 và 710 làng nghề của năm 2001. 
Các làng nghề đã thu hút 327 nghìn hộ và 767 nghìn lao động thường xuyên. Bình quân 1 làng nghề có 248 hộ và 580 lao động so với 238 hộ và 609 lao động năm 2006. Vùng có nhiều xã có làng nghề và số lượng làng nghề nhiều nhất là Đồng bằng sông Hồng: 485 xã (chiếm 50,5% tổng số xã có làng nghề cả nước), 706 làng nghề (chiếm 53% số làng nghề cả nước) và 222 nghìn hộ tham gia với 505 nghìn lao động.

Những vấn đề đặt ra

Rõ ràng có những dấu hiệu tích cực của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề nông thôn nói trên, song vẫn chưa khắc phục được sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế - xã hội. Nếu không có các định hướng, giải pháp để hạn chế sẽ dẫn đến sự chênh lệch trong các lĩnh vực khác như: thu nhập, nghèo đói, đời sống, vấn đề an sinh xã hội, di cư ồ ạt giữa các vùng (để tìm việc làm) gây khó khăn cho quản lý xã hội.v.v. giữa các vùng.
Bên cạnh đó, sự phát triển các khu công nghiệp, chế xuất, các ngành nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là làng nghề dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường: nước thải, chất thải do các làng nghề tạo ra tại các vùng quê gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe người dân còn rất phổ biến. Theo số liệu năm 2011 cho thấy, tỷ lệ làng nghề sử dụng thiết bị xử lý nước, chất thải độc hại chỉ đạt 4,1% và thực trạng này đang cho thấy rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao của các làng nghề ở nông thôn nước ta. 
Thiết nghĩ, những hạn chế, mặt trái của quá trình phát triển là không thể tránh khỏi, vấn đề đặt ra là ngay từ khi bước vào quá trình chuyển đổi cần tính đến các giải pháp đồng bộ, lâu dài về cơ chế chính sách như xây dựng và triển khai có hiệu quả các quy hoạch: tổng thể khu vực nông thôn, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, nguồn nhân lực, đất đai, môi trường.v.v. Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống, hỗ trợ sản xuất cho các bộ phận, tầng lớp cư dân gặp nhiều khó khăn ở khu vực nông thôn. Có như vậy, các chính sách và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn mới đảm bảo tính bền vững./.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website