Hiệu quả từ mô hình kinh tế
tập thể này không những giúp các thành viên trong HTX nâng cao chất
lượng cuộc sống gia đình mà còn góp phần tích cực giúp địa phương giảm
nghèo bền vững, mở hướng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng thế mạnh
sẵn có…
Gần thập niên trước, sau thời gian bươn trải khắp các vùng miền mưu
sinh bằng nhiều nghề từ buôn gỗ đến… đào đãi vàng, cựu chiến binh từng
tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc Lê Huy Kiên trở về quê hương
Hiền Lương vay mượn thêm anh em bè bạn đầu tư mở lò gạch thủ công nung
nấu quyết tâm làm giàu! Nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, lao động nhàn rỗi
sẵn, kỹ thuật đơn giản, Sau bốn năm làm gạch, gia đình anh đã trang
trải hết công nợ và tích luỹ được số vốn kha khá. Nhưng làm gạch thủ
công vừa phải tiếp xúc trực tiếp với khí thải độc hại, vừa ảnh hưởng đến
hoa màu, môi trường sống của người dân quanh vùng nên họ thường xuyên
phàn nàn, nhắc nhở. Thời điểm bấy giờ, chủ trương xoá lò gạch thủ công
bắt đầu được triển khai, lãnh đạo xã đã đến nhà trao đổi, động viên gia
đình chấp hành, chuyển đổi hoạt động sản xuất. Anh Kiên đã đồng thuận,
quyết định dỡ bỏ lò gạch thủ công chuyển sang đầu tư nhà xưởng làm gỗ
bóc xuất khẩu - hoạt động sản xuất mới xuất hiện trên địa bàn với tiềm
năng phát triển lớn. Buôn có bạn, bán có phường! Muốn đầu tư lớn, mở
rộng quy mô sản xuất phải có nguồn vốn đầu tư dồi dào cũng như phương
thức tổ chức sản xuất khoa học, nhạy bén với thực tế thị trường. Được
chính quyền động viên, bạn hàng tư vấn, cuối năm 2008, anh Kiên đã
thuyết phục người thân trong gia đình và anh em bạn bè góp vốn thành lập
HTX Chế biến nông lâm sản và Dịch vụ nông nghiệp Âu Cơ (HTX Âu Cơ). Với
7 thành viên góp vốn và khoảng 20 xã viên hợp tác làm ăn, HTX hoạt động
với phương thức phát huy sức mạnh vốn đầu tư, trí tuệ, kinh nghiệm tập
thể cùng sản xuất, cùng hưởng lợi.
Xuất thân từ những người dân thuần nông cả đời gắn bó với đồng ruộng
vốn quen với lam lũ, vất vả chân lấm tay bùn, nay dồn toàn bộ nguồn vốn
tích lũy của gia đình và mạnh dạn thế chấp tài sản vay mượn đầu tư sản
xuất nên Ban Quản trị HTX Âu Cơ rất thận trọng, bàn bạc, tính toán kỹ
lưỡng trong từng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chữ “tín” với bạn hàng
được đặt lên hàng đầu, trong nhiều năm, xưởng sản xuất gỗ bóc đã cho
nguồn lợi đáng kể giúp HTX có thêm nguồn vốn để tự tin mở thêm xưởng sản
xuất bột sắn đặt trên đất bạn Yên Bái. Nhưng làm được vài năm, tuy lợi
nhuận không nhỏ nhưng ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con quanh
vùng ngày một tăng, HTX đành bỏ xưởng sắn để đầu tư mở rộng quy mô sản
xuất gỗ bóc. Được UBND xã Hiền Lương tạo điều kiện thuận lợi cho thuê
mặt bằng, HTX đã mở thêm một xưởng sản xuất gỗ bóc trên địa bàn và phát
triển thêm hoạt động chăn nuôi lợn, bò, thủy sản…
Cứ lấy ngắn nuôi dài, quay vòng vốn tái đầu tư với các lĩnh vực sản
xuất có thế mạnh của địa phương, số vốn tích lũy của HTX ngày một tăng,
xã viên tham gia ngày một nhiều và lợi nhuận theo đó cũng tăng lên. Đến
nay, HTX Âu Cơ đã có khoảng 50 xã viên trong đó có 10 thành viên góp
vốn. Nguồn vốn của HTX đã lên tới hơn 9 tỷ đồng, trong đó có gần 6 tỷ
đồng vốn cố định với 5.000m2 nhà xưởng sản xuất, 3 ô tô vận tải, 3 cặp
máy chế biến gỗ, trang trại chăn nuôi luôn duy trì đàn lợn thịt 100 con
và đàn bò 20 con. Trong nhiều năm, HTX đã giải quyết việc làm thường
xuyên cho 50 lao động địa phương (những lúc cao điểm lên tới 100 lao
động) với thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng. Ưu tiên sử dụng
lao động nhàn rỗi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, HTX đã giúp nhiều
gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Năm vừa qua, doanh thu của HTX
đã đạt trên 35 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 26 tỷ đồng. Sản
xuất ổn định, đời sống của các xã viên ngày càng được nâng cao. HTX luôn
trích một phần lợi nhuận tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, đầu
tư xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa khu,
khuyến học khuyến tài… với tổng số tiền 15 - 10 triệu đồng mỗi năm.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường để mở rộng hoạt động sản xuất
kinh doanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, mới đây
HTX Âu Cơ đã mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng (trong gói đầu tư dự kiến 4
tỷ đồng) dựng nhà nổi nuôi cá lồng trên đầm Vân Hội với các giống cá giá
trị kinh tế cao: Trắm đen, lăng chấm, diêu hồng… Đưa chúng tôi ra thăm
lồng cá được xây dựng chắc chắn với các khu lồng bố trí khoa học, Chủ
nhiệm Lê Huy Kiên khẳng định: “Cuối năm nay thu hoạch, ít nhất khu nuôi
cá lồng này cũng cho HTX nguồn thu 2 tỷ đồng. Làm ăn hợp tác có thế mạnh
về kiến thức, kinh nghiệm tập thể và được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ
trợ ưu tiên của Nhà nước nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận
với các nguồn vốn vay. Trong sản xuất kinh doanh luôn thường trực rủi ro
nên để tồn tại, phát triển bền vững, chúng tôi phải tính toán mở rộng
lĩnh vực hoạt động theo phương châm “năng nhặt chặt bị”, nghề này gánh
đỡ nghề kia. Và quan trọng nhất là tinh thần đồng thuận, đoàn kết trong
toàn HTX, coi trọng chữ tín, sòng phẳng với đối tác cũng như an hem công
nhân… Đó chính là chìa khóa của thành công…”.
Không những giúp xã viên phát triển kinh tế hộ, nâng cao chất lượng
cuộc sống; tạo việc làm cho các lao động dư thừa trên địa bàn, tích cực
xóa đói giảm nghèo, mô hình kinh tế tập thể, hợp sức làm giàu của HTX Âu
Cơ đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế xã hội ở Hiền Lương,
mới đây, một HTX thủy sản vừa mới thành lập với mô hình nuôi cá lồng
trên đầm Vân Hội hứa hẹn nhiều triển vọng. Quan trọng hơn, qua hợp tác
tập thể, ý chí, khát vọng làm giàu của người dân đã được tiếp sức, phát
huy lên tầm cao mới…/.