Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, mang lại lợi ích cho các thành viên và xã hội.
Kinh tế tập thể không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hoá, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát triển kinh tế tập thể, là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều hợp tác xã đã đổi mới hoạt động, thích ứng với cơ chế mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị, mở rộng sản xuất kinh doanh, hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế hộ thành viên phát triển, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, phát huy tinh thần tương thân tương ái, xây dựng khối đoàn kết, đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng.
Tuy nhiên về tổng thể, chuyển biến của khu vực kinh tế tập thể còn chậm, tình trạng yếu kém của kinh tế tập thể chưa được khắc phục. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, thiếu ổn định, tỷ lệ đóng góp vào GDP của cả nước giảm dần. Quy mô của tổ hợp tác, hợp tác xã còn nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp.
Nhiều hợp tác xã chưa chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012, hoạt động chưa bảo đảm nguyên tắc của Luật Hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp toàn xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 hoạt động còn mang tính hình thức.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ về cơ sở lý luận, thực tiễn; thống nhất đánh giá tình hình, kết quả đạt được; phân tích làm rõ nguyên nhân của những yếu kém. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã của các hợp tác xã chuyển đổi, hợp tác xã thành lập mới theo Luật Hợp tác xã 2012; Mô hình liên kết trong sản xuất giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp từng khu vực, từng miền trong cả nước.
Nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức kinh tế tập thể điển hình tiên tiến cũng được chia sẻ tại hội thảo. Nhiều đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, thống nhất hành động của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết và Luật Hợp tác xã năm 2012, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế tập thể.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gợi mở: Kinh tế hợp tác chúng ta đã có chủ trương từ rất lâu, có nhiều thành tựu nhưng cũng rất khó khăn. Chúng ta cần trao đổi để làm rõ quy luật phát triển của kinh tế hợp tác, điều kiện HTX ra đời, điều kiện để HTX phát triển. Kinh tế hợp tác phát triển phải có quy luật bởi nếu làm đúng quy luật, kinh tế hợp tác sẽ phát triển đi lên.
Trở lại lịch sử, kinh tế hợp tác khi ra đời không phủ định kinh tế cá thể. Kinh tế hợp tác ra đời chỉ giúp cho kinh doanh cá thể phát triển hiệu quả hơn. Một nguyên tắc quan trọng của kinh tế hợp tác là tất cả hộ xã viên đều trực tiếp sản xuất. Bởi nếu xã viên không làm chủ công việc sản xuất kinh doanh, không được hưởng sản phẩm, thì kinh tế hợp tác không có điều kiện tồn lâu dài.
Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn ra một ví dụ về HTX chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) của ông Phan Quốc Ân. Đây là một trong những mô hình kinh tế tập thể thành công. Mô hình này hoạt động theo phương thức từng hộ kinh doanh tự chịu trách nhiệm về kết quả của mình. HTX chỉ giúp các hộ kinh doanh cá thể cạnh tranh được trong nền kinh tế thị trường bằng việc tạo sức mạnh về pháp lý để người dân có thể đàm phán về đầu vào và đầu ra cũng như dễ dàng tiếp cận các dịch vụ quy mô lớn.
Khi tiếp xúc với một hộ nuôi tôm, người ta đặt ra băn khoăn là tại sao sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt nhưng giá nguyên liệu đầu vào cụ thể là thức ăn lại cao hơn Indonesia tới 15%. Đó là bởi vì một hộ nuôi tôm đơn lẻ không bao giờ đàm phán được giá tốt với những người "khổng lồ" trong ngành sản xuất, cung cấp thức ăn chăn nuôi. Nhưng nếu chúng ta có một HTX với 100, 200 hộ nuôi tôm, có hiểu biết về luật pháp thì sẽ có lợi thế trong đàm phán kinh tế.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với mô hình nuôi cá tra khi thị trường đầu ra bị khống chế bởi một số công ty thủy sản lớn. Thông thường cá tra thu hoạch tốt nhất ở mức 1kg/con. Càng để lâu, sẽ càng mất giá trị và tiêu tốn nguyên liệu, công chăm sóc. Nhưng khi người nông dân sản xuất ra sản phẩm, các công ty bao tiêu không mua hoặc ép giá thì một nông dân đơn lẻ sẽ chịu thiệt hại. Câu chuyện sẽ rất khác nếu những người nuôi cá tra cùng bắt tay nhau trong một HTX làm việc hiệu quản, vì lợi ích của chính họ.
Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, muốn sản xuất thực sự theo yêu cầu thị trường, muốn hội nhập quốc tế và xuất khẩu thì các hộ kinh doanh cá thể cần có một khâu trung gian là HTX. Tuy nhiên, mô hình này phải đảm bảo không triệt tiêu sản xuất cá thể. Bản chất hợp tác là những người trực tiếp sản xuất được tạo điều kiện để liên kết với nhau. Ủy ban Trung ương MTTQ sẽ tiếp tục nghiên cứu để góp phần phát huy hơn nữa vai trò, lợi thế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, báo cáo Trung ương Đảng và các cơ quan chức năng, góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, chuẩn bị sơ kết việcthực hiện Kết luận 56-KL/TW để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.