|
Mô hình trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Lê Đình Huởng xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thuỷ là một điển hình về phát triển kinh tế trang trại. |
Thực tế những năm qua cho thấy, các mô hình KTTT đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đẩy nhanh tiến độ xoá đói, giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu. Đặc biệt, cũng chính nhờ phát triển mô hình KTTT đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu nhập cho nông dân, từng bước thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Mô hình KTTT của gia đình ông Lê Đình Hưởng, xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thuỷ là một trong những điển hình. Với quyết tâm vượt khó vươn lên, sau 8 năm gây dựng, đến nay mô hình trang trại của ông Hưởng đã có quy mô khá lớn và mang lại hiệu quả khá. Với 2.000 con lợn thịt/năm; 200 lợn nái đẻ, gà thả vườn 1.000 con/năm; hệ thống ao cá với diện tích 20.000m2; 500 gốc cây ăn quả, doanh thu bình quân của trang trại ông Huởng hàng năm đạt trên 8 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Trang trại phát triển đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập 4- 5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Từ nguồn lợi nhuận thu được hàng năm, ông Hưởng đã đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, ông đã không ngừng học hỏi để áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt, coi trọng việc phòng trừ dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình khép kín nên đã hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tùy từng lĩnh vực, từng địa bàn khác nhau, việc đầu tư và lợi nhuận thu lại cũng khác nhau. Các trang trại biết phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng đất đai, lao động huy động vốn trong dân đầu tư phát triển kinh tế trong khu vực nông thôn. Những mô hình trang trại đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và bà con trong khu vực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc hình thành nhiều mô hình trang trại góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, thu hút lao động và tạo ra nhiều hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế cao.Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: “Đến nay toàn huyện cũng đã xây dựng mới được 16 mô hình kinh tế trang trại. Trong đó, có 9 trang trại tổng hợp và 7 trang trại chăn nuôi. Hàng năm, mỗi trang trại trên địa bàn huyện cho doanh thu trung bình đạt trên 700 triệu đồng, thường xuyên giải quyết việc làm cho 5 lao động/trang trại. Khuyến khích hộ nông dân xây dựng các trang trại, hướng ngành chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, UBND huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý giúp các hộ dân thuận tiện trong việc làm hồ sơ, thủ tục đăng ký xác nhận quy mô trang trại, gia trại, cũng như nguồn vốn vay, chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn giúp đỡ hộ chăn nuôi về tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi và biện pháp phòng trừ dịch bệnh”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, sự phát triển của KTTT đã góp phần không nhỏ vào quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của các trang trại còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tục giao đất, cấp đất cho chủ các trang trại khi đã có đề án sản xuất kinh doanh được thẩm định còn chậm, gây cản trở đến quá trình đầu tư, phát triển trang trại mới. Trong khi đó, các trang trại, gia trại phần lớn nằm xen lẫn trong các khu dân cư nên rất cần có sự quan tâm từ các cấp chính quyền trong việc di dời, quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Một hạn chế trong phát triển kinh tế trang trại hiện nay là trình độ quản lý của các chủ trang trại nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa qua đào tạo, tập huấn, chủ yếu điều hành sản xuất theo kinh nghiệm. Khả năng tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm của nhiều chủ trang trại còn hạn chế. Để KTTT tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh cần có những chủ trương, chính sách nhằm giúp loại hình kinh tế này phát triển nhanh và hiệu quả. Cụ thể như về đất đai, trên cơ sở quy hoạch chung của từng địa phương, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nhân dân các vùng có lợi thế phát triển KTTT. Cải tiến thủ tục cấp đất, giao đất, cho thuê đất. Có chính sách di dời các trang trại cũ xen lẫn khu dân cư và các trang trại thành lập mới đến nơi quy hoạch tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Mở rộng đối tượng cho vay vốn, nâng mức vay cho các hộ nông dân, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho loại hình KTTT, hỗ trợ đào tạo, tập huấn về quản lý, áp dụng tiến bộ KHKT cho các chủ trang trại, để mô hình KTTT phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM .