Phú Thọ hiện có trên 70 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, chia thành 4 nhóm chính: Chế biến, bảo quản nông lâm sản; thủ công mỹ nghệ; xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và cây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh.
Phú Thọ là tỉnh có sự đa dạng, phong phú về làng nghề. Từ những làng có nghề nón lá, mây tre đan, chế biến chè, làm mộc... đã hình thành nên những làng nghề đầu tiên được UBND tỉnh công nhận năm 2004 là làng đan lát Ngô Xá, làng nón Sai Nga - Cẩm Khê; làng mây tre đan Đỗ Xuyên - Thanh Ba; làng mộc Minh Đức - Tam Nông; làng sản xuất chế biến chè Vân, xã Tây Cốc - Đoan Hùng... Đây đều là các làng nghề lâu đời, có làng đã truyền nghề theo hình thức “cha truyền con nối” đến hơn một thế kỷ.
Tuy nhiên, do thị hiếu và nhu cầu khách hàng thay đổi trong khi đa số sản phẩm các làng nghề vẫn theo mẫu mã cũ, ít được cải tiến, sáng tạo nên các sản phẩm truyền thống chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, chưa khẳng định được thương hiệu làng nghề. Hơn nữa, các sản phẩm như chúm tôm, rổ rá, nón lá, phên cót… rất khó tạo thương hiệu bởi thị trường hẹp lại dễ bị làm nhái.
Được công nhận năm 2004, sản phẩm chính của làng mộc Minh Đức - xã Thanh Uyên (Tam Nông) chủ yếu là đồ mộc gia dụng như tủ, bàn ghế, giường, cửa... có chạm hoặc không chạm, sử dụng nguyên liệu là các loại gỗ vườn và gỗ rừng trồng như keo, mít, bạch đàn... Ông Nguyễn Ngọc Chúc - đại diện làng nghề bày tỏ: Nửa thế kỷ làm mộc nhưng so với sản phẩm các làng mộc có thương hiệu như Đồng Kỵ - Bắc Ninh, Vạn Điểm - Hà Nội thì mức độ tinh xảo của mộc Minh Đức, nhất là kỹ thuật chạm, xử lý bề mặt còn phải học hỏi nhiều. Tuy chúng tôi đã chủ động cải tiến mẫu mã, song đa số mới làm theo đơn hàng trong tỉnh và tỉnh phụ cận trong khi thị trường xuất khẩu lại đòi hỏi chất lượng và mẫu mã phong phú. Đây cũng là lý do khiến giá đồ mộc Minh Đức bán ra chỉ bằng 80% so với sản phẩm cùng loại của các làng mộc nổi tiếng.
Làng nghề tương Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.
Trong số hơn 70 làng nghề hiện nay, nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm chiếm tới hơn 50%. Tuy nhiên, nhóm này lại chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, chưa khẳng định được thương hiệu… Lý giải điều này, ông Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết: Đến hết tháng 11/2018, toàn tỉnh mới có trên 10 làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm khoảng 10% tổng làng nghề hiện có. Đa số nhãn hiệu hàng hóa đăng ký tập trung ở nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản như Tương Dục Mỹ, Rắn Tứ Xã ở huyện Lâm Thao; Cá chép đỏ Thủy Trầm - huyện Cẩm Khê; Rau an toàn Tân Đức - thành phố Việt Trì…
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao bày tỏ: Nhiều làng nghề không mặn mà với việc xây dựng thương hiệu bởi họ ngại thay đổi. Trong khi phương thức sản xuất thủ công, phần nhiều là kinh doanh theo lối riêng rẽ, thiếu sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề, giữa các làng nghề với nhau, rất ít làng nghề có đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài và đại diện pháp lý cho làng nghề. Vì thế, để các làng nghề phát triển bền vững, trước tiên cần loại bỏ tư tưởng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”!.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng phòng quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ khẳng định: Để các làng nghề phát triển bền vững, tạo được thương hiệu cần làm được 5 yếu tố, đó là tạo ra sản phẩm chất lượng, có tính đặc thù riêng, có thị trường tiêu thụ rộng, chiếm được lòng tin khách hàng và phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ!
Từ 5 tiêu chí cho thấy, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề rất cần sự phối hợp giữa các cấp, ngành nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó tập trung vào nhu cầu cấp bách như bảo tồn nghề truyền thống qua việc mở các lớp học, tạo điều kiện để các nghệ nhân trực tiếp mở lớp truyền nghề, đào tạo lao động có tay nghề nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng; tiếp tục nghiên cứu cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, chuyển giao công nghệ mới để tạo đặc trưng riêng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường xử lý chất thải, vệ sinh môi trường làng nghề qua cơ chế khuyến khích phát triển sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh. Để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, cần tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại như đưa sản phẩm tham dự triển lãm, hội chợ; quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Điều cuối cùng và cũng là điều các làng nghề trong tỉnh chưa chú trọng chính là việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ - đây cũng là yếu tố quan trọng các làng nghề cần quan tâm khi mà việc vi phạm bản quyền, làm nhái sản phẩm đang trở thành vấn nạn hiện nay.
Sự liên kết phối hợp tốt vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vừa để du lịch trở thành cầu nối ngắn nhất đưa các sản phẩm truyền thống vào thị trường trong nước và quốc tế, quảng bá hình ảnh và văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng kỹ thuật; chú trọng trao đổi, sử dụng hàng hóa giữa các làng nghề; coi trọng đào tạo, công nhận, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, có tay nghề cao kết hợp đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, truyền nghề, khởi sự doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở sản xuất làng nghề.
Bài và ảnh Việt Hà