Làng nghề sản xuất và chế biến nông lâm sản Công Nông: Trên đà phát triển
Làng sản xuất và chế biến nông lâm sản Công Nông được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào tháng 1/2012. Từ đó cho đến nay, làng nghề phát triển mạnh mẽ, được coi là điểm sáng thể hiện hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Vinh bên dây chuyền sản xuất chè khô của gia đình

 

Được sự chỉ dẫn tận tình của những người dân trong xã Hương Xạ, đi qua một quãng đường dài quanh co, gồ ghề, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Ngọc Vinh - Trưởng Làng nghề sản xuất và chế biến nông lâm sản Công Nông. Điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ của gia đình ông. Theo lời ông Vinh tâm sự: "Có được cơ ngơi như bây giờ cũng chính là nhờ xưởng chè của gia đình mà ra đấy”.

 

Được biết, gia đình ông Vinh đã làm nghề chè gần 10 năm trở lại đây, từ một xưởng chè quy mô nhỏ, tới nay gia đình đã thành lập công ty chuyên về sản xuất chè khô với quy mô lớn. Khi được hỏi về quá trình bắt đầu khởi nghiệp rồi đến thành lập công ty, ông Vinh cho biết thêm: "Mới đầu tôi chỉ có suy nghĩ mở xưởng chè để kinh doanh kiếm thêm thu nhập và tạo việc làm cho con cháu trong gia đình, trong khu. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm ăn khấm khá, đời sống kinh tế gia đình nâng lên, tôi thấy cần phải đầu tư phát triển quy mô lớn hơn nữa. Tháng 1/2011 tôi đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Trung chuyên về sản xuất chè. Từ đó cho tới nay công ty đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động với mức lương bình quân là 3,5 triệu đồng/tháng/người; tổng doanh thu hằng năm của công ty vào khoảng 20 tỷ đồng, tương đương với 1.000 tấn chè/năm, lãi suất trên dưới 1 tỷ đồng (xưởng chè với dây chuyền tự động 90%). Hiện nay, công ty sản xuất các loại chè đa dạng như: chè trung du, chè cành PH1, chè lai 1, chè lai 2 được tiêu thụ chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Yên Bái. Giá thành các loại chè khô dao động từ 20.000 đồng - 22.500 đồng/kg".

 

Vào khoảng 4 - 5 năm trước, trên địa bàn xã Hương Xạ chỉ có một số hộ gia đình phát triển kinh tế nhỏ lẻ, manh mún. Toàn xã có 1 xưởng chè, 2 xưởng chế biến gỗ bóc. Vào thời điểm đó, hầu hết các xưởng chè, xưởng gỗ bóc của xã đều gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là về vốn kinh doanh. Được sự tạo kiều kiện giúp đỡ của xã, huyện và Trung tâm Khuyến công tỉnh cho vay vốn kinh doanh, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân, tới nay làng nghề đã có 1 xưởng chè đen, 10 xưởng nhỏ sản xuất chè xanh, 3 xưởng chế biến gỗ bóc và 4 xưởng nhỏ sản xuất đồ mộc, đồ ngang, sản xuất các đồ gia dụng. Số lượng nhân công đều là người trong xã với tổng số gần 150 lao động.

 

Hiện nay, một số hộ gia đình có xưởng chè, xưởng gỗ bóc trong làng nghề đều sản xuất, kinh doanh ổn định, vươn lên làm giàu như: Xưởng chè nhà anh Hạnh, xưởng gỗ bóc nhà ông Hòa, ông Hổ, ông Quyết hằng năm cho thu nhập trên dưới 500 triệu đồng".

 

Theo chân ông trưởng làng nghề, chúng tôi đã có mặt tại xưởng gỗ bóc của gia đình ông Ngô Quang Hòa, một hộ có xưởng gỗ bóc quy mô lớn đem lại thu nhập cao của xã. Ông Hòa chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào mở xưởng gỗ bóc, được sự giúp đỡ và hỗ trợ về vốn của địa phương cùng với sự tìm tòi, học hỏi của bản thân nên chỉ một thời gian ngắn đi vào sản xuất, cơ sở của gia đình tôi đã có uy tín trên thị trường, luôn đảm bảo việc làm cho 5 – 6 lao động với mức lương trung bình khoảng 3,5triệu/tháng/người. Doanh thu cả năm thu về của xưởng đạt xấp xỉ khoảng 400 – 500 triệu đồng, tùy theo thời vụ. Sản phẩm của cơ sở chúng tôi chủ yếu xuất đi Trung Quốc với giá thành trên 2 triệu đồng/khối ván”.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Xạ cho biết: "Trong những năm vừa qua, Làng nghề sản xuất và chế biến nông lâm sản Công Nông đã và đang có hướng đi mới, đưa kinh tế địa phương phát triển một cách bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng; đồng thời tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hầu hết người dân trên địa bàn xã. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, chú trọng đẩy mạnh, ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống trên địa bàn”.

 

Có thể nói, Làng nghề sản xuất và chế biến nông lâm sản Công Nông đang từng bước phát triển một cách toàn diện, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi đói nghèo trong toàn xã. Hi vọng một ngày không xa, các sản phẩm của Làng nghề sản xuất và chế biến nông lâm sản Công Nông sẽ có thương hiệu trên thị trường.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website