Hiện nay trong tổng số 52 làng nghề của tỉnh được công nhận, huyện Tam Nông chỉ có 2 làng nghề, đó là làng mộc Minh Đức xã Thanh Uyên được công nhận năm 2004, làng đan lát làng Bắc xã Hiền Quan được công nhận năm 2011.
Trăn trở trước thực trạng ngành nghề nông thôn kém phát triển, chưa khai
thác hết tiềm năng, lợi thế về lao động, đất đai, ngành nghề TTCN và
nhất là từ sau khi sản phẩm nhựa sơn đỏ Tam Nông được đăng ký nhãn hiệu
sản phẩm, những năm qua huyện Tam Nông đã xây dựng kế hoạch phát triển
làng nghề giai đoạn 2011-2015, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2015 toàn
huyện sẽ có thêm 5 làng nghề mới được công nhận. Để thực hiện mục tiêu
trên, các địa phương trong huyện đã khuyến khích các hộ duy trì phát
triển nghề thủ công truyền thống, tập trung xây dựng làng nghề, làng có
nghề nhằm giải quyết tốt nhu cầu việc làm và tăng thu nhập cho người lao
động. Qua khảo sát đánh giá thực trạng ngành nghề khu vực nông thôn,
huyện chủ trương khai thác thế mạnh về cây sơn và nghề trồng sơn ở các
xã Thọ Văn, Dị Nậu, Văn Lương, Xuân Quang làm hạt nhân xây dựng làng
nghề vì thực tế những xã này có diện tích sơn tương đối lớn, với khoảng
gần 500 ha, chiếm 90% diện tích sơn của toàn huyện, có 40-60% số hộ dân
tham gia làm nghề. Trao đổi với chúng tôi, anh Kiều Quốc Phong- Phó
phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tam Nông cho biết: Bám sát mục tiêu
đề ra, các xã: Xuân Quang, Thọ Xuyên, Dị Nậu, Văn Lương đã xây dựng và
thực hiện kế hoạch phát triển làng nghề, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng
làng nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích người dân tham
gia phát triển nghề. Đến nay 4 xã nói trên đã cơ bản thực hiện xong các
thủ tục đăng ký đề nghị công nhận làng nghề, ngay trong tháng 11 đã được
Chi cục Phát triển nông thôn về khảo sát, đánh giá thực tế tình hình.
Thuận lợi hiện nay là giá sản phẩm sơn nhựa Tam Nông tương đối ổn định ở
mức từ 260.000-300.000 đồng/1kg, sản phẩm tiêu thụ tốt, không bị ứ
đọng.
Chúng tôi về Dị Nậu- một xã vốn có nghề truyền thống trồng và cắt sơn,
ông Phạm Ngọc Thái- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nghề trồng sơn ở Dị Nậu
đã có từ nhiều đời nay, thu hút được nhiều lao động ở nhiều lứa tuổi
tham gia, sản phẩm dễ thu hoạch, dễ bảo quản, có giá trị hàng hóa cao.
Thời kỳ cao điểm thương lái về tận xã thu mua với mức giá
320.000-330.000 đồng/kg, hiện nay tuy giá nhựa sơn đã giảm xuống dưới
300.000đồng/kg nhưng người trồng sơn vẫn có lãi. Toàn xã có khoảng 150
ha sơn, gần 400 hộ tham gia làm nghề, thu hút tạo việc làm cho gần 500
lao động. Doanh thu của làng nghề năm 2012 đạt 16,6 tỷ đồng chiếm gần
70% tổng doanh thu của làng. Thu nhập từ nghề đạt 6,5 tỷ đồng chiếm xấp
xỉ 60% tổng thu nhập của làng.
Cũng như ở Dị Nậu, xã Thọ Văn đang nỗ lực xây dựng làng nghề sản xuất
nhựa sơn ta Thọ Xuyên trên cơ sở nghề trồng và chế biến sơn có từ lâu
đời. Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đặt quyết tâm giữ vững và phát
triển nghề sản xuất sơn ta, hàng năm phấn đấu nâng diện tích trồng sơn
từ 15-30%. Toàn xã hiện có 3.748 khẩu/920 hộ, trong đó làng Thọ Xuyên có
2.848 khẩu/694 hộ, ngoài nguồn thu chính là sản xuất nông nghiệp và
chăn nuôi, các hộ dân trong làng tích cực tham gia sản xuất nhựa sơn ta.
Tổng số hộ tham gia làm nghề của làng hiện là 265 hộ, doanh thu năm
2012 đạt 20 tỷ đồng, đạt 66,8% tổng doanh thu của làng; thu nhập từ nghề
đạt 7,3 tỷ đồng, đạt 67% tổng thu nhập của làng.
Mặc dù đến nay các xã: Thọ Văn, Dị Nậu, Văn Lương, Xuân Quang đang nỗ
lực phát triển nghề và xây dựng làng nghề nhằm đáp ứng các tiêu chí đề
ra nhưng thực tế vẫn còn rất khó khăn. Phản ánh những khó khăn thực tế,
ông Phó trưởng Phòng NN & PTNT huyện nói: “Khó khăn lớn nhất hiện
nay chính là kinh phí hỗ trợ đầu tư cho xây dựng và phát triển làng
nghề, thứ hai là giữ vững được chất lượng thương hiệu sản phẩm nhựa sơn
Tam Nông. Thực tế nghề trồng sơn ở nhiều địa phương vẫn mang tính tự
phát là chủ yếu, sản phẩm thô không qua chế biến... tiềm ẩn những nguy
cơ phát triển thiếu bền vững. Nhiều khi giá cả không ổn định, có những
thời điểm giá nhựa sơn đẩy lên cao dẫn đến tâm lý chạy theo lợi nhuận
khiến một số diện tích sơn bị tận thu, ảnh hưởng đến quá trình sinh
trưởng của cây và chất lượng sản phẩm”.
Như vậy đến thời điểm này, việc phát triển làng nghề ở Tam Nông nói
chung và việc xây dựng các làng nghề trồng và chế biến sơn nói riêng,
đang được các cấp chính quyền huyện Tam Nông quan tâm, chỉ đạo thực hiện
nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Song việc phát triển như thế nào, có
bền vững hay không vẫn đang là ẩn số!
Mai Phương