Vai trò cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

       Thấy tôi ngỡ ngàng, ông giải thích luôn: Đó là nhờ dịch vụ nông nghiệp phát triển, nhất là cơ giới hoá đảm bảo hết các khâu làm đất, gieo sạ, ra thóc, vận chuyển… người làm ruộng chỉ còn nghiệm thu, phơi phóng. Còn ông Chủ tịch xã Kinh Kệ cũng ở Lâm Thao thì bảo: Xã tôi bây giờ người làm ruộng mùa cày, mùa cấy chả lo gì làm đất, hôm nào gieo sạ hay cấy cứ ra đồng là ruộng đã được cày bừa sẵn, thậm chí ai làm đất cũng chả biết, chỉ đến khi họ đến bảo thanh toán mới biết. Không riêng gì những xã vùng trọng điểm lúa Lâm Thao mà bây giờ, nhờ chương trình cơ giới hoá trong nông nghiệp, những chiếc máy cày, máy bừa, máy bơm nước, tuốt lúa đã khá thân thuộc trên đồng ruộng.

   Thực hiện chủ trương đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ ở xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) đã sử dụng máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa, giảm công sức lao động của người nông dân. Ảnh: PHƯƠNG THANH
Thực hiện chủ trương đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ ở xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) đã sử dụng máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa, giảm công sức lao động của người nông dân.
Ảnh: PHƯƠNG THANH

       Sau những năm đỉnh cao giai đoạn từ 1976 đến 1980, khi triển khai thực hiện “Khoán 100” rồi “khoán 10” chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp sụt giảm hẳn. Suốt những năm 1990-2010 cơ giới phục vụ nông nghiệp chỉ dừng lại ở  máy bơm nước, vài chiếc công nông đầu ngang chuyên chở phân gio, lúa gặt ở  quy mô hộ, nhỏ lẻ. Phải đến cách nay 6-7 năm  khi triển khai chương trình nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 26, việc cơ giới hóa mới hồi sinh trở lại. Bắt đầu từ máy bơm nước, máy làm đất, tuốt lúa nhỏ, dần dà đến đủ loại máy cày, máy bừa, rồi máy hái chè, phun thuốc sâu... Bây giờ máy móc đã trở thành công cụ phục vụ đắc lực khi lao động nông thôn ngày một ít đi, yêu cầu thời vụ gay gắt hơn.

       Đồng chí Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Cách đây 8-10 năm trong nông thôn số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm từ 70-80%; ngay một số hộ có thu nhập chính từ dịch vụ buôn bán, ngành nghề vẫn tham gia làm ruộng. Nhưng bây giờ số lao động đích thực làm nông nghiệp chỉ ở mức 40-50% tổng số lao động nông thôn, một số xã thậm chí còn không đến 30%. Nguyên nhân do lao động trẻ, thoát ly ra ngoài tìm kiếm việc làm, thu nhập cao hơn, các lao động ở lại nông thôn cũng tìm việc làm khác có thu nhập khá nên dần bỏ ruộng. Trong khi lao động nông thôn sụt giảm, thì áp lực thời vụ càng gay gắt hơn. Hầu hết ruộng đất sản xuất 3-4 vụ, thời gian đất “nghỉ” rất ít. Có vụ do ảnh hưởng thời tiết, thời gian từ khi thu hoạch lúa xuân đến cấy lúa mùa không đến một tháng, thậm chí vụ đông từ khi gặt mùa đến trồng ngô, đỗ, đậu… thời gian tính bằng ngày nên đòi hỏi cơ giới hóa các khâu sản xuất là rất cao. Nếu không có hỗ trợ dịch vụ cơ giới thì khó đảm bảo mùa, vụ, làm hết diện tích, đặc biệt giải quyết thu nhập nông thôn. Để làm ruộng thủ công một lao động chỉ có thể quay vòng  được 4-5 sào, lúc vào mùa vụ cấy, gặt còn phải huy động hỗ trợ thêm, nhưng có cơ giới, một lao động sản xuất một vài ha, thậm chí hàng chục ha là bình thường. Ngay như trong khâu thu hoạch chè, một máy hái có thể thay thế vài chục lao động thủ công. Từ yếu tố tất yếu này nên 6-7 năm nay, ngành nông nghiệp và PTNT đã tập trung triển khai chương trình cơ giới hóa nông nghiệp.
 
       Đây là chương trình quy mô rộng với nhiều hình thức, chủ yếu hỗ trợ để nông dân mua sắm máy làm đất, máy gặt, máy bơm nước, máy phun thuốc sâu các loại tùy theo quy mô, loại hình sản xuất. Thấy được lợi ích trong cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, nhiều xã không chỉ khuyến khích, hỗ trợ mà còn đẩy mạnh dồn đổi ruộng đất tạo cơ hội đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, chuyên môn hóa trong sản xuất. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để mua sắm thêm các loại máy móc làm dịch vụ nông thôn. Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp, chỉ tính từ 2010 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 800 máy nông nghiệp các loại gồm máy làm đất, máy vò lúa, máy sao, sấy chè, đốn chè, chế biến thức ăn thủy sản… Cùng với các máy móc do các chương trình khác hỗ trợ, nông dân tự mua sắm, đến nay số máy móc nông nghiệp đã lên tới hàng vạn chiếc các loại, phục vụ đắc lực cho sản xuất. Hầu hết các khâu lao động nặng nhọc như cày, bừa, vận chuyển tuốt, vò, bơm nước... đã được cơ giới hóa. Số liệu điều tra tổng hợp chung toàn tỉnh gần đây cho thấy, ở lĩnh vực  sản xuất lúa, khâu làm đất đã cơ giới hóa 80%, khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh 43%, khâu thu hoạch 20%, khâu vận chuyển 50%; sản xuất chè thu hoạch đạt gần 60%, sao sấy đạt 95%, vận chuyển 60%; sản xuất lâm nghiệp tỷ lệ cơ giới hóa đạt 42%. Tỷ lệ cơ giới hóa chung  ở nhiều xã đồng bằng đạt tỷ lệ 70-80%, các xã miền núi đạt 45-60%...

Nhờ đầu tư máy móc, chế biến lâm sản đã ngày càng phát triển. - Xưởng chế biến gỗ ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn.
Nhờ đầu tư máy móc, chế biến lâm sản đã ngày càng phát triển.
- Xưởng chế biến gỗ ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn.

       Nhờ đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa nông nghiệp mà nhiều năm nay, dù lao động nông thôn sụt giảm nhưng giá trị, sản lượng nông nghiệp vẫn tăng. Từ 2010 đến nay giá trị chung toàn ngành tăng bình quân gần 5,5%, thu nhập bình quân trên một ha gieo trồng tăng từ 65 lên 88 triệu đồng; sản lượng lương thực duy trì 46-47 vạn tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2014 cao hơn năm 2011 trên 39 ngàn tấn (tương đương 30%), có gần chục xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới…

       Tuy đã đạt được những kết quả rất quan trọng, song chương trình cơ giới hóa nông nghiệp đang gặp phải trở ngại rất lớn từ đồng ruộng. Ngoài khó khăn địa bàn miền núi, nhiều diện tích đất lầy thụt, bình độ cập lệch còn là quy mô ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay số xã có bình quân dưới 5 ô thửa/hộ, quy mô diện tích vài trăm m2 thửa rất ít; chủ yếu vẫn trên dưới chục ô thửa/hộ, quy mô  diện tích dưới vài trăm m2/ô thửa, thậm chí nhiều ô thửa chỉ có vài chục m2. Cùng với đó trình độ, nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nông thôn không đồng đều càng gây khó khăn cho hoạt động máy móc. Một vấn đề nữa là dịch vụ bảo dưỡng, tu sửa máy móc cơ giới nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư, ảnh hưởng hiệu quả quản lý, sử dụng máy cơ giới nông nghiệp, nông thôn.

       Để phát huy hết khả năng chương trình cơ giới hóa, thời gian tới đây cần đẩy mạnh  dồn đổi ruộng đất, sắp xếp lại đồng ruộng theo hướng chuyên canh. Đây không chỉ để đáp ứng cho yêu cầu máy móc hoạt động mà còn là nhu cầu tất yếu phát triển nông nghiệp hiện đại, góp phần CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. 

Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website