Huyện biên giới đầu tiên cả nước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

Giàu nhờ trồng cây ăn quả có múi

Mục tiêu cuối cùng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) hướng đến là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Mục tiêu này “chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc” – đúng như tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Những đồi cam đem lại tiền trăm, bạc tỷ cho người dân huyện miền núi Vũ Quang. Ảnh: Thanh Nga.

Với khí thế hừng hực của một huyện “sinh sau đẻ muộn”, một thập kỷ qua, ngoài chắt góp nguồn lực, huy động sức dân thực hiện các tiêu chí tốn nhiều tiền của, huyện miền núi biên giới Vũ Quang mạnh dạn ban hành các cơ chế, nguồn lực tạo “đòn bẩy” để người dân có vốn đầu tư, phát triển cây ăn quả có múi và chăn nuôi lợn quy mô trang trại, gia trại.

Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có 3.600 ha cây ăn quả (chiếm 20,9% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh); có 16 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung liên kết với doanh nghiệp quy mô từ 600 - 2.400 con/lứa. Kinh tế phát triển đã đưa thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 39,68 triệu đồng/người/năm (tăng 4,3 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,64% (giảm 41,21% so với năm 2010).

Ông Bùi Khắc Bằng, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang chia sẻ, trong tổng số hơn 64.000 ha đất tự nhiên toàn huyện thì có tới hơn 80% diện tích là vườn đồi, rừng, đất lâm nghiệp, rất phù hợp phát triển cây ăn quả có múi. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, ngoài triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của tỉnh, những năm gần đây Vũ Quang “mạnh tay” dành hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân mua cây giống, máy móc phục vụ tưới tiêu, tiếp cận tiến bộ KHKT vào phát triển kinh tế vườn đồi.

“Hiện toàn bộ 10 xã, thị trấn trong huyện đều có nguồn thu lớn từ cam. Điển hình là các xã: Đức Lĩnh thu khoảng 180 tỷ đồng/năm; Thọ Điền khoảng 100 tỷ đồng/năm; Đức Hương trên 91 tỷ đồng/năm; Hương Minh khoảng 48 tỷ đồng/năm… Nguồn thu này không chỉ giúp các địa phương có thêm nguồn lực phát triển KT - XH mà còn góp phần quan trọng ổn định sinh kế, giúp dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, ông Bằng nói.

Cam chanh Vũ Quang đã vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn như TP Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng... Ảnh: Thanh Nga.

Đầu tháng 11 đến giữa tháng 12 âm lịch là thời điểm chính vụ thu hoạch cam của người dân Vũ Quang. Nhiều nhà vườn “canh” một số diện tích chín muộn để dịp Tết Nguyên đán… hốt bạc. Nói không ngoa, nhờ cây cam mà hàng nghìn hộ dân ở Vũ Quang xây được nhà lầu, mua được xe hơi.

Bà Trần Thị Hạnh, thôn Hương Giang, xã Đức Hương phấn khởi cho biết, sau gần 9 năm phá bỏ vườn tạp để trồng cam hàng hóa, đến nay, hơn 6 ha cam của gia đình bà đã cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển kinh tế vườn, gia đình mới thoát khỏi hộ nghèo, kinh tế ổn định.

Năm nay do thời tiết bất thuận cộng với xuất hiện một số loại sâu bệnh phá hoại nên vườn cam của anh Đoàn Quốc Bảo, thôn 1, xã Quang Thọ rụng khá nhiều. Tuy nhiên, giá bán năm nay khá cao nên cũng bù lại được phần năng suất bị thiệt hại.

“Bình quân giá cam tại vườn giao động từ 40.000 – 45.000đ/kg, tăng 10.000đ/kg so với năm 2019. Tính sơ sơ 600 gốc cam đã cho thu hoạch của gia đình ước thu trên 300 triệu đồng”, anh Bảo nhẩm tính. Đồng thời cho biết, một vài năm tới khi 4 ha cam còn lại cho thu hoạch, chắc chắn mỗi năm gia đình anh sẽ thu tiền tỷ từ loài cây ăn quả này.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Vũ Quang, toàn huyện hiện có khoảng 2.540 ha cam các loại, trong đó có 1.800 ha đã cho quả; sản lượng đạt hơn 15 nghìn tấn (giảm 15% so với năm 2019). Tuy nhiên, giá cam năm nay tăng mạnh nên doanh thu toàn huyện ước đạt gần 500 tỷ đồng.

Thời gian tới Vũ Quang hạn chế mở rộng diện tích, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua mô hình VietGAP, OCOP. Ảnh: Thanh Nga.

Để tránh tình trạng cung vượt cầu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cam Vũ Quang, thời gian tới địa phương này hạn chế mở rộng diện tích; chú trọng hình thành các vùng cây ăn quả tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP; hình thành thêm các sản phẩm OCOP; phấn đấu đến năm 2025 có 1.490 ha cam đạt chuẩn VietGAP, 20 sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên; có thêm hơn 750 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 300 triệu - 1 tỷ đồng/năm…

Đề nghị công nhận đạt chuẩn 

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong một thập kỷ qua, đến thời điểm này 100% số xã trên địa bàn huyện Vũ Quang được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đến cuối năm 2020, Vũ Quang đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Ảnh: Gia Hưng.

Ngày 13/1/2021, 100% thành viên BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và OCOP tỉnh Hà Tĩnh đã bỏ phiếu đề nghị Trung ương công nhận huyện Vũ Quang đạt chuẩn NTM.

Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế và thẩm định hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của huyện Vũ Quang trong lộ trình xây dựng NTM.

Theo ông Tiến, khởi động Chương trình, Vũ Quang thuộc top huyện xuất phát thấp khu vực miền núi nhưng đã nỗ lực bằng nhiều cách làm sáng tạo, biết khơi dậy sức dân trong quá trình triển khai các tiêu chí NTM, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bộ mặt nông thôn thực sự khởi sắc, kinh tế phát triển, nhiều khu dân cư sáng, xanh, sạch đẹp từng bước được nhân rộng.

“Đây chính là huyện miền núi biên giới đầu tiên cả nước hoàn thành các tiêu chí huyện NTM để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Vì vậy, để đảm bảo tính bền vững, về lâu dài Vũ Quang cần tổ chức phát triển sản xuất theo chuỗi, thu hút doanh nghiệp vào chế biến sâu các loại nông sản, trái cây; khai thác tiềm năng lợi thế về đồi rừng, hồ Ngàn Trươi để phát triển du lịch sinh thái…”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và OCOP tỉnh Hà Tĩnh đã bỏ phiếu đề nghị Trung ương công nhận huyện Vũ Quang đạt chuẩn NTM. Ảnh: Gia Hưng.

Trong 10 năm qua, Vũ Quang đã huy động các nguồn lực hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức, cá nhân, con em xa quê hỗ trợ hơn gần 60 tỷ; Nhân dân đóng góp hơn 724 tỷ đồng hoàn thiện kết cấu hạ tầng văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất. Những con số đó đã khẳng định, Chương trình mục MTQG xây dựng NTM thực sự là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và được Nhân dân đồng thuận, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

                                                                                                  Thanh Nga (Nguồn: nongnghiep.vn)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website