Gia đình ông Ngô Văn Phát, xã Nam Hưng, Tiền Hải ủng hộ hơn 2 tỷ đồng cải tạo, mở rộng Đường Đê 5 cho quê hương.
Nhưng sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới (NTM), nay đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng, giảm sức người; Đường xá giao thương hội nhập, người dân không còn độc canh cây lúa, một số dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đã khởi sắc đưa lại nguồn thu mức sống của người dân năm sau cao hơn năm trước.
Đời sống người dân được nâng cao
Những năm trước nói về xã Thụy Duyên, Thái Thụy là nghĩ tới vùng đất nghèo khó về cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân thiếu thốn... Xã cách TP Thái Bình gần 20km, nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng lúa mà đất lại bạc màu, thêm nữa là vùng trũng thường xuyên gập lụt về mùa mưa, nên kinh tế toàn xã rất khó khăn. Nhưng nay, đời sống người dân đã được đổi mới toàn diện, kinh tế, văn hóa tinh thần được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang sạch đẹp. Sự đổi thay này là nhờ kết quả thực hiện chương trình quốc gia về NTM. Người dân tiếp tục tin tưởng và phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng, tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, góp phần tô thắm bức tranh Thái Bình thêm khang trang, trù phú.
Trụ sở làm việc của UBND xã Thụy Duyên, Thái Thụy khang trang, sạch đẹp.
Một trong những hộ gia đình ngày trước thuộc diện khó khăn của xã chồng bộ đội bị chất độc da cam, cả nhà bà Nguyễn Thị Dung, thôn Hậu Trữ, Thụy Duyên trông chờ vào hơn mẫu ruộng. Nhưng nay, cuộc sống gia đình đã khá lên nhiều nhà cửa được tu sửa xây mới khang trang, trong ngôi nhà hai tầng còn thơm mùi vôi mới, bà Dung tâm sự: “Nhà tôi cấy hơn một mẫu ruộng trước kia việc chăm sóc rất vất vả vì ruộng chia thành nhiều vị trí ở cách xa nhau. Nhưng nay nhờ dồn điền đổi thửa, hơn một mẫu ruộng ở 1 vị trí dễ chăm sóc, thu hoạch, mà đường bê tông sạch sẽ từ làng ra tới tận ruộng, nhiều công đoạn được cơ giới hóa. Tôi một mình vừa làm ruộng vừa đưa đón các cháu đi lớp. Nhà máy, công ty về tận làng, hai vợ chồng cậu con út đi làm công nhân gần nhà, lương tháng khá ổn từ 5-7 triệu/người.
Những tiến bộ đó giúp cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện hơn rất nhiều, đấy tủ lạnh, điều hòa, bàn ghế đẹp…là các con tôi sắm. Đời sống mỗi nhà khá hơn, bà con trong xóm vui vẻ, mọi thói quen sinh hoạt cũng thay đổi, sáng sáng gọi nhau dậy sớm đi thể dục ở sân nhà văn hóa thôn, và thay vì dùng nước ao sinh hoạt như trước kia thì giờ nước máy lắp tận nhà sức khỏe chúng tôi được nâng cao”.
Tâm sự của bà Dung cũng như nhiều người dân khác trong tỉnh, thật đúng như vậy nông thôn mới đã tạo cho tỉnh Thái Bình một diện mạo mới, một bức với nhiều màu sắc tươi tắn, đẹp đẽ.
Những đổi thay cho bộ mặt thôn xóm khang trang, thuận tiện đi lại và giao lưu phát triển kinh tế văn hóa xã hội làm cho người dân xa quê trở lại thăm gia đình thấy vui sướng, tự hào. Nên ai cũng muốn đóng góp thêm viên gạch, bao xi măng để cùng với chính quyền hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Hàng nghìn gia đình và con em xa quê, các chức sắc tôn giáo, nhiều cụ già tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn tích cực vận động con cháu ủng hộ hàng trăm triệu đồng như: gia đình ông Ngô Văn Phát, xã Nam Hưng, Tiền Hải trú quán tại thành phố Hải Phòng ủng hộ 12,88 tỷ đồng, gia đình ông Lê Anh Tuấn, xã Tây Phong, Tiền Hải ủng hộ 3 tỷ đồng.... Chỉ chưa đầy 6 tháng, trên 500.000 tấn xi măng hỗ trợ giai đoạn 1 đã được các xã đăng ký hết. Cơ chế hỗ trợ xi măng sau này được mở rộng áp dụng cho tất cả các xã, mở rộng ra một số công trình thuộc nhóm 2 với điều kiện không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Thúc đẩy sự phát triển toàn diện
Những con số sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về NTM thật sự ấn tượng. Toàn tỉnh đã huy động tổng nguồn lực xây dựng NTM (gồm: tiền mặt, ngày công, xi măng tỉnh hỗ trợ, hiến đất, tài sản...) ước đạt 22.236 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động được, tỉnh đã cứng hóa hơn 1.275 km kênh mương; xây dựng, nâng cấp hơn 3.780 km đường giao thông nội đồng và hơn 8.408 km đường trục xã, trục thôn, đường nhánh cấp 1 trục thôn, đường ngõ xóm; 207 trường THCS, tiểu học và mầm non; 1.069 nhà văn hóa xã, thôn; 180 trạm y tế; 247 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp trên 6.100 nhà ở cho người có công, người nghèo; 100% số xã được đấu nối, sử dụng nước sạch...
Sản xuất nông nghiệp, đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh, toàn tỉnh có 234 cánh đồng sản xuất tập trung với diện tích hơn 14.286 ha. Tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ; Nhiều giống cây, con mới có năng suất, chất lượng sản phẩm cao được nghiên cứu, để bà con đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ; hình thành các liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân xã Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất trên cánh đồng mẫu hơn 150 ha.
Nghề và làng nghề được duy trì, phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường. Thương mại, dịch vụ phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Do vậy, thu nhập của người dân nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của người dân đạt 13.55 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 9.91% thì hết năm 2018 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 40.776 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 còn 2.66%.
Đến nay, Thái Bình nằm trong danh sách 8 tỉnh thành trong cả nước hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đây thật sự là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh.
Từ kết quả của chương trình NTM góp phần vào thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có một số mục tiêu được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước nhưng đến nay mới thực hiện được. Điển hình là việc hình thành Khu kinh tế Thái Bình với quy mô gần 31.000ha, khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp gần 200ha; xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối khu vực ven biển của tỉnh với các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ…
Qua đó, tạo động lực mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của toàn tỉnh; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tăng trên 61% về lượng và gấp gần 2 lần về vốn đầu tư so với giai đoạn trước.
Trung tâm phân phối khí thuộc Khu CN huyện Tiền Hải. Huyện đang mở rộng KCN lên 466ha, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Dấu ấn in đậm trong mỗi người dân nơi đây về chặng đường xây dựng NTM là sự ra đời của Quyết định số 19 về việc hỗ trợ xi măng trả chậm xây dựng hạ tầng NTM của lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Theo đó, tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng còn người dân tự nguyện hiến đất, ngày công và tiền của để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, từ đó giảm áp lực cho ngân sách... Quyết định này, khơi dậy tính tự chủ, tự quyết, tự quản của người dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào sôi nổi khắp các làng quê trong tỉnh.
Rồi nhiều người vẫn nhắc đến những kỉ niệm đẹp khi xây dựng NTM như nhà nhà sẵn sàng hiến đất, người người tham gia đóng góp ngày công làm đường, hàng tấn xi măng để cả đêm ngày ngoài đường mà không cần ai trông giữ mà không bị thất thoát,…
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của tỉnh là minh chứng sinh động, chân thực về đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, là động lực mạnh mẽ để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân tiếp tục tin tưởng và phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng, tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, góp phần tô thắm bức tranh Thái Bình thêm khang trang, trù phú.
Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
“Trong giai đoạn 2011 - 2020, Thái Bình đã sử dụng hơn 12.872 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng NTM. Kinh phí này được phân bổ cho các nhóm tiêu chí, trong đó tập trung chủ yếu cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tổ chức, phát triển sản xuất; nhờ đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế. Qua thanh tra, kiểm tra không phát hiện sai phạm ở địa phương; Nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy tinh thần tự chủ trong nhân dân, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội chung tay xây dựng NTM”.
|