Theo chỉ đạo của tỉnh, từ nay đến cuối năm, các ngành, các địa phương tập trung hoàn thành việc lập đề án và triển khai tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, phát động toàn dân hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; đặc biệt lưu ý tập trung chỉ đạo đối với 70 xã điểm; mạnh dạn thay đổi các đơn vị tư vấn không đủ năng lực... Tỉnh phấn đấu trong năm 2011 có 30% số xã trở lên thực hiện xong và đến năm 2013 sẽ hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Thái Bình có hơn 100.000 ha đất canh tác nông nghiệp; trong đó hơn 80% đất 2 vụ lúa, còn lại là đất màu và các cây công nghiệp. Thực hiện Nghị quyết “Tam nông" và Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, tại Thái Bình đang diễn ra cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng. Đó là phong trào dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và cơ giới hóa nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 239/267 xã nông thôn đã triển khai thực hiện, trong đó có 15 xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Nhiều nơi như xã Minh Hồng (Hưng Hà) vùng sản xuất lúa chất lượng cao rộng tới 153 ha; xã Thanh Tân (Kiến Xương) vùng sản xuất đậu tương rộng hơn 100 ha; Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) có vùng trồng ớt xuất khẩu 52 ha...
Thái Bình đang quyết tâm đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trở thành tỉnh công - nông nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Theo đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020, các huyện, thành phố đã chọn 70 xã thực hiện điểm. Tổng kinh phí xây dựng các công trình theo quy hoạch được duyệt là 1.162 tỷ đồng, chưa kể vốn lưu động đầu tư cho sản xuất của hộ dân và các doanh nghiệp; trong đó, ngân sách Trung ương gần 300 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 500 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi 35 tỷ đồng, vốn ODA 244 tỷ đồng và vốn của dân đóng góp 84 tỷ đồng. UBND tỉnh đã quyết định phân bổ hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho xây dựng nông thôn mới và 41 tỷ đồng cứng hóa kênh mương cho các xã trong tỉnh.
Thái Bình hy vọng đến năm 2015 có ít nhất 30% số xã và đến 2020 tất cả các xã của tỉnh đạt đủ 19 tiêu chí, trở thành "tỉnh nông thôn mới" và là tỉnh công - nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Nguồn: nongthonmoi.gov.vn