Lối đi riêng trong xây dựng nông thôn mới


Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hơn 7 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp và nông thôn tỉnh Nghệ An đã có những bước tiến vượt bậc, đứng thứ 5 trong cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Nghệ An cũng là địa phương đạt kết quả cao về tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018 khi có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh lên 218 xã (chiếm 50,58% tổng số xã), bình quân đạt 14,6 tiêu chí/xã.

Với 3/4 diện tích của tỉnh là đồi núi hiểm trở, khoảng cách về địa lý không dễ dàng để sớm thực hiện thành công toàn diện Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là sự chênh về mật độ dân số giữa các địa phương, Nghệ An chủ động “chọn lối đi riêng” cho mình khi gắn công cuộc xây dựng nông thôn mới với phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào công nghệ cao.

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống hạ tầng phát triển mạnh mẽ, nhất là các vùng khó khăn; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân nông thôn được nâng lên đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là TP. Vinh, thị xã Thái Hòa và huyện Nam Đàn. “Đây là kết quả xây dựng nông thôn mới đột phá của Nghệ An.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 (tháng 6/2018), tại Nghệ An có 3 xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là: Sơn Thành (Yên Thành), Kim Liên (Nam Đàn) và Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Với những xã đã về đích nông thôn mới, tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí, đảm bảo giữ gìn môi trường, xây dựng văn hoá tiên tiến…

Đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương trong thời gian qua, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An cho biết, mặc dù đạt thành tích cao, đứng thứ 5 cả nước về xây dựng nông thôn mới và là một trong những địa phương có xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất cả nước, nhưng Nghệ An vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục. Đơn cử, vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới của 9 huyện đồng bằng trong tỉnh đạt 130/228 xã (57%), nhưng tại 11 huyện miền núi chỉ đạt 51/203 xã (25%)…

“Nghệ An chịu ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu, thiên tai với diễn biến cực đoan, khốc liệt. Để thích ứng, việc tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong việc xây dựng các mô hình kinh tế cần được chú trọng, đảm bảo chống chọi được thiên tai, phù hợp với thời tiết, mùa vụ, thị trường; đồng thời đảm bảo tính bền vững”, ông Đinh Viết Hồng nhấn mạnh.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng được Nghệ An đặt mục tiêu là đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế, nông sản bản địa, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, thông qua việc nghiên cứu, hình thành chiến lược sản xuất và xây dựng thương hiệu.

“Đây không chỉ là nhiệm vụ kinh tế đơn thuần, mà còn hướng tới mục tiêu mang tính bền vững là gìn giữ các giá trị truyền thống về hình thức sản xuất và các sản phẩm nông sản đặc thù của từng địa phương. Bởi, sự khác biệt giữa các địa phương trong xây dựng nông thôn mới chính là nét văn hóa riêng, cần trân trọng, duy trì thành nền tảng cho các lĩnh vực khác phát triển bền vững”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học về xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được của địa phương, các nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến trình xây dựng và hoàn thiện nông thôn mới ở Nghệ An. Đó là, chú trọng “chiều sâu, chất lượng, bền vững” trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị…

Tỉnh đang hướng tới thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2017 - 2020 và Đề án Huyện nông thôn mới kiểu mẫu Nam Đàn. Năm 2019, Nghệ An phấn đấu có thêm ít nhất 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Yên Thành).

“Xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng. Làm sạch đường phố, làm đẹp thôn quê, làm cho chính bản thân và gia đình mình no ấm là điều không mấy bà con nông dân từ chối”, ông Nguyễn Minh Đạt (trú xã Kim Liên, Nam Đàn) chia sẻ. 

Được sự đồng thuận của người dân, Nghệ An đã khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, sản xuất hiệu quả...; đẩy mạnh huy động lồng ghép các nguồn lực, đặc biệt là sức dân trong xây dựng nông thôn mới.

                                                                                           Nguồn: http://nongthonmoi.gov.vn/

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website