Nông thôn cần được coi là di sản, tài sản

Sáng 17/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

3 năm huy động hơn 1,7 triệu tỷ đồng

Chương trình Mục tiêu quốc gia quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn và cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu. Trên khắp cả nước có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020).

Đặc biệt trong giai đoạn này, tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy đa giá trị nông nghiệp, nông thôn được chú trọng phát triển. Đây chính là bước chuyển mình quan trọng trong chỉ đạo để giúp gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sáng 17/7. Ảnh: Quỳnh Chi.

Phát biểu Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chúc mừng các nỗ lực của Bộ, ngành và người dân trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định 3 năm chưa phải chặng đường dài, vẫn còn nhiều việc cần làm. 

Vì vậy, hội nghị ngày 17/7 là cơ hội để các ban, ngành xem những gì đã làm được và chưa làm được. Từ đó tìm giải pháp, đưa ra sáng kiến, mô hình cho địa phương làm. Mỗi lãnh đạo cần xác định lại hiệu quả của mục tiêu chương trình quốc gia, phát triển cần gắn kết với công tác bảo tồn văn hóa làng xã.

Báo cáo sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, cho biết, trong 3 năm đầu triển khai đã đạt được một số kết quả tích cực: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ, kế hoạch vốn đầu tư được giao cho các địa phương.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP 5 sao tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Chi.

Nhờ việc triển khai bài bản, toàn diện mà Chương trình đã vượt kế hoạch 3 năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tính riêng 3 năm gần đây, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng thực hiện Chương trình. 

Qua đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao nhất trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Ngoài ra, công tác phối hợp triển khai giữa Bộ NN-PTNT với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần hoàn thành 100% nhiệm vụ được đề ra bởi Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. 

Tuy vậy, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, trong đó kinh phí cho công tác lập các đồ án quy hoạch  khá lớn, nhất là đối với các xã trong việc lập quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn để đáp ứng yêu cầu thực hiện tiêu chí theo quy định của Trung ương. 

Đồng thời, chất lượng nhiều đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nông thôn và gắn với quá trình đô thị hoá.

Cùng với đó, mặc dù số xã đạt NTM tăng 11,3% so với cuối năm 2020 nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Điển hình như khu vực miền núi phía Bắc chỉ có 47,7% số xã đạt NTM. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập.

Cán bộ cần hiểu bà con thiếu gì

Đại diện tỉnh Lâm Đồng, Bắc Giang, Quảng Ninh và Nghệ An quan tâm đến vấn đề an sinh đời sống, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm thế nào để thu hút sự quan tâm của bà con những xã khó khăn và đặc biệt khó khăn xây dựng NTM là một thách thức với các nhà lãnh đạo.

Bên cạnh đó, đảm bảo cơ sở vật chất và môi trường trong quá trình phát triển cần được quan tâm nhiều hơn. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, việc tận dụng quỹ đất công để xây dựng công viên cây xanh, cẩn thận với xu hướng xây dựng đô thị gây mất cân bằng sinh thái. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quan tâm đến xây dựng đầu tư hạ tầng nông thôn vùng núi nhằm giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.

Mặt khác, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP cũng là vấn đề được nhiều địa phương chú trọng. Thời gian qua, nhiều tỉnh đã nỗ lực tiếp thị, thiết kế và lan tỏa tờ rơi về sản phẩm đặc sản chủ lực đối với khách tham quan, du lịch.

Đặc biệt, phát biểu của đại diện các bộ, ngành Trung ương cho thấy sự sát sao của cơ quan quản lý đối với phát triển NTM toàn diện.

Xây dựng nông thôn mới là cách mạng về tư duy nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao vị thế người nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Từ phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh cho biết, phụ nữ đã và đang có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc không gian làng xã. Tuy vậy giữa các địa phương còn thiếu nhiều kỹ năng chuyên môn và thiếu tính cộng đồng để có thể liên kết và đẩy mạnh sản xuất. Bà đề xuất xây dựng các chính sách phát triển hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh nỗ lực phát triển đồng đều giữa các địa phương thông qua tổ chức dự án xã hội, đặc biệt quan tâm đến sản phẩm OCOP. Bà cho biết 1/3 sản phẩm OCOP là do hộ nông dân kinh doanh, vì vậy cần liên kết sản xuất và chuỗi giá trị, tiếp cận hệ thống siêu thị nhằm đảm bảo đầu ra cho các nông hộ nhỏ.

Cùng với đó, đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên trao đổi, đề xuất với Bộ NN-PTNT tổ chức các sự kiện đối thoại, có cơ chế khen thưởng cho những người trẻ là tấm gương tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó nâng cao vai trò và truyền lửa cho thanh niên tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các tỉnh cần coi giá trị nông thôn như di sản, tài sản quý giá, từ đó xây dựng chiến lược du lịch làng nghề, nông thôn, bảo vệ và phát huy văn hóa. Ảnh: Thanh Miền.

Ghi nhận ý kiến tham luận và phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, người nông dân trước giờ vẫn luôn chủ động gia tăng sinh kế, cải thiện đời sống, vì vậy Nhà nước cần quan tâm xây dựng nền tảng kỹ thuật, hạ tầng, kiến thức, để người dân có thể tận dụng tối đa nguồn lực. Đồng thời tham khảo, học tập các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan có nhiều chính sách, mô hình khuyến khích phát triển làng xã.

“Xây dựng nông thôn mới là cách mạng về tư duy nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao vị thế người nông dân. Đây là việc không dễ làm vì không có thước đo, không phải việc dễ dàng thành công ngay trước mắt”. Do đó, Bộ trưởng ủng hộ cán bộ có tiếp cận thực tiễn, đi về địa phương sinh hoạt cộng đồng để hiểu đời sống của bà con đang thiếu những gì, cần bổ sung những gì.

Bộ trưởng đề nghị xây dựng các không gian sinh hoạt cộng đồng, dạy nghề, văn hóa, chuyển đổi số, ngoại ngữ… Đây là tư duy lấy cộng đồng làm gốc, kêu gọi sáng kiến từ địa phương đẩy mạnh sản xuất, du lịch, khuyến nông, san sẻ gánh nặng và đồng hành cùng tham gia quản lý, xây dựng NTM bền vững, lành mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc nhở, xây dựng NTM không chỉ là nâng cấp cơ sở vật chất khang trang mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa, di sản. Các tỉnh cần coi giá trị nông thôn như di sản, tài sản quý giá, từ đó xây dựng chiến lược du lịch làng nghề, nông thôn, bảo vệ và phát huy văn hóa. 

Điển hình là 10.000 sản phẩm đặc sản đạt 3 sao OCOP trở lên, không nên chỉ dừng lại ở chấm thi và xếp hạng, mà phải thật sự đưa giá trị đến cộng đồng. Bộ trưởng cho biết phía người tiêu thụ chưa có tư duy tôn trọng và trải nghiệm hương vị địa phương. Vì vậy, phát triển thương hiệu không thể làm một chiều. Cần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP, mời các chuyên gia và tổ chức trưng bày sản phẩm, dùng triết lý sản phẩm để kể câu chuyện cho văn hóa vùng miền, truyền thống làng xã Việt Nam.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website