Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Các Homestay tại Điểm du lịch cộng đồng Xuân Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn có thiết kế kiến trúc đặc trưng, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Sản phẩm du lịch nông thôn gắn với bản sắc

Thời gian qua, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng. Để đẩy mạnh thực hiện chương trình, các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã tích cực tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, nhất là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn, đặc biệt lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng theo bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng vùng, phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và các địa phương, như: Điểm du lịch ở thành phố Việt Trì và vùng ven đô thị; Vườn Quốc gia Xuân Sơn; các điểm du lịch gắn với vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng, chè, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc của huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… Đồng chí Dương Nhị Hà - Trưởng phòng Phát triển tài nguyên Du lịch, Sở VHTT&DL cho biết: “Sở đã tích cực tham mưu, phối hợp với các ngành, đơn vị tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn...”.

Cùng với đó, các sở, ngành và địa phương đã phối hợp xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh. Tập trung theo các loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái, gắn với bảo tồn thiên nhiên, làng nghề; ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; đồng thời, xây dựng và chuẩn hóa các sản phẩm theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) về du lịch cộng đồng. Từ đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm những nét đặc sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mường ở Tân Sơn.

Thực hiện các giải pháp mang tính bền vững

Để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp của địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Trong đó, ưu tiên lồng ghép xây dựng các điểm du lịch nông thôn theo định hướng của Bộ tiêu chí OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý; các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Các ngành, đơn vị và địa phương thực hiện huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải. Xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động quảng bá du lịch nông thôn... Cùng với đó, các ngành, đơn vị và địa phương cũng tích cực xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (youtube, facebook, tiktok…) giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đồng chí Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Thời gian qua, nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện, đặc biệt là tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn lồng ghép với các sự kiện về văn hóa, chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Qua đó, đã hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng tour tuyến du lịch để đưa du khách đến thăm quan, mua sắm tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP...”.

Hiện nay, toàn tỉnh có bốn đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ và TP Việt Trì; huyện Tam Nông, Thanh Ba và Phù Ninh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó Thanh Ba, Tam Nông đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, trình công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2023. Đối với cấp xã, đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 131/196 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 66,8%; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 39 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 6 xã đạt 9 tiêu chí, không có xã đạt dưới 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã; có 1.561/2.040 khu dân cư NTM, chiếm 76,5%, trong đó có 52 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Phú Thọ hiện có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có một sản phẩm đạt 5 sao (Chè đinh cao cấp Hoài Trung của Công ty TNHH chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba), 46 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với hoạt động nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, văn hóa…; hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt là các nội dung của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 3-5 điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh.

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website