Xác định rõ giao thông nông thôn (GTNT) có vai trò quan trọng, thúc đẩy các ngành khác phát triển, góp phần vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 1997 đến nay Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT như Nghị quyết số 03 giai đoạn 1997-2000, Nghị quyết số 01 giai đoạn 2000-2005, Nghị quyết số 42 giai đoạn 2005-2010, Nghị quyết số 01 giai đoạn 2011-2020.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề phát triển GTNT giai đoạn 2011-2020 của Tỉnh ủy, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp thông qua các biện pháp cụ thể, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động, chủ trương phát triển đường GTNT đã đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với từng địa phương, chú trọng phát triển GTNT theo quy hoạch, gắn với nâng cấp các tuyến đường hiện có, phát triển GTNT phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử đụng đất. Thực hiện có hiệu quả phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi chủ trương đều được bàn bạc công khai dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Nhân dân đã nắm được đầy đủ, hiểu rõ, hiểu đúng những quy định của Nhà nước, từ đó tự giác tích cực hưởng ứng thực hiện và đạt kết quả cao. Vì vậy, mạng lưới GTNT trong tỉnh không ngừng được mở rộng, nâng cấp, đã tạo động lực to lớn thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển, khơi dậy tiềm năng của các vùng trước đây còn khó khăn, lạc hậu đã góp phần làm thay đổi diện mạo NTM, đồng thời tạo nên nếp nghĩ và các cách làm mới ở cơ sở. Nhờ GTNT phát triển nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân được thuận lợi, kinh tế- xã hội phát triển, đời sống nhân dân có những bước cải thiện đáng kể.
|
Nâng cấp đường giao thông góp phần xây dựng nông thôn mới ở
xã Thanh Vân huyện, Thanh Ba. |
Để làm tốt việc huy động nguồn vốn theo hướng đa dạng, tỉnh ta tranh thủ tối đa các nguồn vốn của Trung ương, của các Bộ, ngành, lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án như GTNT 3, WB, 134, 135, 229 và vốn huy động từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân. Tổng vốn huy động trong hơn 4 năm từ các nguồn đạt khoảng 6.400 tỷ đồng, trong đó các địa phương huy động được nguồn vốn cao là huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thủy...; huy động trong nhân dân được trên 540 tỷ đồng, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất, hoa màu, chặt hàng ngàn cây cối cho Nhà nước làm đường mà không cần bồi thường, hỗ trợ.
Với phương châm GTNT là công trình của dân, do dân làm, dân tự kiểm tra mọi công việc đều được thực hiện một cách công khai, bàn bạc dân chủ, tỉnh ta đã làm tốt việc quản lý chất lượng công trình GTNT, phân cấp quản lý đầu tư cho các huyện, thành, thị từ khâu duyệt thiết kế dự toán đến nghiệm thu thanh toán, quyết toán. Giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn và các đoàn thể cơ sở, đảm bảo chất lượng công trình, nghiệm thu bàn giao cho các khu dân cư quản lý, khai thác sử dụng phát huy hiệu quả cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Nhiều khu dân cư đã xây dựng được Quy chế quản lý, sử dụng đường giao thông và có chế độ duy tu bảo dưỡng cụ thể, nhiều tuyến đường đã thực hiện việc cắm biển hạn chế tải trọng, nhiều đoạn đường mang tên các Hội tự quản như: Đoạn đường Hội CCB tự quản, đoạn đường Hội phụ nữ tự quản, đoạn đường Thanh niên tự quản... Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong giai đoạn 2011-2014, từ nguồn vốn đầu tư và vốn trái phiếu Chính phủ, các địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 261 công trình giao thông liên xã, liên thôn, ngõ, xóm, nội đồng với tổng kinh phí trên 220 tỷ đồng. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về phát triển GTNT, đã làm mới, nâng cấp cải tạo gần 2.000km đường gồm đường bê tông nhựa, đá dăm láng nhựa, đường bê tông xi măng; làm mới, sửa chữa 49 cầu, 42 tràn. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ được cứng hóa đạt 56,5% với trên 5.600km... góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện xây dựng NTM của toàn tỉnh. Qua hơn 4 năm thực hiện, đã có nhiều lượt tập thể, cá nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển GTNT.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nội dung theo Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 10-3-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển GTNT và quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, sự vào cuộc của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức thực hiện, động viên nhân dân tích cực đóng góp xây dựng GTNT; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư, xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý, bảo trì đường GTNT; đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng công trình GTNT...; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để từng bước phát triển hạ tầng GTNT theo mục tiêu đề ra, quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh cứng hóa được 70% đường GTNT, trong đó 100% đường huyện và đường trục xã, 50% đường trục thôn xóm được cứng hóa, các đường còn lại đảm bảo đi lại thuận tiện; đường huyện tối thiểu đạt cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI.
Nguồn: baophutho.vn