Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hạ Hòa, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, vai trò chủ thể của nhân dân được phát huy, nhờ đó nhận thức của người dân đối với phong trào xây dựng NTM được nâng lên, tại hầu hết các xã trong huyện nhân dân đã tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng hạ tầng nông thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; thay đổi hình thức tổ chức sản xuất; phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, xây dựng cảnh quan môi trường. Huyện đã tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư của nhà nước và các thành phần kinh tế, lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình dự án để xây dựng mới và nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động đầu tư gần 324 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM là: 75,042 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 15,442 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước đầu tư lồng ghép từ các chương trình dự án xây dựng hạ tầng vào khu vực nông thôn ước đạt: 158,503 tỷ đồng; cộng đồng dân cư đóng góp: 75 tỷ đồng…
|
Những năm gần đây, nghề chế biến gỗ ở Hạ Hòa phát triển mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. - Xưởng sản xuất gỗ bóc Hòa Cử, khu 3, xã Văn Lang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng. |
Từ nguồn vốn này, huyện Hạ Hòa đã làm mới, nâng cấp, cải tạo cứng hóa được 189,7 km đường giao thông; xây mới 8 cây cầu bê tông cốt thép; 354 cống thoát nước; 24 trạm biến áp, 117 km đường dây điện; 208 phòng học; 12 công trình thủy lợi, với 11,86 km kênh mương được cứng hóa... Tính đến nay tỷ lệ cứng hóa đường trục xã, liên xã đã nâng lên đạt 64,2%; đường trục thôn xóm đạt 54,46%; đường ngõ xóm đạt 60,42%; đường trục chính nội đồng đạt 16,51%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 91,3% hộ gia đình được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 85%; 45 trường học đạt chuẩn quốc gia; 14 nhà hội trường kiêm trụ sở làm việc của các đoàn thể nhân dân cấp xã được nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu làm việc ở cơ sở. Trong khu vực dân cư nông thôn, đã xóa được 342 nhà tạm; có trên 3.357 hộ xây mới, 2.883 hộ chỉnh trang nhà ở; xây mới 28.730m tường rào, làm mới: 1.368 hầm biogas, 3.937 nhà tắm, 2.306 công trình vệ sinh… giảm tỷ lệ nhà tạm, nhà dột nát xuống còn 13,7%, nâng tỷ lệ nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn kiên cố, bán kiên cố lên: 86,3%... Nhờ đó bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc.
Ông Ngô Ngọc Vinh- Bí thư chi bộ khu 11 xã Hương Xạ chia sẻ: “Chương trình NTM đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho người dân nông thôn, ngay ở khu dân cư chúng tôi trước đây đường xá đi lại rất khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp học xuống cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao… thì nay hầu hết các công trình hạ tầng thiết yếu: Điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ đời sống của nhân dân”.
Cùng với đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng, huyện Hạ Hòa còn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích nông dân dồn đổi ruộng đất thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng cánh đồng một giống; từng bước hình thành các trang trại, gia trại có quy mô lớn nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Kết quả đã tổ chức được: 109 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho 8.247 lượt người; hỗ trợ các hộ dân và các hợp tác xã mua 2.355 máy các loại để đưa cơ giới hoá vào sản xuất; 171.866 kg phân bón; 11.018 kg lúa giống; 9.136 con gia súc, gia cầm; 2.472 gói thuốc bảo vệ thực vật… Đảm bảo giữ vững sản lượng lương thực của toàn huyện đạt bình quân trên 43.000 tấn/năm, nâng giá trị sản phẩm đạt 80 triệu đồng/ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản/năm. Một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung có khối lượng sản phẩm lớn đã được hình thành: Vùng lúa và rau màu chất lượng cao, cánh đồng một giống, sản xuất bí đao, nuôi gà ri lai thả vườn, trồng nấm rơm trái vụ, sản xuất chè sao lăn, nuôi lợn, gà theo quy mô bán công nghiệp... Bên cạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được khuyến khích phát triển, bước đầu một số ngành nghề cho thu nhập khá như: Chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, gia công cơ khí, sửa chữa đồ gia dụng... Cơ cấu lao động nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, các mô hình kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất được hình thành và ngày càng phát huy hiệu quả. Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, nếu như năm 2010 thu nhập bình quân trong toàn huyện đạt 12 triệu đồng/người/năm thì đến hết năm 2015 đã tăng lên đạt: 18,8 triệu đồng/người/năm. Đến nay huyện Hạ Hòa đã có 2 xã: Gia Điền, Hiền Lương được công nhận là xã NTM; có 4 xã đạt 15-18 tiêu chí: Y Sơn, Mai Tùng, Vụ Cầu, Chuế Lưu; 20 xã đạt 10-14 tiêu chí; 6 xã đạt 8-9 tiêu chí. Đến năm 2020, huyện Hạ Hòa phấn đấu có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.
Nguồn: baophutho.vn