Trong khi điều kiện hạ tầng, nhận thức và tập quán sinh hoạt của người dân còn nhiều hạn chế thì vệ sinh môi trường đang là vấn đề nan giải ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Cùng với quá trình phát triển, môi trường đang phải gồng mình đối mặt với những áp lực gây ô nhiễm. Để giải quyết vấn đề trên, huyện Thanh Thủy đang tiến hành nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và cải thiện môi trường.
|
Công nhân thực hiện phân loại rác trước khi cho vào lò đốt rác tại khu xử lý rác thải thị trấn Thanh Thủy. |
Hàng năm, huyện đều xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động khắc phục ô nhiễm môi trường, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, qua đó các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường được hình thành và nhân rộng. Các địa phương đã chú trọng bố trí quỹ đất để xây dựng bãi tập kết rác thải sinh hoạt, thành lập HTX và tổ thu gom rác. Tính đến thời điểm này, 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Thủy đã thành lập được HTX, tổ thu gom rác thải và đã có Nghị quyết chuyên đề về môi trường. Trong đó HTX Thanh Bình- thị trấn Thanh Thủy, HTX Hải Quang- xã Đồng Luận, HTX thu gom rác thải xã Xuân Lộc và các tổ thu gom rác thải tại 6 xã đã đi vào hoạt động.
Nỗ lực của huyện trong hoạt động xử lý rác thải phải kể đến là việc triển khai xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của huyện và đầu tư lò đốt rác tại xã Hoàng Xá và thị trấn Thanh Thủy. Lò đốt rác tại xã Hoàng Xá đi vào hoạt động từ tháng 2-2015, trung bình mỗi ngày xử lý trên 3 tấn rác thải. Lò đốt rác tại thị trấn Thanh Thủy đi vào hoạt động từ tháng 11-2014, phục vụ cho 800 hộ gia đình của thị trấn và gần 60 cơ quan, tổ chức tham gia thu gom rác thải tập trung. Lượng rác thải bình quân được thu gom, chuyển về khu xử lý là 6,7 tấn/ngày. Nhìn chung, việc xử lý rác thải bằng lò đốt thay cho chôn lấp trước đây đã đảm bảo về chất lượng môi trường hơn, tránh được nguy cơ về ô nhiễm môi trường đất, nước xung quanh khu xử lý. Mặt khác, tại khu xử lý rác thải tại thị trấn Thanh Thủy đã có 5 xã đăng ký xử lý rác tại lò với lượng rác của mỗi xã từ 12 đến 42 tấn/tháng. Kể từ khi hai lò đốt rác trên đi vào hoạt động, nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường do rác thải đã được xử lý, tránh tình trạng bức xúc trong nhân dân.
Xã Trung Nghĩa có 7 khu dân cư với trên 4.000 nhân khẩu. Cuối năm 2013 UBND xã thành lập tổ thu gom rác thải, giao cho HTX Nông nghiệp quản lý và đến tháng 11-2014 tổ thu gom đi vào hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại có gần 2.200 nhân khẩu tham gia mô hình thu gom rác thải, đạt tỷ lệ trên 50%. Trung bình mỗi tháng lượng rác thải sinh hoạt được thu gom trên địa bàn xã là 60 tấn. Ông Hà Ngọc Viên, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước đây chưa có điểm tập kết rác, nhiều ao, hồ, vùng trũng thành hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước mặt và nước ngầm. Mô hình thu gom rác thải đi vào hoạt động đã góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Tổ thu gom rác tiến hành thu gom vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, rác thải chủ yếu được xử lý bằng hình thức đốt tại chỗ”.
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu song công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện vẫn còn những vướng mắc chưa được giải quyết. Hiện tại trên địa bàn huyện còn 6 xã tổ thu gom rác thải chưa đi vào hoạt động dẫn đến tình trạng rác thải vứt bừa bãi ra môi trường và chưa được thu gom, xử lý. Các tổ thu gom chưa đi vào hoạt động do một số xã địa bàn rộng, dân cư ở thưa thớt, không tập trung vì vậy rất khó khăn trong việc tổ chức thu gom. Trong khi đó số hộ gia đình đăng ký thu gom rác thải còn quá thấp so với tổng số hộ trên địa bàn. Với những xã đã triển khai thu gom rác thải, tổ thu gom hoạt động chưa quy mô và hiệu quả do cân đối kinh phí thu – chi không đảm bảo cho việc hoạt động, nguồn thu thường thấp hơn mức chi.
Với hai lò đốt rác thải bước đầu đã mang lại hiệu quả nhưng công suất nhỏ, lượng rác phát sinh lớn nên vẫn phải thực hiện chôn lấp một phần rác thải theo phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, một số xã triển khai còn mang tính hình thức, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong công tác bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc đầu tư cho công tác môi trường cấp xã còn thấp, chưa mang tính thu hút, khích lệ các tổ chức, cá nhân đứng ra thu gom rác thải. Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Tùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Công tác bảo vệ môi trường được huyện rất quan tâm và cố gắng bố trí kinh phí để đầu tư cho công tác môi trường, nhất là thu gom, xử lý rác thải. Huyện đang xem xét tính hiệu quả và khả thi của việc đầu tư lò đốt rác thải để có kế hoạch đầu tư cho một số xã trong thời gian tới nhằm giảm tình trạng quá tải ở các lò đốt và giảm chi phí vận chuyển rác. Đồng thời xem xét, cân đối nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường cấp xã, thị trấn để hỗ trợ cho các HTX, tổ thu gom rác thải của địa phương đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả”.
Để hoàn thiện mô hình thu gom rác thải tập trung trên địa bàn huyện còn cả một chặng đường dài. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được bước đầu là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Thủy tiếp tục phấn đấu thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nguồn: baophutho.vn