Nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

 Hiện nay, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, ngành Nông nghiệp của tỉnh đang dồn sức thực hiện các giải pháp tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.


 

 

Ngành nông nghiệp của tỉnh đã chú trọng đưa các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản (ảnh chụp tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao)

 

Hiệu quả bước đầu

 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có bước khởi sắc. Với đặc thù là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung nhiều quy hoạch chuyên ngành, thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã tập trung định hướng, xây dựng mô hình, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực, theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường. Các cấp, các ngành đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư cho sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.  Do đó,  các hình thức liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngày được mở rộng. Mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã được quan tâm. Các chương trình nông nghiệp trọng điểm, dự án nông nghiệp cận đô thị được chú trọng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm được tăng cường. Đến nay, hàng loạt các dự án được xúc tiến đầu tư như dự án chăn nuôi bò sữa, sản xuất gà, lợn giống, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, dự án chế biến nông sản xuất khẩu, chế biến gỗ xuất khẩu... góp phần ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Toàn tỉnh đã hình thành và phát triển 25 vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu. Một số cây trồng chủ lực của tỉnh như chè, bưởi đặc sản… được xác định phát triển trở thành hàng hóa đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân. Các biện pháp nuôi thủy sản thâm canh, nuôi cá lồng trên sông với các giống cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá trắm… được áp dụng ở một số vùng trọng điểm như Cẩm Khê, Thanh Thủy, Đoan Hùng,... Nhiều giống vật nuôi đặc sản như gà nhiều cựa, thỏ ngoại, lợn rừng... cũng dần phổ biến ở các địa phương. Công tác trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được quan tâm làm tốt… Tốc độ tăng giá trị gia tăng nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,09%. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới dưới sự chỉ đạo quyết liệt, bám sát nhiệm vụ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các cấp, các ngành đã không chỉ huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại mà còn góp phần tái cơ cấu kinh tế, tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Hết năm 2015, toàn tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn, 60 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Nhiều giải pháp cho công cuộc chuyển đổi

 

Hiện nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đang dồn sức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhấn mạnh đến các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Mặc dù kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng trước thềm hội nhập sâu rộng, nông nghiệp tỉnh nhà cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Ngành Nông nghiệp của tỉnh sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”.

 

 

Theo đó, các giải pháp chủ yếu mà ngành Nông nghiệp đưa ra để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới là tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; vận dụng sáng tạo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) của tỉnh. Trong đó, xác định cụ thể được các cây, con chủ lực có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cho từng địa phương. Đẩy mạnh dồn đổi ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với sản xuất, nhất là vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước và các chương trình mục tiêu, vốn huy động đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng, các công trình nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo hướng công nghệ cao và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

 

Tiếp tục tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Triển khai thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung làm tốt, có hiệu quả công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp. Khuyến khích ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất; huy động nguồn lực, hợp tác trong sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng,…phù hợp với điều kiện của địa phương. Không ngừng củng cố, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công tác, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực phòng chống, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang phát triển nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới...

 

Với sự quyết tâm của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, tin tưởng rằng, việc thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh sẽ thành công, thúc đẩy kinh tế  - xã hội của tỉnh phát triển, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.


Nguồn: phuthoportal.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website