ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CẨM KHÊ
Số: 04 /BC-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cẩm Khê, ngày 16 tháng 01 năm 2015
|
BÁO CÁO
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015
I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH
1. Công tác chỉ đạo, điều hành quản lý
1.1. Kết quả thành lập và hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện, xã.
- Đối với cấp huyện: Thực hiện các Văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình từ huyện đến cơ sở. Từ tháng 7/2010 UBND huyện đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng xã, từng lĩnh vực; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hội nghị để triển khai các nội dung kế hoạch đến 30/30 xã, sao, gửi đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Huyện, cho tất cả các xã làm căn cứ triển khai chương trình.
- Đối với cấp xã: Các xã đều đã thành lập được Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Ban phát triển thôn, các cấp đều đã ban hành được quy chế hoạt động; Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, đã ban hành được các Nghị quyết, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước tới các khu hành chính, các ban, ngành, đoàn thể các Ban phát triển thôn để triển khai và giám sát thực hiện; giao nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng lĩnh vực để tuyên truyền, vận động, nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về chương trình để cùng thực hiện.
1.2. Về hệ thống các văn bản triển khai của huyện
Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 48-NQ/HU, ngày 28/11/2011 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2015. HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND, ngày 28/12/2011 về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Cẩm Khê giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 50/KH-UBND, ngày 16/1/2012, về việc thực hiện Nghị quyết. Ngày 25/6/2013, Ban thường vụ Huyện ủy có Kết luận số 205-KL/HU, về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013-2015.
Thực hiện các Văn bản chỉ đạo của Trung ương của Tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 638/KH-UBND, ngày 21/7/2010 về việc triển khai thực hiện chương trình đến năm 2020; Quyết định số 2807/QĐ-BCĐ ngày 11/11/2014 của Ban chỉ đạo CTMT QG xây dựng nông thôn mới huyện Cẩm Khê về việc kiện toàn Tổ thẩm định tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; Quyết định số 2203/QĐ-UBND, ngày 14/10/2010 về quy chế hoạt động của ban chỉ đạo; quyết định số 2809/QĐ-UBND ngày 11/11/2014, về phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, phụ trách các xã và từng lĩnh vực liên quan đến 19 tiêu chí. Quyết định số 2402/QĐ-UBND ngày 29/8/2014 của Chủ tịch UBND huyện về việc thành lập tổ thẩm định tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra UBND huyện, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Phòng Nông nghiệp và PTNT) thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện tiến độ xây dựng công trình, giải ngân nguồn vốn, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình như: Văn bản số 374/CV-BCĐ ngày 10/4/2014 và Văn bản số 555/CV-BCĐ ngày 28/5/2014;Văn bản số 909/UBND-NN ngày 05/9/2014 về việc đôn đốc xây dựng cơ bản; Văn bản số 374/CV-BCĐ ngày 20/4/2014 về hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Văn bản số 22/NN-PTNT ngày 20/6/2014 về việc cấp phát tờ rơi, băng rôn tuyên truyền nông thôn mới; Văn bản số 1264/UBND-NN ngày 20/11/2014 về việc thẩm định tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.... Đã tổ chức được các hội nghị, quán triệt, phổ biến các nội dung chương trình đến cán bộ Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, thường xuyên đôn đốc các địa phương thực hiện các nội dung văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Huyện.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện đã tích cự phối hợp với các ban, ngành của huyện để kiểm tra, giám sát chỉ đạo toàn diện việc xây dựng, thực hiện các nội dung quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án…theo 19 tiêu chí. Xây dựng Kế hoạch và đã có hướng dẫn cụ thể thực hiện từng tiêu chí theo từng lĩnh vực liên quan đến ngành phụ trách.
1.3. Đánh giá chung
- Thuận lợi: Chương trình xây dựng nông thôn mới được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Huyện ủy, HĐND và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao, người dân rất đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn nông thôn đang được Nhà nước chú trọng, đầu tư.
- Khó khăn: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa hiểu rõ về yêu cầu, nội dung của chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là trách nhiệm của người dân và địa phương trong việc thực hiện các nội dung chương trình.Thực trạng nông thôn của huyện so với 19 tiêu chí còn thấp; một số tiêu chí khó đạt như: Giao thông, thủy lợi, môi trường, chợ…chưa có giải pháp huy động đầu tư hiệu quả trong khi ngân sách, Nhà nước hỗ trợ không nhiều so với nhu cầu của các địa phương.
2. Công tác tuyên truyền, vận động
2.1. Kết quả công tác tuyên truyền vận động
- Sao gửi đầy đủ các tài liệu hướng dẫn xây dựng nông thôn mới đến các thành viên BCĐ xây dựng NTM huyện, các xã, lãnh đạo, cán bộ Ban quản lý các xã, các khu dân cư để tuyên truyền, thực hiện.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền qua đài truyền thanh, panô, khẩu hiệu,… nhằm hướng dẫn các xã triển khai chương trình.
- Đã phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình tỉnh Phú Thọ, huyện Cẩm Khê có 05 phóng sự đưa tin về công tác chỉ đạo và một số mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn huyện.
- Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới mọi hình thức, như: Mở các hội nghị, qua đài truyền thanh, panô, khẩu hiệu... mỗi xã đều có băngzôn qua đường và kẻ được các khẩu hiệu tuyên truyền trên tường rào, cổng các cơ quan, trường học, nhà văn hóa...về các nội dung xây dựng nông thôn mới; đã tổ chức cấp phát 1.470 bức tranh cổ động, 30 băng rôn qua đường về xây dựng nông thôn mới cho các xã.
2.2. Kết quả tổ chức hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông mới:
UBND huyện đã có Kế hoạch số 1803/KH-UBND, ngày 30/12/2011 về việc tổ chức phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới” huyện Cẩm Khê giai đoạn 2011-1015. Sau khi có Kế hoạch các Ban, ngành đoàn thể, các xã tiến hành phát động được các phong trào thi đua tại cơ quan đơn vị, các khu dân cư dưới nhiều hình thức phong phú, đã thu hút được nhiều người tham gia bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Từng người dân đã chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Bàn bạc, trao đổi, thống nhất phương án quy hoạch; trực tiếp theo dõi, quản lý, giám sát công trình xây dựng trên địa bàn; chủ động chỉnh trang nhà ở, cổng, sân vườn, xóm, ngõ; khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nơi ở; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
2.3. Đánh giá chung
Thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến nay, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều đã xây dựng chương trình, ban hành kế hoạch thực hiện hàng năm. Bên cạnh đó, các cơ quan, đoàn thể tùy vào nội dung, lĩnh vực chuyên môn cụ thể đã thực hiện việc tuyên truyền về NTM bằng các cách thức khác nhau, thực sự đa dạng, hiệu quả, thiết thực.
Qua 4 năm triển khai Chương trình, đa số đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã và Nhân dân đã hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, việc tuyên truyền vận động có ý nghĩa định hướng giúp cho cán bộ các cấp, người dân phải thực hiện để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí được cấp cho công tác tuyên truyền chủ yếu từ cấp trên nên các địa phương chưa thể chủ động nhiều hình thức tuyên truyền, kết quả của các hoạt động tuyên truyền chỉ ở mức khá.
3. Công tác đào tạo, tập huấn
3.1. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
UBND huyện có Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; trong giai đoạn 2011-2014 đã mở được 142 lớp đào tạo nghề cho 4.970 lao động nông thôn (năm 2014 là 1.531 người), các nghề đào tạo chính: Kỹ thuật nuôi các nước ngọt, nuôi ngan, vịt, ngan, ngỗng, phòng và trị bệnh cho lợn, sử dụng thuốc thú y....
Mặt khác nhận thức về dạy nghề của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người lao động đã có nhiều thay đổi; công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư, người lao động đã chủ động tham gia học nghề để tìm kiếm việc làm góp phần quan trọng vào việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện.
3.2. Về tập huấn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới: UBND huyện đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các ban ngành đoàn thể của huyện mở được các lớp tập huấn cho BCĐ, Bí thư, Chủ tịch, cán bộ phụ trách các xã; chủ nhiệm các hợp tác xã, trưởng các khu hành chính về các nội dung xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Năm 2011 mở được 7 lớp , năm 2012 mở được 11 lớp; năm 2013 mở được 06 lớp; năm 2014 mở được 12 lớp; đã sao, gửi các mẫu đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho tất cả các xã để tham khảo trong quá trình lập quy hoạch, đề án; tổ chức nhiều buổi họp và hội nghị triển khai thực hiện chương trình.
Để Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả từ huyện tới cơ sở cần cán bộ phụ trách các cấp có năng lực chuyên môn, nhiệt tình trong công việc; năm 2014, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát trong việc phân công cán bộ phụ trách nông thôn mới của Ban chỉ đạo các xã; thống nhất cán bộ phụ trách NTM là cán bộ Địa chính, đây là đội ngũ cán bộ trực tiếp phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan tới việc thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới.
4. Về huy động nguồn lực
- Tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014 là 467.905 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình chiếm 4,57%; vốn lồng ghép 22,9%; vốn doanh nghiệp 51,51%; vốn tín dụng 6,31%; vốn dân đóng góp 4,6% và các nguồn vốn khác 10,12%.
- Trong năm 2014, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới là 21.052 triệu đồng; nguồn vốn này, huyện tập trung chủ yếu đầu tư thực hiện các hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực:
+ Vốn Đầu tư xây dựng cơ bản: 18.385 triệu đồng;
+ Vốn Phát triển sản xuất: 2.043 triệu đồng;
+ Vốn Đổi mới hình thức sản xuất: 310 triệu đồng;
+ Vốn Tuyên truyền: 242 triệu đồng;
+ Vốn quản lý điều hành: 72 triệu đồng.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI.
1. Công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM.
Đến hết tháng 12/2011 công tác lập quy hoạch, đề án đã được hoàn thành xong 30/30 xã; các xã đã tiến hành công khai quy hoạch đảm bảo quy định. Trên cơ sở Quy hoạch đã được phê duyệt, các xã đã tiến hành lập đề án và trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt xong 30/30 xã, đảm bảo thời gian quy định của tỉnh.
2. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
2.1. Về Các chương trình sản xuất nông nghiệp
Triển khai được nhiều mô hình mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, được lồng ghép trong các chương trình, dự án như: dự án xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã Hiền Đa, Tình Cương với diện tích 120 ha, dự án sản xuất rau an toàn tại Sai Nga, quy mô 12 ha, dự án nâng cao hiệu quả sản xuất nấm, trồng nấm Rơm trái vụ trên đất 2 vụ lúa tại xã Đồng Cam. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang dần ổn định, một số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đạt hiệu quả cao (HTX Ong mật Phú Thịnh, HTX sản xuất, chế biến Nấm Đồng Cam, hợp tác xã chế biến Chè Thanh niên Vạn Thắng...). Các Làng nghề được công nhận mới (làng sản xuất rau an toàn Văn Phú) đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo chính sách của tỉnh đã ban hành: Chương trình sản xuất lương thực, phát triển rừng sản xuất, phát triển thủy sản, chương trình chăn nuôi, phát triển cây chè, chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị; tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh năm 2014 trên 2,5 tỷ đồng.
2.2. Về hỗ trợ phát triển sản xuất, chương trình xây dựng nông thôn mới:
Xác định mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại. Kết quả, tổng kinh phí thực hiện năm 2014: 3.121,210 triệu đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ: 2.353 triệu đồng, người dân đối ứng: 768,210 triệu đồng. Chỉ đạo tất cả các xã tự lựa chọn các nội dung xây dựng, triển khai đảm bảo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Một số nội dung các xã lựa chọn hỗ trợ đạt hiệu quả như: Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ mua giống, các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi…hỗ trợ xây dựng các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp (Máy phun thuốc trừ sâu, máy cày bừa đa năng, máy gặt), bảo quản chế biến và ngành nghề nông thôn và hỗ trợ các hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ. Đến nay 30/30 xã đã giải ngân xong nguồn vống được cấp.
3. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
3.1. Các dự án đầu tư lồng ghép để xây dựng cơ sở hạ tầng
Kết cấu hạ tầng thiết yếu của địa phương được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. huyện đã đầu tư xây dựng mới 25,1 km đường giao thông, bao gồm: 7,1 km trục xã và liên xã; 12 km đường từ xã đến thôn, xóm và liên thôn, trục thôn; 6 km đường trục giao thông nội đồng với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 58,081 tỷ đồng; đầu tư nạo vét hơn 153 km kênh, cải tạo, xây mới 01 cầu và 50 cống và nhiều công trình thủy lợi nội đồng, công trình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn; hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm phân phối được quan tâm cải tạo, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt, tổng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện là 241 tỷ đồng; tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đến nay đạt 99,29%; đã xây mới và nâng cấp 04 chợ xã, với tổng vốn đầu tư khoảng 11,704 tỷ đồng; Mạng lưới bưu chính, viễn thông từng bước được nâng cấp, hiện đại hoá, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, nhất là ở vùng nông thôn.
3.2. Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM
Các Công trình hạ tầng thiết yếu được các xã lựa chọn đầu tư xây dựng, bố trí vốn bằng nguồn vồn Trái phiếu chính phủ trong năm là: 38 công trình; trong đó: 26 công trình khởi công mới, 12 công trình chuyển tiếp. Tổng mức đầu tư các công trình 63,521 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình: 18.385 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn huy động từ ngân sách xã và huy động từ các nguồn vốn khác. Đến nay các công trình đã và đang được hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của các địa phương, các xã dự kiến giải ngân nguồn vốn được cấp xong trước 30/6/2015.
4. Về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường
- Cơ sở vật chất giáo dục: Mạng lưới trường lớp, quy mô các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Toàn huyện hiện có 47/88 trường đạt chuẩn quốc gia (chỉ tính các xã xây dựng nông thôn mới), đạt tỷ lệ 53,04% số trường. Có 30/30 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 30/30 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và Trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 36%.
Hệ thống các trường học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, xây mới; trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập được đầu tư mua sắm. Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, đến nay có 667/857 phòng học được kiên cố hóa, đạt 79%.
- Cơ sở vật chất ngành Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Trong những năm qua, các cơ sở Y tế trong huyện được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp từ các nguồn vốn của huyện, tỉnh, đến nay các công trình đang được sử dụng có hiệu quả, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, có 10/30 trạm y tế cấp xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia, 100% số trạm y tế có biên chế Bác sỹ.
- Về văn hóa: Tiếp tục đẩy mạnh vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào “ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, tạo sự chuyển biến tích cực tư tưởng của người dân, cùng chung tay thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội ở địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Các di tích lịch sử được trùng tu tôn tạo, các lễ hội được bảo tồn, phát triển, các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng được quan tâm và phát triển. Tổ chức đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư, làng, xã, cơ quan, đơn vị văn hoá các cấp; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá 82,1%; tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hoá 79,4%, số khu dân cư có nhà văn hoá 277/292 đạt 94,08%.
- An sinh xã hội: Công tác đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ cho người nghèo luôn thực hiện tốt, góp phần ổn định đời sống cho hộ nghèo, gia đình chính sách và dân cư nông thôn trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện còn 17,47%; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động có bước chuyển khá tốt, đã giải quyết việc làm mới cho 51.330 lao động, đưa đi xuất khẩu lao động 248 người.
- Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Đã có một số công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp phục vụ tốt cho đời sống, sinh hoạt, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, như công trình cụm xã Tình Cương, Hiền Đa, Cát Trù, công trình cấp nước xã Phương Xá...đến nay trên toàn tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%.
5. Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội.
Hệ thống chính trị ở nông thôn thường xuyên được củng cố và kiện toàn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. có 30/30 xã có đủ các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định, 30/30 xã có các tổ chức chính trị - xã hội đạt danh hiệu từ tiên tiến trở lên; tỷ lệ cán bộ đạt chuẩn bằng 98,29%. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện rộng rãi. An ninh chính trị, trật tự an toàn nông thôn được đảm bảo, các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người giảm; công tác tôn giáo, văn hóa tư tưởng được duy trì ổn định.
6. Kết quả tổng hợp thực hiện theo Bộ tiêu chí nông thôn mới.
Kết quả thực hiện các tiêu chí như sau:
+ Tiêu chí Quy hoạch (01), có 30/30 xã đạt, chiếm 100%.
+ Tiêu chí Giao thông (02), có 01/30 xã đạt, chiếm 3,33% (Phương Xá).
+ Tiêu chí Thủy lợi (03), có 03/30 xã đạt, chiếm 10% (Văn Bán, Hương Lung, Sai Nga).
+ Tiêu chí Điện (04) có 27 xã đạt (còn lại xã Cấp Dẫn, Phượng Vỹ, Sơn Tình chưa đạt), chiếm 90%.
+ Tiêu chí Trường học (05) có 05 xã đạt (Tạ Xá, Tùng Khê, Tình Cương, Phương Xá, Hiền Đa), chiếm 16,67 %
+ Tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (06), có 1/30 xã đạt, chiếm 3.33% (Phương Xá).
+ Tiêu chí Chợ (07), có 03 xã đạt (Sai Nga, Phương Xá, Văn Bán),chiếm 10%.
+ Tiêu chí Bưu điện (08), có 30/30 xã đạt, chiếm 100%.
+ Tiêu chí Nhà ở (09) có 11 xã đạt (Điêu Lương, Phượng Vỹ, Ngô Xá, Văn Bán, Tuy Lộc, Phú Lạc, Tình Cương, Phương Xá, Đồng Cam, Sai Nga, Cát Trù), chiếm 36,37%
+ Tiêu chí Thu nhập (10) có 08 xã đạt (Phương Xá, Sai Nga, Hiền Đa, Cát Trù, Thanh Nga, Tuy Lộc, Hương Lung, Phú Khê), chiếm 26,67 %.
+ Tiêu chí Hộ nghèo (11) có 01 xã đạt (Phương Xá), chiếm 3,33%
+ Tiêu chí Cơ cấu lao động (12) có 18 xã đạt (Phương Xá, Hiền Đa, Cát Trù, Sai Nga, Đồng Cam, Thanh Nga, Tình Cương, Phú Lạc, Tuy Lộc, Văn Bán, Hương Lung, Đồng Lương, Ngô Xá, Tùng Khê, Tam Sơn, Phượng Vỹ, Phú Khê, Điêu Lương), chiếm 60 %
+ Tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất (13), có 30/30 xã đạt, chiếm 100%.
+ Tiêu chí Giáo dục (14) có 09 xã đạt (Phương Xá, Sai Nga, Thanh Nga, Tuy Lộc, Hương Lung, Xương Thịnh, Phú Khê, Điêu Lương, Cấp Dẫn), chiếm 30 %.
+ Tiêu chí Y tế (15) có 09 xã đạt (Sơn Tình, Tùng Khê, Yên Dưỡng, Tình Cương, Thanh Nga, Phương Xá, Hiền Đa, Cát Trù), chiếm 30 %.
+ Tiêu chí Văn hóa (16) có 17 xã đạt (Cát Trù, Hiền Đa, Sai Nga, Đồng Cam, Phương Xá, Thanh Nga, Tình cương, Phú Lạc, Văn Bán, Đồng Lương, Yên Dưỡng, Xương Thịnh, Tiên Lương, Tùng Khê, Tạ Xá, Điêu Lương, Cấp Dẫn), chiếm 56,67%.
+ Tiêu chí Môi trường (17) không có xã nào đạt, chiếm 0%.
+ Tiêu chí Hệ thống chính trị (18), có 30/30 xã đạt, chiếm 100%.
+ Tiêu chí An ninh trật tự (19) có 30/30 xã đạt, chiếm 100%.
- Xã đạt trên 15 tiêu chí: 01 xã (Phương Xá, đạt 17 tiêu chí).
- Xã đạt 10-15 tiêu chí: 10 xã: (Điêu Lương, Tùng Khê, Tuy Lộc cùng đạt 10 tiêu chí; Hương Lung, Văn Bán, Tình Cương, Thanh Nga, Hiền Đa, Cát Trù cùng đạt 11 tiêu chí; Sai Nga đạt 13 tiêu chí).
- Xã đạt 7 - 9 tiêu chí: 12 xã (Cấp Dẫn, Phú Khê, Sơn Nga, Tạ Xá, Tam Sơn, Tiên Lương, Xương Thịnh, Yên Dưỡng, Ngô Xá, Đồng Lương, Phú Lạc, Đồng Cam).
- Các xã còn lại (7 xã) đạt 6 tiêu chí (Chương Xá, Phượng Vỹ, Sơn Tình, Văn Khúc, Yên Tập, Phùng Xá, Thụy Liễu).
- Có 22/30 xã có tiêu chí đạt chuẩn tăng so với năm 2013, cụ thể như: Hương Lung tăng 4 tiêu chí; Văn Bán, Phương Xá tăng 3 tiêu chí; Phú Khê, Tạ Xá, Tùng Khê, Tiên Lương, Ngô Xá, Thanh Nga tăng 2 tiêu chí; các xã Tam Sơn, Đồng Lương, Phú Lạc, Đồng Cam, Hiền Đa, Cát Trù tăng 1 tiêu chí.
- Có 02/30 xã giảm 01 tiêu chí giảm sau khi thẩm định (Văn Khúc, Phùng Xá).
- Có 05 tiêu chí (Quy hoạch, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị và an ninh trật tự) có 30/30 xã đạt, tuy nhiên trong các tiêu chí được đánh giá đã đạt còn một số tiêu chí chưa thực sự cập chuẩn theo yêu cầu của bộ tiêu chí quy định, như: Tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, mặc dù tất cả các xã đều có hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tuy nhiên một số hợp tác xã hoạt động còn chưa hiệu quả… Có 01 tiêu chí không có xã nào đạt (môi trường), có 04 tiêu chí có tỷ lệ các xã đạt thấp ( giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, hộ nghèo) cụ thể: Tiêu chí môi trường 30/30 xã chưa có bãi thu gom chất thải, nước thải được xử lý theo quy định. Có một số tiêu chí đạt thấp như: Tiêu chí Trường học có 01 xã đạt (Tạ Xá); Tiêu chí Chợ có 02 xã đạt (Sai Nga, Phương Xá); Tiêu chí Giao thông có 01 xã đạt (Phương Xá); Tiêu chí hộ nghèo có 01 xã đạt (Phương Xá); Tiêu chí Cơ sở vật chất Văn hóa có 01 xã đạt (Phương Xá); Tiêu chí Thủy lợi có 03 xã đạt (Phương Xá, Văn Bán, Hương Lung); các tiêu chí còn lại trung bình có 10-13 xã đạt.
- Về mức độ ổn định đạt chuẩn các tiêu chí: do bộ tiêu chí chung của tỉnh thay đổi nên các tiêu chí đạt chuẩn có sự biến động nhất định, cụ thể:
+ Tiêu chí số 15 về Y tế: giảm 7 xã (năm 2013 có 17 xã đạt, năm 2014 chỉ còn 10 xã đạt).
+ Tiêu chí số 12 về Cơ cấu lao động: tăng 6 xã (năm 2013 có 12 xã đạt, năm 2014 có 18 xã đạt).
+ Các tiêu chí còn lại có sự biến động không nhiều, trung bình 1-2 xã.
- Có 01 tiêu chí không có xã nào đạt chuẩn tăng so với năm 2013 là: tiêu chí Môi trường.
7. Đánh giá chung về triển khai thực hiện Chương trình và kiến nghị đề xuất.
7.1. Mặt được:
Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng nông thôn mới ở các cấp được kiện toàn và hoàn thiện, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; hệ thống văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình được xây dựng và cơ bản hoàn thiện. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện.
7.2. Khó khăn, vướng mắc
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của một số địa phương còn lúng túng; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh thường xuyên có sự thay đổi; một số chính sách triển khai thực hiện chậm và chưa đồng bộ nên các địa phương gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
- Phần lớn các xã (kể cả các xã điểm) đều có điểm xuất phát thấp, gần như chưa đạt các tiêu chí nông thôn mới, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đảm bảo, nhu cầu nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi việc phân bổ nguồn vốn ngân sách hàng năm từ Trung ương, tỉnh và huyện rất hạn chế, việc huy động sức dân đang gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng các công trình.
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn còn lúng túng trong việc lựa chọn đầu tư các mô hình phát triển sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và có khả năng nhân rộng; trong quá trình thực hiện dự án người dân chưa mạnh dạn đầu tư, để sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn hỗ trợ, vẫn còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa có đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
- Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng còn bị hạn chế về nguồn lực, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, mức huy động từ các nguồn khác và sự tham gia đóng góp của nhân dân còn hạn chế. Việc lồng ghép từ các nguồn vốn khác với vốn chương trình nông thôn mới còn khó khăn. Tiến độ triển khai các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình còn chậm, công tác quản lý hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu khoa học.
- Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại các xã chưa được triển khai thực hiện tốt, do từng địa phương chưa xác định được thế mạnh kinh tế của mình để đào tạo ngành nghề phù hợp.
- Mô hình sản xuất được tập trung xây dựng, nhưng việc tổ chức triển khai nhân rộng chỉ mới dừng lại ở một nhóm nhỏ tham gia, chưa mang tính chất lan tỏa, chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao và chưa đồng nhất theo yêu cầu của thị trường để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
- Nguồn nhân lực phục vụ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới còn thiếu và yếu; Ban chỉ đạo cấp xã chưa huy động hết tiềm năng nội lực trong nhân dân, vẫn còn tư tưởng làm thay cho dân, chạy theo thành tích, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
- Việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo định kỳ của một số xã chưa đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo huyện; các đơn vị thường xuyên báo cáo chậm, chất lượng thấp.
7.3. Đề xuất kiến nghị
- Cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã cần phải xây dựng chương trình và quy chế làm việc cụ thể. Đặc biệt, phải phát huy được vai trò người đứng đầu cấp ủy.
- Phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.
- Mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, tránh tư tưởng nóng vội chạy thành tích.
- Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền phải thật sự đi vào chiều sâu và rộng khắp tạo niềm tin cao để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân.
(số liệu cụ thể theo các biểu đính kèm).
III. PHƯƠNG, HƯỚNG, NHIỆM VỤ, KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2015.
Một số mục tiêu và giải pháp để thực hiện Chương trình trong thời gian tới:
1. Chỉ số chung.
- Số xã đạt chuẩn: 01 xã (xã Phương Xá)
- Số xã cơ bản đạt chuẩn: 06 xã (Tuy Lộc, Sai Nga, Hương Lung, Tình Cương, Hiền Đa, Cát Trù).
- Số tiêu chí đạt chuẩn: bình quân đạt 9 tiêu chí/xã.
- Phát triển cơ sở hạ tầng: Đến năm 2015, 100% xã có đường trục được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; đường liên thôn, đường ra đồng, đường lên đồi được cứng hoá khoảng 55%, ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa; có 90% số xã có hệ thống thuỷ lợi đạt yêu cầu và 40% số kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá; bảo đảm 100% số hộ có điện dùng thường xuyên từ các nguồn. Đẩy mạnh hoàn thiện các công trình phục vụ chuẩn hoá giáo dục, nhà văn hoá khu, chợ theo tiêu chí. Không còn nhà tạm, dột nát.
- Về kinh tế và tổ chức sản xuất: Đến năm 2015, thu nhập đầu người bình quân đạt 18,5 triệu đồng; tỉ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản còn 60%; tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 40%; tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 14.5%.
- Về văn hoá - xã hội - môi trường: Đến năm 2015, có trên 80% số khu đạt tiêu chuẩn văn hoá, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở; giữ vững kết quả chuẩn quốc gia về y tế xã; có 95% số hộ được dùng nước sạch và hợp vệ sinh; có 80% số hộ có nhà vệ sinh hợp vệ sinh và 80% số hộ nông dân có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.
- Về hệ thống chính trị: Các xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận. Có 50% trở lên đảng bộ các xã đạt tiêu chuẩn vững mạnh; có 50% trở lên chính quyền cơ sở đạt trong sạch vững mạnh; có 55% trở lên tổ chức đoàn thể vững mạnh. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
2. Công tác quản lý, chỉ đạo Chương trình
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ đảng, hiệu quả điều hành của chính quyền đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở nông thôn, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
3. Công tác tuyên truyền, vận động và thi đua xây dựng NTM
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới; nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, cấp trên; khơi dậy tính tích cực, tự giác của cộng đồng dân cư, các thành phần kinh tế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
4. Công tác đào tạo, tập huấn
Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nâng cao về trình độ chuyên môn, lý luận, kiến thức quản lý nhà nước; quan tâm đào tạo cán bộ chuyên môn về nông nghiệp, nông thôn, nhất là chuyên môn kỹ thuật về khuyến nông.
Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đa ngành, tăng cường đào tạo tại chỗ, truyền nghề, thực nghiệm trên các mô hình sản xuất.
5. Huy động và bố trí nguồn lực:
Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp, vốn tín dụng, cùng các nguồn lực khác từ cộng đồng, đóng góp của nhân dân tham gia đầu tư, xây dựng các công trình theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã); vốn lồng ghép từ các dự án, chương trình có mục tiêu; nguồn lực huy động doanh nghiệp và nhân dân… những giải pháp huy động nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh nâng hạn mức phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với các xã, đặc biệt là các xã chỉ đạo điểm, xã đã gần đạt chuẩn nông thôn mới (xã Phương Xá) giai đoạn 2011-2015 tạo điều kiện cho huyện tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng nông thôn mới, nhằm đảm bảo nguồn lực để huyện chỉ đạo thực hiện chương trình hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch được giao.
2. Đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh tăng cường mở các khóa đào tạo, tập huấn cho các bộ cấp xã, thôn làm công tác xây dựng nông thôn mới. Tổ chức cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã được đi tham quan, học tập tại các xã, các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương đến nay đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, để vận dụng trong công tác chỉ đạo, thực hiện chương trình.
3. Đề nghị các Sở, Ban Ngành của tỉnh thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện từng tiêu chí liên quan đến từng lĩnh vực Ngành phụ trách theo từng năm.
4. Đối với nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Trung ương phân bổ hàng năm, đề nghị UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành đề xuất cho thời hạn quyết toán như nguồn vốn đầu tư phát triển (thời hạn đến hết tháng 6 của năm sau), vì một số mô hình phát triển sản xuất khi triển khai thực hiện đòi hỏi cần phải có thời gian dài.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của UBND huyện Cẩm Khê./.
Nơi nhận:
- UBND tỉnh ( b/c);
- BCĐ CTMTQGXDNTM tỉnh (b/c);
- Sở NN&PTNT( b/c);
- TTHU, TTHĐND huyện ( b/c);
- CT, các PCT.UBND huyện;
- BCĐ CTMTQGXDNTM huyện;
- BCĐ, BQL CTNTM các xã;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Minh Tuấn
|