UỶ BAN NHÂN DÂN
HUYỆN ĐOAN HÙNG
Số: 09 /BC-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
Đoan Hùng, ngày 21 tháng 01 năm 2015
|
BÁO CÁO
Kết quả chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014.
Phương hướng nhiệm vụ năm 2015.
Thực hiện Công văn số 5689/BCĐ-KT5 ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ về việc Báo cáo kết quả chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014. UBND huyện Đoan Hùng báo cáo kết quả thực hiện Chương trình như sau:
PHẦN THỨ NHẤT
I. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình năm 2014.
1. Công tác chỉ đạo, quản lý điều hành
1.1 Cấp huyện
- Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện tiếp tục được củng cố và tăng cường hoạt động. Qui chế họp BCĐ 3 tháng 1 lần đã được duy trì. Các thành viên BCĐ huyện theo chức năng, địa bàn được phân công bám nắm cơ sở đôn đốc triển khai thực hiện chương trình.
Trong năm 2014, BCĐ huyện đã ban hành 1 kế hoạch năm, 4 văn bản hướng dẫn 3 văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch. Công tác kiểm tra tiếp tục được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm kết hợp với công tác kiểm tra sản xuất vụ chiêm xuân BCĐ đã tiến hành 4 đợt đi kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở thực hiện các kế hoạch đề ra.
- Công tác phối hợp chỉ đạo giữa các phòng, ban chức năng trong huyện đã thực hiện tốt. Việc lựa chon hạng mục đầu tư, phân bổ nguồn vốn, phân công chỉ đạo thực hiện đã có sự bàn bạc thống nhất giữa các phòng ban chuyên môn; việc lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.
- Phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức hội nghị biểu dương hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với sơ kết một năm triển khai Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân huyện về xây dựng khu dân cư, hộ gia đình nông thôn mới.
1.2. Cấp xã
- Ban chỉ đạo xây dựng nong thôn mới các xã tiếp tục được kiện toàn và củng cố. Ban chỉ đạo các xã trên cơ sở Kế hoạch đã xây dựng và các văn bản hướng dẫn của tỉnh của huyện đã chủ động triển khai chương trình. Ngay từ đầu năm BCĐ các xã đã ban hành nghị quyết về xây dựng NTM và có kế hoạch, giải pháp thực hiện. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch đã đề ra cũng được các xã quan tâm chỉ đạo. Công tác chỉ đạo đã có trọng tâm trọng điểm trên cơ sở thực trạng lợi thế của địa phương các xã đã lựa chọn các tiêu chí, chỉ tiêu dễ thực hiện làm trước, lựa chọn thôn điển hình để tập trung chỉ đạo, tập trung đầu tư xây dựng thôn đạt tiêu chí nông thôn mới để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.
- Ban phát triển thôn: Trên cơ sở đề án qui hoạch trên địa bàn Ban phát triển thôn đã phát huy vai trò chủ động tích cực trong xây dựng nông thôn mới. BPT thôn đã tổ chức thông tin, tuyên truyền, về chủ trương chính sách xây dựng NTM, các chương trình dự án, cơ chế đầu tư, chính sách hỗ trợ đến nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân tham gia xây dựng đề án dự án, lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện dự án, đề án tại địa bàn cấp thôn, xóm;
- Thành viên BCĐ, BQL cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn và địa bàn phụ trách đã tích cực theo dõi địa bàn, chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp, biện pháp giúp thôn thực hiện tốt kế hoạch đề ra. về cơ bản các thành viên BCĐ các xã đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phân công.
1.3. Đánh giá chung
Ưu điểm: Công tác chỉ đạo từ huyện đến cơ sở tiếp tục được tăng cường, Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục được củng cố và thường xuyên hoạt động, công tác chỉ đạo đã có trọng tâm, trọng điểm, công tác phối hợp trong chỉ đạo, việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đã thực hiện tốt
Nhược điểm: ở một số xã một số thành viên BCĐ còn thiếu tích cực, thiếu tính chủ động trong công việc được phân công.
2. Công tác tuyên truyền, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua
- Tiếp tục triển khai cuộc vận động “ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào thi đua “ cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Chủ tịch UBND tỉnh phát động ngày 22/9/2011 trên địa bàn huyện:
+ Công tác tuyên truyền tiếp tục được quan tâm triển khai. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là nông dân, các doanh nghiệp, hội viên các đoàn thể quần chúng trong huyện, nội dung có trọng điểm là xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. hình thức tuyên truyền tiếp tục được đa dạng hóa .Trong năm 2014 đã xây dựng 10 khẩu hiệu, 11 pa nô áp phích, 3 chuyên đề trên đài truyền thanh huyện, 54 buổi phát thanh trên đài truyền thanh các xã, 27 cuộc họp cấp xã, 266 cuộc họp cấp thôn để tuyên truyền vận động;
+ Trong 6 tháng đầu năm năm tổ chức 2 đợt tuyên truyền với số lượt người tham gia trên 6.000 lượt người;
+ Cuối năm 2014 phối hợp với tổ chức PLAN tổ chức cuộc thi tìm hiểu về nông thôn mới với qui mô cấp huyện có 17 xã tham gia với số lượt người tham dự trên 600 lượt người có tác dụng tuyên truyền cao.
- Trong năm đã in sao 5 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, trung ương cho cơ sở, cấp phát 1330 khẩu hiệu tuyên truyền tới các khu dân cư trên địa bàn huyện.
- Qua công tác tuyên truyền vận động, ý thức của người dân được nâng lên, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới chủ yếu là sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và người dân có vai trò là chủ thể quan trọng.
3. Công tác đào tạo, tập huấn
- Trong năm phối hợp với BCĐ tỉnh mở lớp đào tạo nghiệp vụ quản lí, giám sát cộng đồng, xây dựng kế hoạch thôn bản cho hơn 300 lượt người.
- Lồng ghép chương trình Pland tập huấn nghiệp vụ lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho hơn 130 thôn bản với số lượt người tham gia hơn 200 người.
- Phối hợp với Liên minh HTX đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ HTX của 27 HTX với các đối tượng là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, trưởng ban KS, kế toán HTX.
4. Công tác huy động nguồn lực:
- Đầu tư cơ sở hạ tầng nguồn ngân sách tỉnh, huyện, trung ương
+ Giao thông: Thực hiện lồng ghép với Chương trình Giảm nghèo bền vững và giao thông nông thôn của huyện xây dựng được 30 km đường giao thông nông thôn với tổng số tiền 22.117 triệu đồng.
+ Cơ sở vật chất văn hóa: 3.994 triệu đồng
+ Trường học: 6.460 triệu đồng
+ Hỗ trợ sản xuất thực hiện lồng ghép với chương trình 135: 2.603 triệu đồng
- Tổng số có 1.500 hộ hiến đất, tài sản gắn liền với đất (đất ở, vườn…) ước tính 3.095 m2 trên địa bàn 27 xã; kinh phí ước tính trên 100 triệu đồng
- Vốn dân đầu tư cải tạo công trình nhà cửa sân vườn và các công trình dân sinh ước tính 100 tỷ đồng
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI.
1. Công tác lập qui hoạch, đề án xây dựng NTM
1.1 Lập qui hoạch xây dựng NTM.
- Năm 2014 tập trung vào công tác rà soát qui hoạch và cắm mốc qui hoạch hạ tầng giao thông tại 5 xã giai đoạn 1. Tiếp tục đôn đốc các xã công bố công khai quy hoạch, điều chỉnh một số hạng mục trong quy hoạch Nông thôn mới phù hợp với các quy hoạch kinh tế xã hội trên đại bàn huyện. Nhìn chung công tác qui hoạch, công tác xây dựng đề án Nông thôn mới đảm bảo chất lượng, phù hợp với các qui hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, đáp ứng được vai trò định hướng phát triển kinh tế xã hội trên tất cả các lĩnh vực của địa phương các xã xây dựng nông thôn mới.
2. Công tác phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân
2.1. Kết quả triển khai
Thực hiện Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 18/02/2014 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc giao vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014; Căn cứ Hướng dẫn số 198/HD-SNN ngày 17/3/2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ nông thôn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ năm 2014, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đoan Hùng đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã lập Dự án và Dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2014 với các nội dung sau đây:
2.1.1. Nội dung và quy mô đầu tư
- Quy mô: Có 27 xã với 2.560 hộ, nhóm hộ tham gia hưởng lợi và 41 mô hình. Cụ thể như sau:
+ Mô hình bưởi: 17 mô hình thâm canh 205,6 ha bưởi đặc sản của 16 xã; 5 mô hình trồng mới 20,8 ha bưởi đặc sản của 5 xã; 10 mô hình trồng mới 65,21 ha bưởi Diễn ở 10 xã phía Nam;
+ Mô hình chè: Trồng cải tạo 2,8 ha chè.
+ Mô hình lúa: 3 mô hình có diện tích 11 ha.
+ Mô hình chăn nuôi: 4 mô hình, trong đó 2 mô hình chăn nuôi gà 4100 con gà thả vườn và 2 mô hình chăn nuôi lợn đực ngoại.
+ Hỗ trợ 7 HTX mua máy móc, vật tư, thiết bị.
- Nội dung:
+ Tập huấn, tuyên truyền chuyển giao kỹ thuật trồng thâm canh, chăm sóc cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
+ Hỗ trợ vật tư, giống chất lượng có kèm theo hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc khoa học, hiệu quả.
+ Xây dựng mô hình tiên tiến nhân rộng ra diện rộng.
2.1.2. Tổng kinh phí dự toán: 6.620.324.100 đồng
Gồm có:
+ Chương trình MTQG đầu tư: 2.159.000.000 đồng
+ Vốn lồng ghép: 134.375.000 đồng
+ Dân đóng góp: 4.406.524.500 đồng
2.2. Đánh giá tính hiệu quả các mô hình được phổ biến nhân rộng
Nhìn chung bằng nguồn vốn trực tiếp của chương trình, cộng với sự đóng góp của người dân, vốn lồng ghép của các chương trình, dự án về nông nghiệp nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất bước đầu đã đạt được kết quả khá, được phổ biến nhân rộng:
- Mô hình áp dụng kỹ thuật mới trong thâm canh nhằm cải tạo, phục hồi và phát triển bền vững bưởi đặc sản Đoan Hùng. Sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ và thụ phấn bổ sung đã mang lại hiệu quả rõ rệt:
+ Về sinh trưởng, phát triển: Cây bưởi đặc sản sinh trưởng đồng đều trở lại, tốc độ sinh trưởng khá, các chỉ tiêu theo dõi về chiều cao cây, cấp cành, số đợt lộc tập trung đều cao hơn so với đối chứng. Các loại sâu bệnh hại đã được khống chế.
+ Về năng suất, chất lượng: Hiện tượng rụng quả non được hạn chế, cải thiện đáng kể tỷ lệ đậu quả và khả năng giữ quả tốt hơn. Năng suất quả và kích thước quả đồng đều và ổn định hơn.
+ Về giá trị kinh tế: hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật là rất lớn. Với mô hình thâm canh bưởi Chí Đám, giá trị kinh tế mang lại là 669 triệu đồng/ha, với mô hình bưởi Bằng Luân là trên 307 triệu đồng/ha.
+ Mô hình đã được phổ biến, triển khai nhân rộng ở nhiều địa phương, tổng diện tích áp dụng mô hình năm 2014 là trên 600 ha (trong đó có 205,6 ha thuộc dự án hỗ trợ sản xuất chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2014).
- Mô hình trồng cải tạo chè, sử dụng giống chè LDP2- có khả năng chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh khá, khả năng cho năng suất cao hơn giống đối chứng từ 30 – 40%. Mô hình này hiện đang được nhân rộng tại các xã trong huyện (năm 2014, thực hiện chương trình lồng ghép hỗ trợ trồng cải tạo 120 ha chè của 15 xã).
- Mô hình sản xuất lúa sử dụng giống mới (giống GS9, PAC837,..), áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI. Các giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ tốt, phẩm chất gạo thơm, ngon.
3. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu
3.1. Kết quả đầu tư các công trình bằng nguồn vốn hỗ trợ vốn trực tiếp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014
- Dự án đầu tư trực tiếp từ vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014: Kế hoạch vốn trực tiếp từ chương trình nông thôn mới năm 2014 là 13.406 triệu đồng (Thực hiện Quyết định 471/QĐ-UBND ngày 28/2/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về việc giao vốn trái phiếu chính phủ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2014), cụ thể: Xây dựng 29 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm:
+ Công trình giao thông nông thôn (22 công trình): Bố trí 1.526 triệu đồng trả nợ cho 3 công trình (xã Chí Đám, Vân Du, Chân Mộng); 1.309 triệu đồng để hoàn thành 3 công trình chuyển tiếp (xã Chí Đám, Bằng Luân, Phương Trung); 10.571 triệu đồng cho khởi công mới 16 công trình của các xã còn lại với số lượng 16,2 km theo cơ chế đặc thù Nhà nước hỗ trợ xi măng, một phần cát sỏi, nhân dân đóng góp một phần cát sỏi, ngày công đã phát huy hiệu quả đầu tư, thể hiện tốt vai trò đóng góp của cộng đồng dân cư đối với công trình hạ tầng giao thông nông thôn.
+ Công trình Thủy lợi: Khởi công mới công trình kênh mương tiêu úng thôn 4 xã Phú Thứ tổng mức đầu tư 550 triệu đồng, vốn bố trí 2014 là 383 triệu đồng.
+ Công trình trường học (4 công trình): Bố trí 613 triệu đồng trả nợ công trình Nhà điều hành trường Mầm non xã Chân Mộng; 2.298 triệu đồng cho xây dựng mới trường tiểu học và mầm non các xã Nghinh Xuyên, Hữu Đô, Minh Phú.
+ Công trình cơ sở vật chất văn hóa: Xây dựng nhà văn hóa thôn 7 và thôn Tân Long xã Tây Cốc với tổng mức đầu tư là 1.000 triệu đồng, vốn bố trí năm 2014 là 383 triệu đồng.
4. Về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường.
4.1 Công tác giáo dục đào tạo:
Mạng lưới trường học tiếp tục được củng cố và tăng cường; đội ngũ giáo viên ổn định về số lượng, từng bước được chuẩn hóa nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. chất lượng giáo dục các cấp học được giữ vững và nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT đạt cao hơn năm trước. Xây dựng 02 trường đạt chuẩn Quốc gia nâng số trường đạt chuẩn lên 48/84 trường đạt 57,1%.
4.2. Công tác y tế:
Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, các bệnh viện đa khoa tiếp tục được đầu tư, thiết bị y tế từng bước được trang bị hiện đại. Chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ người bệnh ngày một nâng lên, Công tác y tế dự phòng, phát hiện sớm dịch bệnh được tăng cường. Công tác xây dựng xã đạt chuẩn y tế được quan tâm thực hiện. Năm 2014 có thêm 8 xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.
4.3 Công tác văn hóa:
Công tác quản lí nhà nước về văn hóa, dịch vụ văn hóa thông tin được duy trì. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. năm 2014 có 84,1% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “ gia đình văn hóa” tăng 0,6 % so với năm 2013; 81,6 % khu dân cư được công nhận và gữ vững danh hiệu “ khu dân cư văn hóa”. Có 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
4.4. Công tác môi trường:
Công tác quản lí tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường. công tác thu gom, xử lí rác thải, khắc phục ô nhiễm khu tập trung đông dân cư ở một số xã đã được chú trọng.
5. Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
- Việc xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh trong những năm qua tập trung vào việc củng cố hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng, Chính quyền, Đoàn thể nhân dân từ xã đến thôn. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các đợt vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cấp trên. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, kế hoạch của UBND xã đối với các Đoàn thể, các thôn, xóm để phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế xã hội hàng năm của xã đề ra.
- Thường xuyên quan tâm và có chính sách ưu tiên, khuyến khích cán bộ tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc được giao.
- Chỉ đạo việc củng cố các hoạt động của các tổ tuần tra nhân dân, tổ liên gia tự quản, thường xuyên nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại các thôn xóm, sử lí kịp thời các vụ việc xảy ra, giữ vững phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Chú trọng xây dựng lực lượng Công an thôn xã, dân quân tự vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn tốt.
- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Công an xã, thôn với lực lượng Quân đội đóng trên địa bàn và các ngành, Đoàn thể trong công tác vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Các tiêu chí về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, gìn giữ an ninh trật tự, xã hội trong những năm qua luôn đạt 98-100%.
6. Đánh giá kết quả đạt được theo Bộ tiêu chí nông thôn mới (Biểu 01)
Tiêu chí 1 (Quy hoạch) có 27/27 xã đạt; tiêu chí 2 (giao thông) có 1 xã hoàn thành đạt 3,7%; Tiêu chí 3 (thủy lợi) chưa có xã nào đạt; Tiêu chí 4 (điện) có 27 xã đạt tăng 1 xã so với 2013; Tiêu chí 5 (Trường học) có 12/27 xã đạt tăng 3 xã so với năm 2013; Tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa) có 1/27 xã đạt; Tiêu chí 7 (chợ nông thôn) 6 xã đạt; Tiêu chí 8 (Bưu điện) có 27/27 xã đạt tăng 2 xã so với năm 2013; Tiêu chí 9 (Nhà ở dân cư) có 12 xã đạt tăng 3 xã so với năm 2013; Tiêu chí 10 (Thu nhập) có 16 xã đạt, tăng 8 xã so với năm 2013; Tiêu chí 11 (Hộ nghèo) có 10 xã đạt, tăng 2 xã so với năm 2013; Tiêu chí 12 (Cơ cấu lao động) có 23/27 xã đạt, giảm 1 xã so với năm 2013; Tiêu chí 13 (Hình thức tổ chức sản xuất) có 24 xã đạt, tăng 10 xã so với năm 2013; Tiêu chí 14 (Giáo dục) có 16 xã đạt, tăng 5 xã so với năm 2013; Tiêu chí 15 (Y tế) đã có 22/27 xã đạt tăng 3 xã so với năm 2013; Tiêu chí 16 (Văn hóa) có 24 xã đạt, tăng 3 xã so với năm 2013; Tiêu chí 17 (Môi trường) có 4 xã đạt, tăng 1 xã so với năm 2013; Tiêu chí 18 (Hệ thống chính trị) có 27 xã đạt, tăng 1 xã so với năm 2013; Tiêu chí 19 (An ninh trật tự xã hội) 27/27 xã đã đạt. Cụ thể đánh giá đạt tiêu chí theo các mức: - Số xã đạt 15-18 tiêu chí là 02 xã: Chí Đám, Minh Tiến. - Số xã đạt 13-14 tiêu chí là 04 xã: Vân Du, Bằng Luân, Chân Mộng, Sóc Đăng. - Số xã đạt 10-12 tiêu chí là 17 xã: Hùng Quan, Quế Lâm, Tiêu Sơn, Ngọc Quan, Phong Phú, Vân Đồn, Tây Cốc, Phúc Lai, Minh Phú, Ca Đình, Hữu Đô, Đại Nghĩa, Hùng Long, Vụ Quang, Bằng Doãn, Phương Trung, Nghinh Xuyên. - Số xã đạt 5-9 tiêu chí là 04 xã: Yên Kiện, Đông Khê, Phú Thứ, Minh Lương.
- Số xã đạt dưới 5 tiêu chí: Không có xã nào.
(Chi tiết biểu 01)
III. Đánh giá chung
1. Đánh giá kết quả đạt được năm 2014
Năm 2014, Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, đoàn thể và sự đồng lòng chung sức của người dân. Vì thế, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn huyện. Kinh tế của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt. Ban chỉ đạo huyện đã xác định tiêu chí nào thuận lợi sẽ cho triển khai thực hiện trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng quê hương giàu đẹp. Từ đó các tiêu chí đã thực hiện tốt, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tiến hành duy tu sửa chữa các tuyến lộ Giao thông, đê bao, thủy lợi; phong trào vận động phát triển kinh tế hợp tác; ý thức về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được nhân dân hưởng ứng tích cực nên cho năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản không ngừng được tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân luôn được cải thiện. Công tác xóa đói giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Nổi bật là sản xuất phát triển, thu nhập người dân tăng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp, trật tự xã hội được đảm bảo, cảnh quan môi trường được sạch đẹp, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
2. Tồn tại hạn chế
- Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí có nâng lên nhưng chưa đồng đều; Cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí qui định, nhưng mức độ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
- Công tác chỉ đạo ở một số xã vẫn còn thiếu quyết liệt, chưa thực sự sát sao, kết quả đạt được chưa rõ nét; trách nhiệm các thành viên BCĐ xã chưa cao, năng lực triển khai còn hạn chế, việc kiểm tra, giám sát còn chưa thường xuyên, chất lượng kiểm tra, giám sát chưa toàn diện;
- Một bộ phận cán bộ và người dân chưa nhận thức đầy đủ, đặc biệt chưa tạo được sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể; một số xã chưa tổ chức phát động thi đua xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của huyện; một số xã chưa xác định lộ trình, giải pháp thực hiện chương trình, còn lúng túng, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; việc lựa chọn tiêu chí và giải pháp thực hiện cho từng tiêu chí còn thiếu cụ thể; việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn yếu.
- Đội ngũ cán bộ theo dõi, đôn đốc chương trình nông thôn mới của một số xã những năm qua liên tục có sự thay đổi, luân chuyển do công tác bố trí cán bộ nên thiếu kiến thức, kinh nghiệm triển khai, một số năng lực làm việc yếu chưa đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
- Đề xuất kiến nghị: Tỉnh nên bố trí cho cấp huyện một biên chế cán bộ chuyên trách theo dõi công tác nông thôn mới
PHẦN THỨ HAI
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng
nông thôn mới năm 2015.
Một số mục tiêu và giải pháp để thực hiện Chương trình trong thời gian tới:
1. chỉ số chung:
- Số xã đạt 19 tiêu chí là 02: xã Minh Tiến, Chi Đám.
- Số xã đạt 16 tiêu chí là 03: xã Vân Du, Bằng Luân, Chân Mộng.
- Số xã đạt 14 tiêu chí là 03: xã Hùng Quan, Sóc Đăng, Phúc Lai.
- Số xã đạt 13 tiêu chí là 04: xã Quế Lâm, Tiêu Sơn, Ngọc Quan, Phong Phú
- Số xã đạt 12 tiêu chí là 03: xã Vân Đồn, Tây Cốc, Vụ Quang.
- Số xã đạt 11 tiêu chí là 07: xã Minh Phú, Yên Kiện, Hữu Đô, Đại Nghĩa, Hùng Long, Phương Trung, Nghinh Xuyên.
- Số xã đạt 10 tiêu chí là 03: xã Ca Đình, Bằng Doãn, Đông Khê.
- Số xã đạt 09 tiêu chí là 02: xã Phú Thứ, Minh Lương.
Các mục tiêu khác:
- Có 50% cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên sâu.
- Phấn đấu phát triển sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững. Triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện.
- Tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án để phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới; và các mục tiêu khác
2. Công tác quản lý, chỉ đạo chương trình
- Tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để tạo sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào Chương trình. Nâng cao, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền và của mọi người dân trong xây dựng NTM. Phát huy tính gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ đảng viên, nói đi đôi với làm chống quan liêu, hình thức.
- Tăng cường trách nhiệm của từng thành viên BCĐ từ huyện đến xã. Các thành viên BCĐ phải chịu trách nhiệm về địa bàn phân công và lĩnh vực mình phụ trách. Tập trung đối với các xã điểm và xã đạt dự kiến NTM năm 2015; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, theo dõi chặt chẽ công tác báo cáo định kỳ kết quả thực hiện của các địa phương;
- Tập trung chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới ở toàn bộ các xã giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch chi tiết xây dựng NTM năm 2015
3. Công tác tuyên truyền, thi đua xây dựng nông thôn mới
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” do Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động ở tất cả các xã.
- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thi đua xây dựng xã, khu dân cư, gia đình nông thôn mới theo kế hoạch 731/KH-UBND ngày 6/9/2013 của UBND huyện.
- Đa dạng hóa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ quan điểm, mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM, chú trọng phổ biến các cách làm hay, các điển hình về xây dựng NTM để mọi người và các đơn vị học tập làm theo.
- Phát huy vai trò, thế mạnh của hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, phối hợp tốt với các cộng tác viên để có nhiều tin bài viết về chủ đề NTM.
4. Phát triển sản xuất và đổi mới hình thức sản xuất.
- Quyết định, lựa chọn một cách khoa học, sát thực tế với từng địa phương những nội dung, việc làm cần ưu tiên thực hiện trước trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Chủ động, tích cực huy động các nguồn lực cho Chương trình theo hướng huy động nguồn lực tại chỗ là chính, trong dân là chính phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Đồng thời làm tốt công tác vận động các tổ chức, Doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn và những người con xa quê hương đóng góp chung tay xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu qủa nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng loại hình HTX dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp; bảo tồn và phát triển các làng nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục làm tốt công tác dồn đổi ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo ra các ô thửa lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tăng thu hập cho người dân. Phát huy mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu
- Tiếp tục đổi mới việc phân cấp đầu tư, chủ động giao cho cộng đồng dân cư xây dựng các công trình phù hợp với năng lực để vừa nâng cao được ý thức, trách nhiệm xây dựng quê hương, vừa nâng cao thu nhập, tạo việc làm, nâng cao trình độ quản lý cho cộng đồng dân cư, tạo sự hứng khởi và đồng thuận trong việc thực hiện các nội dung của Chương trình; hạn chế việc khoán trắng cho các nhà thầu thi công; đồng thời tăng cường công tác quản lý việc sử dụng vốn đầu tư của Chương trình để đảm bảo số vốn được cấp sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực cho đời sống và sản xuất của người dân. Tập trung đầu tư ưu tiên trước những công trình mang ý nghĩa, lợi ích cộng đồng cao; quan tâm đúng mức việc hỗ trợ các công trình ở cấp thôn, khu dân cư.
- Quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như: nước sạch, trường học, trạm y tế, môi trường, giao thông, thuỷ lợi. Đồng thời làm tốt việc giám sát, kiểm tra chất lượng các công trình, tổ chức nghiệm thu bàn giao chặt chẽ, xây dựng qui chế, qui định quản lí sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành. Tăng cường giao cho cộng đồng dân cư thực hiện công trình gắn liền lợi ích của họ để huy động nguồn lực của người dân.
- Xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp như: mặt bằng, miễn giảm thuế, tạo điều kiện phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ... tạo cơ chế thông thoáng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát huy dân chủ, công khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
IV. Kiến nghị đề xuất
- Duy trì và mở rộng chương trình hỗ trợ xi măng làm đường bê tông nông thôn và cứng hóa kênh mương, thủy lợi nội đồng để tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí về giao thông, thủy lợi.
Nơi nhận:
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Văn phòng ĐP CTMTQG XD NTM tỉnh;
- TTHU; TT HĐND;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Đình Thu
|