ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN HẠ HÒA
Số: 08 /BC - UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
Hạ Hoà, ngày 28 tháng 01 năm 2015
|
BÁO CÁO
Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2014; Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình năm 2015
Căn cứ văn bản số số 5689/BCĐ –KT5 ngày 31/12/2014 của Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ về việc báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015; căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện chương trinh xây dựng NTM năm 2014 của huyện. UBND huyện báo cáo kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình đạt được trên các lĩnh vực cụ thể như sau:
Phần thứ nhất
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ:
1. Cấp huyện:
1.1. Kết quả lập và hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) và bộ phận giúp việc BCĐ ở cấp huyện:
Trong năm 2014, đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQGXDNTM huyện Hạ Hòa thay thế BCĐ xây dựng NTM huyện Hạ Hòa gồm 28 thành viên do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban, các phó chủ tịch làm phó ban, thành viên là trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan; Ban chỉ đạo đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong BCĐ để chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; thành lập Tổ thẩm định dự toán hỗ trợ phát triển sản xuất; Hợp tác xã, ngành nghề - Làng nghề nông thôn gồm 6 thành viên do đồng chí phó trưởng phòng NN&PTNT làm tổ trưởng ; kiện toàn thành viên Tổ thẩm định tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới gồm 24 thành viên do đồng phó CTUBND huyện làm tổ Trưởng. Đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2013 và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2014.
1.2. Việc ban hành các văn bản điều hành Chương trình:
- Thường trực huyện Huyện ủy đã ban hành kết luận số 491-TB/HU ngày 15/4/2014 thông báo kết luận huyện ủy về triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2014; UBND huyện đã ban hành văn bản số 47 /BC-UBND ngày 15/4/2014 của UBND huyện về triển khai Kế hoạch CTMTQG xây dựng NTM năm 2014 trên địa bàn huyện; văn bản số 398/UBND-NN ngày 22/4/2014 của UBND huyện về việc tập trung chỉ đạo thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình MTQGXDNTM năm 2014; văn bản số 381/HD-UBND ngày 18/4/2014 của UBND huyện về Hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc CTMTQGXDNTM năm 2014 nguồn vốn trái phiếu Chính Phủ.
- Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành các cơ quan, đơn vị và các xã thực hiện các nội dung, sử dụng nguồn vốn được phân bổ tại quyết định 342/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ theo đúng quy định, đúng định hướng và đảm bảo thời gian.
- Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành các cơ quan, đơn vị và các xã thực hiện các nội dung, sử dụng nguồn vốn được phân bổ tại quyết định 342/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ theo đúng quy định, đúng định hướng và đảm bảo thời gian.
- Ban chỉ đạo CTMTQGXDNTM huyện đã thành lập 03 đoàn kiểm tra chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới kể từ khi thực hiện chương trình đến tháng 11 năm 2014 tại 12 xã trên địa bàn huyện. Các xã còn lại tự kiểm tra và báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo.
1.3. Đánh giá chung về những thuận lợi, hạn chế về công tác chỉ đạo, các tồn tại liên quan đến bộ máy thực hiện Chương trình, sự phối hợp giữa các Ban ngành, các chương trình, dự án trên địa bàn cho xây dựng NTM. Xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục.
- Ban chỉ đạo CTMTQGXD nông thôn mới huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp công tác với UBMT Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong tổ chức thực hiện chương trình như: Phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp triển khai công tác đào tào nghề, xây dựng các mô hình sản xuất; tổ chức triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới” và xây dựng kế hoạch chỉnh trang, tu sửa nhà văn hoá khu dân cư.
- Thành viên trong BCĐ cấp huyện, Trưởng các phòng, đơn vị, được phân công theo dõi, phụ trách trên các lĩnh vực đã tích cực bám sát cơ sở và hướng dẫn của cấp trên, đề xuất các giải pháp để định hướng cho các xã triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu với Ban chỉ đạo huyện đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ các chương trình để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương như: Chính sách hỗ trợ chương trình sản xuất lương thực; Xây dựng mô hình cánh đồng một giống lúa, chương trình hỗ trợ đàn bò cái lai Sind; kế hoạch chỉnh trang nhà văn hoá khu dân cư... Phổ biến, thông tin đến các xã những chủ trương, chính sách, trình tự thực hiện các chương trình hỗ trợ của tỉnh và huyện để tổ chức, triển khai.
2. Kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) Cấp xã:
- UBND các xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban giám sát cộng đồng, Ban phát triển thôn để kịp thời triển khai xây dựng Chương trình nông thôn mới theo định hướng của UBND huyện. Các thành viên đã bám sát các khu dân cư để tuyên truyền và chỉ đạo triển khai các văn bản hướng dẫn của tỉnh và huyện về Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2014. Đồng thời rà soát, xác định và đăng ký những tiêu chí phấn đấu đạt chuẩn năm 2014 với UBND huyện.
- Tổ chức triển khai họp các khu dân cư để phổ biến, tuyên truyền Chương trình xây dựng nông thôn mới; thông báo nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để người dân lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp đối với từng địa phương và khả năng tham gia đối ứng của người dân, các tổ chức tham gia chương trình.
- Xây dựng các Panô theo mẫu do Văn phòng điều phối tỉnh hướng dẫn đặt tại nhà văn hóa các khu dân cư, trụ sở UBND các xã và khu đông dân cư.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:
1. Kết quả thực hiện các mục tiêu:
- Theo lộ trình thực hiện năm 2014 có 5 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn là xã Gia Điền; các xã còn lại cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (Hiền Lương, Mai Tùng, Vụ Cầu, Chuế Lưu). Đến hết năm 2014 mới có 02 xã cơ bản đạt chuẩn (là xã Gia Điền 18 TC; Hiền Lương 17 TC).
- Về kinh tế-xã hội có những chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 18 triệu đồng/năm (so với năm 2013 cao hơn 1 triệu đồng). Năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo còn 9,14% (giảm 2,46% so với năm 2013) .
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong năm: Tổng số 1650 lao động/1500 lao động, đạt 110% so với kế hoạch.
- Lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; các dịch vụ về giáo dục, y tế được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ:
2.1. Công tác tuyên truyền:
- Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, xã, UBMT Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các khu dân cư đã tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng, vì lợi ích cộng đồng của chương trình xây dựng nông thôn mới và vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức thực hiện chương trình. Kết quả đã tổ chức: 310 hội nghị; xây dựng 409 panô; tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện, xã 160 lượt tin bài về các nội dung xây dựng nông thôn mới; Triển khai tiếp nhận và treo 1.570 tranh ảnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại các nhà văn hóa khu dân cư và UBND các xã do văn phòng Điều phối NTM tỉnh Phú Thọ cấp. Tổ chức phát động thực hiện kế hoạch chỉnh trang nhà văn hoá ở khu dân cư. Có trên 9.000 lượt người trực tiếp được tiếp cận các thông tin tham gia các nội dung liên quan đến Chương trình.
Tổng kinh phí thực hiện cho công tác tuyên truyền trong năm 2014: 257 triệu đồng.
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới; tạo cơ sở, động lực triển khai phong trào thi đua “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn toàn huyện trong những năm tiếp theo.
2.2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng:
Đã tổ chức 27 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 959 lượt học viên tham gia, trong đó:
- Cấp huyện tổ chức 3 lớp theo kế hoạch phối hợp với 3 đoàn thể huyện: Hội nông dân; UBMTTQ huyện; Liên đoàn LĐ huyện với 240 lượt cán bộ hội và đoàn viên công đoàn tham gia với 240 người tham gia. Nội dung kiến thức về xây dựng Nông thôn mới, quản lý chương trình;
- Văn phòng điều phối chương trình cấp tỉnh tổ chức 5 lớp với 56 cán bộ cấp xã tham gia;
- UBND tỉnh đã quyết định cho huyện được phối hợp với các trung tâm đào tạo tổ chức 19 lớp với 633 học viên. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng gồm: Kỹ thuật trồng chè, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi.
2.3. Về huy động nguồn lực:
- Cùng với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu QGXDNTM hàng năm được cấp trên phân bổ; cấp ủy, chính quyền huyện đã tích cực chỉ đạo khai thác nguồn thu trên địa bàn; huy động nguồn đóng góp của nhân dân để triển khai thực hiện Chương trình: tập trung thực hiện các nội dung phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng; chỉnh trang nhà văn hóa khu dân cư và đầu tư thêm các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Tổng nguồn vốn đầu tư huy động trong năm 2014: 545.045,6 Triệu đồng; trong đó:
- Ngân sách TW: 17.859 triệu đồng;
- Nguồn vốn lồng ghép: 46.884 triệu đồng;
- Nguồn vốn xã: 152 triệu đồng;
- Nguồn vốn cho hộ nghèo vay (NHCS): 99.074 triệu đồng cho 4.476 hộ;
- Vốn 02 Quỹ tín dụng (Gia Điền, Ấm Hạ): 58.990 triệu đồng;
- Nguồn vốn đóng góp của dân: 164.332,6 triệu đồng;
- Nguồn khác: 5.914 triệu đồng;
2.4. Thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới:
Căn cứ Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh (Ban hành theo Quyết định số 3883/QĐ-UBND ngày 18/11/2009 của UBND tỉnh Phú Thọ, Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 23/7/2013 về việc điều chỉnh, sửa đổi một số tiêu chí nông thôn mới trong bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Phú Thọ). Căn cứ hướng dẫn số 4140/UBND- KT, ngày 9/10/2013 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc đánh giá, công nhận tiêu chí đạt chuẩn và xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ thẩm định tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới huyện rà soát, đánh giá, kết quả đạt chuẩn của các xã trong năm 2014 như sau:
- Tổng số tiêu chí đạt chuẩn đến hết năm 2014 là 360 tiêu chí, tăng 92 tiêu chí so với năm 2013, bình quân đạt 2,87 tiêu chí/xã; trong đó:
- Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí gồm 03 xã( Gia Điền, Hiền Lương, Mai Tùng);
- Số xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí gồm 21 xã;
- Số xã đạt từ 8- 9 gồm 8 xã.
Bình quân đến hết năm 2014 số xã có tiêu chí đạt chuẩn là 11,27 tiêu chí/xã.
( Chi tiết các xã có phụ biểu kèm theo)
2.5. Kết quả thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn:
Căn cứ nguồn vốn được phân bổ tại Quyết định số 342/QĐ-UBND, ngày 18/2/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về việc giao vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014; Căn cứ hướng dẫn số 198/HD-SNN, ngày 7/3/2014 của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Phú Thọ về thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ năm 2014;
Căn cứ kết luận số 491TB/HU ngày 15/4/2014 của Thường trực huyện ủy về triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM năm 2014. UBND huyện đã khẩn trương tổ chức triển khai, lựa chọn nội dung hỗ trợ. Đã phê duyệt dự toán thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ nông thôn cho 32/32 xã với tổng nguồn vốn 4.781,799 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 2.800 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân, hợp tác xã: 1.981,799 triệu đồng, chiếm 70,7%. Nội dung cụ thể:
- Tập huấn khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật: 25 lớp cho 2.209 lượt người tham gia, học tập tại 17 xã; Thông qua các lớp tập huấn các hộ nông dân đã tiếp cận với các kiến thức, tiến bộ trong chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào sản xuất góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp trong nông hộ đạt hiệu quả cao hơn và đảm bảo sự an toàn dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi.
- Mô hình hỗ trợ bò cái lai sind sinh sản: Đã mua hỗ trợ 207 con, mô hình được triển khai tại 26 xã. Sau 01 năm thực hiện đến nay số bò còn 205 con sinh trưởng và phát triển tốt; chết 02 con tại xã Hà Lương (do chăm sóc không tốt của 02 hộ gia đình là ông Phạm Việt Hùng K7 và bà Nguyễn Thị Tâm K9). Mô hình đã góp phần tăng thêm số lượng, chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện và nâng cao thu nhập cho các hộ, được người dân phấn khởi tham gia.
- Mô hình cánh đồng một giống lúa : 02 mô hình, triển khai tại xã Minh Hạc 15ha và xã Mai Tùng 32 ha; được gieo cấy bằng giống lúa thuần BC 15 của Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình. Tổng mức đầu tư 249.847.500 đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 177.000.000 đồng; hộ gia đình góp 72.847.000 đồng. Tuy nhiên, khi cây lúa đang trong giai đoạn vào trắc xanh do bị ảnh hưởng của bão số 03 đã làm đổ 1 số diện tích lúa tại xã Mai Tùng nên năng suất đạt 140 kg/sào (dự kiến đạt 220kg-260 kg/ sào); tại xã Minh Hạc đạt 220kg/sào (59,5 tạ/ha).
- Mô hình trồng bí xanh: 03 mô hình, quy mô 62,04ha; tại 03 xã Văn Lang 56,33ha, Chuế Lưu 3,76ha, Lâm Lợi 1,95ha. Mô hình đã giúp cho các hộ nông dân có thêm kiến thức KHKT trong thâm canh, giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm. Theo hạch toán năm 2014 mức thu đạt 30 tấn/ha ( tương đương 1100kg/sào). Thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/sào. Đã giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập góp phần đạt tiêu chí số 10 (thu nhập) trong chương trình XD NTM.
- Mô hình cơ giới hóa trong nông nghiệp: gồm 03 mô hình. Được thực hiện tại 03 xã: HTX dịch vụ thủy lợi Xã Chuế Lưu mua xe chở rác loại nhỏ 01 chiếc; HTX DV Nông nghiệp xã Vụ Cầu 01 máy gặt đập liên hoàn; xã Vĩnh chân 01 máy bơm nước. Mô hình đã đã đem lại thiết thực cho người lao động, giúp người dân giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo khung lịch thời vụ, gieo trồng và gieo cấy hết diện tích, nâng cao thu nhập cho người lao động.
- Hỗ trợ mô hình mua phân bón chậm trả:
Năm 2014, có 03 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tham gia mô hình mua phân trả chậm ( Y Sơn, Xuân Áng, Mai Tùng) với số lượng 28.250 kg. Tổng vốn đầu tư là 160 triệu đồng; trong đó vốn Ngân sách Nhà nước 160 triệu đồng. Từ kết quả thực tế cho thấy mô hình đã tạo điều kiện cho người dân có vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, giúp cho nông dân kịp thời thâm canh, yên tâm và chủ động trong việc chăm sóc cây trồng ngay từ đầu vụ, nhất là đối với những hộ khó khăn, hộ nghèo còn đang thiếu vốn. Giúp nông dân được sử dụng phân bón đảm bảo chất lượng, có đủ số lượng với giá cả tương xứng với từng loại phân (giá phân được bán theo giá chung trên thị trường), tránh được tình trạng dùng phải phân kém chất lượng, thiếu số lượng và giá cao.
Các Hợp tác xã được hỗ trợ nguồn vốn đã có điều kiện mở rộng phạm vi kinh doanh dịch vụ, tăng thêm nguồn thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên trong HTX.
2.6. Xây dựng hạ tầng, thiết yếu:
Năm 2014, huyện Hạ Hoà có 32 xã được phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để triển khai thi công các công trình hạ tầng theo hướng đạt chuẩn. Nguồn vốn năm 2014 được giao 14.732 triệu đồng bố trí và sử dụng như sau:
+ Thanh toán trả nợ 10 công trình, số vốn: 5.177 triệu đồng, gồm: đường giao thông BTXMNT của 9 xã: Y Sơn,Vụ Cầu, Xuân Áng, Mai Tùng, Vĩnh Chân,Chuế Lưu, Đan Thượng, Gia Điền, Hà Lương và khu xử lý rác thải xã Hiền Lương.
Đối với các công trình hoàn thành và chuyển tiếp, các xã tiến hành giải ngân và hoàn thiện hồ sơ quyết toán xong trước 30/12/2014 là: 5.177 triệu đồng theo đúng quy định.
+ Đối với công trình xây dựng mới trong năm 2014 là: 23 công trình, vốn được phân bổ là 9.555 triệu đồng. Bao gồm :
- Thực hiện phấn đấu đạt chuẩn tiêu chí số 03 (thủy lợi): Xây dựng 9 công trình kênh mương tại 9 xã (Gia Điền, Chính Công, Minh Hạc, Hậu Bổng, Bằng Giã, Động Lâm, Phụ Khánh, Cáo Điền, Ấm Hạ);
- Thực hiện phấn đấu đạt chuẩn tiêu chí số 02 (giao thông): Xây dựng 14 công trình đường giao thông bê tông xi măng tại các xã (Lang Sơn, Hương Xạ, Lệnh Khanh, Yên Luật, Liên Phương, Đan Hà, Phương Viên, Đại Phạm, Minh Côi, Vô Tranh, Văn Lang, Lâm Lợi, Quân Khê, Yên Kỳ).
Tình hình thực hiện và sử dụng nguồn vốn chương trình NTM năm 2014:
+) Nguồn vốn :
- Tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được bố trí từ ngân sách tỉnh : 14.732 triệu đồng ;
- Tổng mức đầu tư xây dựng các công trình : 66.494,2 triệu đồng ; trong đó :
Vốn đã thanh toán : 29.695,9 triệu đồng ; Vốn còn thiếu : 36.798,3 triệu đồng.
+) Công trình đã quyết toán: 9 công trình;
+) Số công trình chưa hoàn thành chuyển sang năm 2015: 26 công trình.
+) Tổng công nợ : 36.798,3 triệu đồng.
(Chi tiết có phụ biểu đính kèm)
- Nguồn vốn đóng góp của người dân: 11.714,43 triệu đồng ( giá trị qui từ hiến đất là 11.288,38 triệu đồng; cá nhân ửng hộ tiền mặt 426 triệu đồng).
Năng lực tăng thêm : Tổng số chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn tăng thêm năm 2014 là : 44,4 km, (trong đó có 7,2 km là vốn thuộc Chương trình nông thôn mới); kênh mương nội đồng: 3,6km .
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG.
1.Ưu điểm :
- Công tác triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân; lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; năng xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm, kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được củng cố, đầu tư xây dựng; diện mạo nông thôn từng bước thay đổi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
- Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình để phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong năm, các chủ dự án đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và đưa cơ giới hóa vào sản xuất kịp thời. Thông qua đó đã góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ nông dân giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao năng xuất lao động, giảm ngày công làm việc trong nông nghiệp. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các loại cây con giống mới tiếp tục được đưa vào áp dụng trong sản xuất; cơ cấu mùa vụ được áp dụng đúng định hướng đã góp phần từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có các tuyến đường giao thông; hệ thống kênh mương nội đồng được nâng cấp, cứng hóa đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
2. Hạn chế:
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, giải pháp và lộ trình XDNTM chưa đầy đủ; còn xuất hiện tư tưởng “trông chờ”, “ỷ lại” vào nhà nước.
- Hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình, ban phát triển thôn còn hạn chế, còn mang tính chung chung, chưa có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trách nhiệm của các thành viên trong các tổ chức (như tại xã Phụ Khánh); do vậy chưa khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và từng người dân trong xây dựng NTM.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, một số cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở chưa thật sự vào cuộc nên kết quả XDNTM ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu và các mục tiêu đặt ra.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến; công khai các nội dung có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hạn chế, chưa sâu rộng nên người dân chưa hiểu rõ. Quy hoạch ở một số xã còn bất cập, nhất là quy hoạch về hệ thống đường GTNT, hệ thống kênh mương nội đồng còn chưa sát và đúng với thực trạng của xã.
- Lựa chọn tiêu chí để đăng ký thực hiện chưa hợp lý, chưa phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của địa phương. Các tiêu chí đã hoàn thành nhưng chất lượng còn thấp, thiếu tính bền vững; vệ sinh môi trường cảnh quan, đường làng ngõ xóm, việc phát dọn vệ sinh, chỉnh trang vườn hộ, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân chưa được quan tâm đúng mức; liên kết sản xuất chưa được chú trọng, các mô hình điển hình chưa được nhân rộng.
- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp chưa có bước đột phá; thiếu mô hình sản xuất quy mô lớn, một số mô hình được đầu tư hỗ trợ kinh phí không đem lại hiệu quả.
- Công tác xã hội hoá nguồn lực còn chưa chủ động, nhất là việc vận động con, em xa quê và chính người dân trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các nội dung, kết quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan chưa được quan tâm thực hiện một cách thường xuyên.
3. Những vấn đề rút ra trong quá trình quản lý, thực hiện Chương trình:
- Tiếp tục phải làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn để tham gia thực hiện chương trình với tinh thần tự giác hơn.
- Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia của UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân để tạo sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
- Tập trung các biện pháp phát triển mạnh nông nghiệp, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn; thay đổi phương thức hỗ trợ để nâng cao mức thu nhập, giảm hộ nghèo, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
- Thường xuyên phải có sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, liên tục, cụ thể đối với từng địa bàn xã, gắn với thực trạng và đặc điểm của từng địa phương, trong đó: xác định các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau.
- Đề cao vai trò trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển thôn.
- Tăng cường công tác khai thác các nguồn thu trên địa bàn và huy động sự tham gia ủng hộ, đóng góp của con em xa quê đã trưởng thành để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH, NHIỆM VỤ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NĂM 2015:
I. MỤC TIÊU CHUNG:
- Năm 2015 phấn đấu 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Gia Điền và Hiền Lương; 5 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới là Mai Tùng, Vụ Cầu, Chuế Lưu, Xuân Áng, Y Sơn;
- Thu nhập bình quân trên đầu người 19 triệu đồng/năm;
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% ;
- Tổng số lao động qua đào tạo 1450 người;
- Tỷ lệ lao dộng qua đào tạo 50%;
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế: 73%;
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:
1. Thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn:
+ Đối với 02 xã đạt chuẩn NTM: Gia Điền và Hiền Lương: Tập trung chỉ đạo hoàn thiện các nội dung của các tiêu chí đã đạt chuẩn đến năm 2014, xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình thuộc nhóm cơ sở hạ tầng: Đối với xã Gia Điền tiêu chí số 3- thủy lợi, xã Hiền Lương tiêu chí số 9- nhà ở dân cư) và nhóm hệ thống chính trị: xã Hiền Lương thực hiện đạt chuẩn tiêu chí số 18.
+ Đối với 5 xã phấn đấu cơ bản đạt chuẩn: Mai Tùng, Vụ Cầu, Chuế Lưu, Xuân Áng, Y Sơn mỗi xã phấn đấu đạt chuẩn từ 02 tiêu chí trở lên;
+ Đối với các xã còn lại: Phấn đấu tiêu chí đạt chuẩn từ 1-2 tiêu chí/năm.
Lựa chọn các tiêu chí đã tiệm cận, ít cần nguồn lực đầu tư để tập trung thực hiện.
2. Thực hiện các dự án:
+ Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng: Quản lý tốt công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng; giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp và công trình mới theo nguồn vốn được phân bổ. Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và kết hợp các nguồn lực tại chỗ tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng.
+ Đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất: Tiếp tục lựa chọn các mô hình có hiệu quả để định hướng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những năm trước để triển khai nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi bò cái Laisind sinh sản. Mô hình cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm đầu tư, sức lao động, giảm tổn thất khi thu hoạch.. Góp phần hoàn thành các tiêu chí trong bộ tiêu trí NTM.
3. Huy động và bố trí nguồn lực:
Triển khai công tác lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình nông thôn mới để phát huy hiệu quả đầu tư; huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung xây dựng nông thôn mới như nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê thầu quỹ đất công ích trên địa bàn xã, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, hiến đất, công lao động của người dân... Dự kiến huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới năm 2015 như sau:
- Tổng nguồn vốn: 77.159.3 triệu đồng, trong đó:
- Nguồn vốn Trung ương: 41.132,2 triệu đồng;
- Ngân sách tỉnh: 3.300 triệu đồng;
- Ngân sách huyện: 350 triệu đồng;
- Ngân sách xã: 577,2 triệu đồng;
- Vốn góp của người dân: 1.800 triệu đồng.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC:
1. Đối với UBND các xã:
- Kiện toàn và củng cố lại Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển thôn và Ban giám sát cộng đồng ngay sau đại hội Đảng cấp cơ sở thành công. Tiến hành phân công phân nhiệm rõ công việc và trách nhiệm của các thành viên. Xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí chưa đạt; có giải pháp duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt chuẩn. Khi xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí cần đánh giá kỹ thực trạng, thực lực, nội dung cần làm, thuận lợi khó khăn, khả năng huy động nguồn lực. Quá trình thực hiện phải gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân; tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị để thực hiện hoàn thành tiêu chí; phấn đấu hàng năm bình quân mỗi xã có thêm 3 tiêu chí đạt chuẩn tăng thêm.
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo hướng thường xuyên, liên tục về chủ trương, nhiệm vụ, mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, có chiều sâu đến từng cá nhân, hộ gia đình để khơi dậy tiềm năng, sức mạnh trong nhân dân, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Duy trì phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong các hộ gia đình và khu hành chính bằng các hành động thiết thực, cụ thể; tiếp tục chỉnh trang, đầu tư hoàn chỉnh các thiết chế của nhà văn hoá ở khu dân cư; thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà ở và khuân viên trong từng hộ gia đình.
- Tiến hành kiểm tra, rà soát lại công tác quy hoạch để kịp thời điều chỉnh những hạng mục công trình, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư: Ưu tiên hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cứng hóa hệ thống kênh mương…
- Tăng cường hướng dẫn người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, lựa chọn các mô hình có hiệu quả, cho thu nhập cao để nhân rộng. Tiếp tục khuyến khích nhân dân tham gia tích cực các phong trào: xây dựng đường giao thông nông thôn; hiến đất giải phóng mặt bằng, đối ứng nguồn vốn tham gia dự án phát triển sản xuất; thay đổi tư duy, nhận thức để chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hình thành các mô hình hợp tác để liên kết, phát triển kinh tế; tham gia các phong trào tự quản, giữ gìn an ninh thôn xóm…
- Thường xuyên tự đánh giá, kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện để kịp thời giải quyết; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Quá trình triển khai phải thực hiện quyết liệt, huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất nhằm tạo bước đột phá trong chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn từng xã.
2. Đối với các phòng, cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo:
- Đối với các phòng, cơ quan, đơn vị:
Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 1403/KH-UBND ngày 17/12/2010 của UBND huyện Hạ Hòa về triển khai Kế hoạch xây dựng nông thôn mới huyện Hạ Hòa, giai đoạn 2010-2015; định hướng đến năm 2020, có trách nhiệm theo dõi ,đôn đốc các xã thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí, các nội dung chương trình theo lĩnh vực ngành, đơn vị phụ trách. Tham mưu với UBND huyện các giải pháp cụ thể, có hiệu quả để tổ chức thực hiện.
- Đối với các thành viên Ban chỉ đạo:
Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-BCĐ ngày 03/9/2014 của Ban chỉ đạo CTMTQGXDNTM về việc ban hành qui chế hoạt động của Ban chỉ đạo CTMTQGXDNTM huyện Hạ Hòa; văn bản số 04/BCĐ-PC ngày 29/4/2014 của Ban chỉ đạo XDNTM về việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ xây dựng nông thôn mới có trách nhiệm tập trung chỉ đạo các xã rà soát cụ thể, đánh giá cơ bản toàn diện trên tất cả các tiêu chí đã đạt được, các tiêu chí cần phấn đấu đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn vào năm 2015 để xây kế hoạch thực hiện theo lộ trình đã đề ra. Tham mưu với Ban chỉ đạo huyện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện ở cơ sở để cho ý kiến chỉ đạo.
V.ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ
Đề nghị UBND tỉnh, BCĐ chương trình MTQGXD nông thôn mới và các Sở, ngành của tỉnh:
1. Sớm phân bổ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQGXDNTM cho các xã theo lộ trình kế hoạch xây dựng NTM của huyện đã xác định và đăng ký. Đặc biệt đối với xã Gia Điền và Hiền Lương để đạt chuẩn xã NTM trong năm 2015.
2. Đề nghị điều chỉnh thời gian xét công nhận tiêu chí đạt chuẩn và xã đạt chuẩn nông thôn mới theo văn bản 4140/UBND-KT của UBND tỉnh Phú thọ chậm lại đến ngày 15/12 hàng năm để thuận tiện cho cơ sở thực hiện: Lý do vì hàng năm việc xét tổ chức cơ sở đảng TSVM, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đều thực hiện vào cuối tháng 11; BTV huyện ủy xét xếp loại các xã vào đầu tháng 12 hàng năm theo hướng dẫn của BTC tỉnh ủy;
3. Nội dung báo cáo định kỳ 6 tháng, 01 năm nên xây dựng thống nhất theo một mẫu đề cương và bố cục; các nội dung trong đề cương nên ngắn gọn, tránh lặp lại, các nội dung đã thực hiện hoàn thành từ những năm trước không nên báo cáo lại để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở dễ thực thực.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2014; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình năm 2015. UBND huyện Hạ Hòa báo cáo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ và các Sở, ngành của tỉnh theo dõi, chỉ đạo và tiếp tục quan tâm giúp đỡ. Yêu cầu UBND các xã; các phòng, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Đề nghị UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân tích cực tham gia phối hợp thực hiện để chương trình đạt hiệu quả./.
Nơi nhận:
- Ban chỉ đạo NTM tỉnh;
- Sở NN&PTNT ;
- Chi cục PTNT;
- TTHU, HĐND huyện;
- CT, CPCT;
- Các Phòng, đơn vị có liên quan;
- UBND các xã;
- Thường trực Ban chỉ đạo NTM huyện;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Chu Thị Định
|