Xây dựng chuỗi giá trị nông sản

HTX rau an toàn Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba cung cấp sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Những bước đi thành công

Thực hiện chủ trương cơ cấu ngành nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đã được nhiều địa phương ưu tiên mở rộng. Trong đó hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm có hiệu quả gồm: Sản xuất gà thương phẩm Thanh Ba, gà thịt an toàn tại Phù Ninh, sản xuất chuối xuất khẩu ở Tam Nông, rau an toàn ở Lâm Thao, chế biến nông sản an toàn làng Dòng, chế biến thịt chua tại Thanh Sơn, liên kết sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cá Sông Đà tại huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn… Đặc biệt, việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Phú Thọ đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, góp phần giúp các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, nông sản thực phẩm yên tâm đầu tư sản xuất.

HTX Rau an toàn Tứ Xã, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao là một trong những địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng đối với mặt hàng rau, củ, quả do quy trình sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2021. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi luôn quan niệm phải đặt yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lên hàng đầu vì sản phẩm của chúng tôi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì thế, chúng tôi đã tập huấn đầy đủ và yêu cầu các thành viên của HTX, đối tác liên kết phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn ATVSTP; xây dựng thương hiệu HTX nhằm phát triển một cách bền vững”.

Thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang phương thức mới, thân thiện với môi trường hướng tới sản xuất bền vững được bà con nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh áp dụng ngày càng nhiều. Phú Thọ được Bộ NN & PTNT đánh giá là một trong những địa phương sử dụng ít thuốc BVTV nhất trong cả nước đã thể hiện tư duy của người nông dân đang thay đổi dần theo hướng tích cực. Ông Nguyễn Trường Giang- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá: Người nông dân hiện nay đã có tư duy làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất cái thị trường cần, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó, nông sản thực phẩm của Phú Thọ đã vào được các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cạnh tranh sòng phẳng với nhiều vùng sản xuất nông sản thực phẩm lớn trong cả nước.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đối với sản xuất nông sản thực phẩm hiện nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng gần 15.000ha rau xanh các loại, cung cấp cho thị trường trên 400.000 tấn/năm. Toàn tỉnh cũng có trên 1.300 trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp. Tổng đàn trâu, bò đạt gần 170 nghìn con; tổng đàn lợn đạt trên 689 nghìn con, tổng đàn gia cầm đạt trên 16,1 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 189,2 nghìn tấn và hàng triệu quả trứng gia cầm các loại. Hiện nay, toàn tỉnh có 33 HTX, 115 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn đã liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với hơn 40 doanh nghiệp. Trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp liên kết đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn như Big C, Coop mart, Vinmart... góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Trang trại chăn nuôi gà sạch của HTX dịch vụ nông nghiệp An Phú, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn quy mô trên 20 vạn gà/năm thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Giải pháp đồng bộ

Tuy đã đạt được những thành công nhất định nhưng việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như quy mô một số chuỗi nhỏ, chủ yếu nội bộ HTX, doanh nghiệp chưa mở rộng thành một vùng hoặc kiên kết với nhiều HTX, doanh nghiệp cùng tham gia; công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản sạch của doanh nghiệp, HTX chưa thường xuyên…

Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai một cách có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo vùng nguyên liệu an toàn, thuận lợi cho việc kết nối chuỗi thực phẩm an toàn. Đặc biệt các cấp, ngành liên quan cần hỗ trợ cơ sở sơ chế, chế biến xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá để mọi người hiểu về lợi ích việc tham gia chuỗi thực phẩm an toàn; tổ chức các hội nghị kết nối các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nhằm hình thành ngày càng nhiều các liên kết chuỗi,…

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu quan điểm: Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX; xây dựng phát triển các chuỗi cung ứng rau, củ, quả, thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

                                                                                                      Quân Lâm (Nguồn: baophutho.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website