Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại

 
                   Trang trại chăn nôi gà của hộ ông Lê Thành Sự, xã Đỗ Sơn, Hyện Thanh Ba

  Tính đến hết tháng 6 năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh có 396 trang trại, trong đó 123 trang trại tổng hợp, 196 trang trại chăn nuôi, 66 trang trại thủy sản, 5 trang trại lâm nghiệp, 6 trang trại trồng trọt (tăng 40 trang trại so với  năm 2017). Tổng giá trị sản lượng hàng hóa của các trang trại 6 tháng đầu năm ước đạt 377.388 triệu đồng, bình quân đạt 953 triệu đồng/trang trại. Có thể nói các mô hình kinh tế trang trại hoạt động hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương; khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động; tích lũy vốn; đã tạo bước chuyển biến tích cực về giá trị sản lượng hàng hoá, dần đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hoá tập trung và từng bước gắn với thị trường tiêu thụ. Một số mô hình trang trại hoạt động hiệu quả như: trang trại tổng hợp của hộ Ông Lê Đình Hưởng, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, quy mô diện tích 4 ha, nuôi lợn và trồng cây ăn quả (bưởi diễn, ổi...), giá trị sản lượng hàng hóa năm đạt 8.000 triệu đồng, lợi nhuận 1.300 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 04 lao động thường xuyên; trang trại của hộ Ông Bùi Đức Luận, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao; với quy mô diện tích 4 ha; nuôi 300 con lợn nái, 2500 lợn thịt; giá trị sản lượng hàng hóa  đạt 10.000 triệu đồng; lợi nhuận 1.300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 06 lao động thường xuyên; trang trạicủa hộ bà Bùi Thị Ngọc Hiền, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, quy mô diện tích 0.41 ha; nuôi 300 con lợn nái, 1.000 lợn thịt; giá trại sản lượng hàng hóa đạt 4.100 triệu đồng; lợi nhuận 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 05 lao động thường xuyên; trang trại của hộ ông Lê Thành Sự, xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, quy mô diện tích 4 ha, nuôi 70.000 con gà thịt/năm; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 8.500 triệu đồng; lợi nhuận 1.500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 05 lao động thường xuyên; trang trại của hộ ông: Trần Anh Tuấn, xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa, quy mô diện tích 4 ha, trang trại trồng cây ăn quả các loại, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 2.200 triệu đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 11 lao động thường xuyên.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, quá trình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: một số trang trại phát triển còn tự phát, thiếu ổn định, chưa theo quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chưa có thị trường ổn định ; đa số các chủ trang trại còn hạn chế về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, tiếp cận thông tin về thị trường; khả năng đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các trang trại còn khó khăn; việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các trang trại đủ điều kiện theo quy định để quản lý chưa được quan tâm chú trọng; việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất đối với chủ trang trại còn nhiều khó khăn; một số trang trại chăn nuôi chưa chú trọng đến xây dựng hệ thống xử lý chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường; Hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của các trang trại còn hạn chế.

Để kinh tế trang trại phát huy được tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với các trang trại có đủ điều kiện theo quy định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn cho các chủ trang trại theo kế hoạch và nguồn vốn được giao; đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nhất là đối với các trang trại chăn nuôi; hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có kết quả Nghị định số 55/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị quyết số 14/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Phòng KTHT – CC.PTNT

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website