Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ cơ giới hóa cho các hợp tác xã

Sau khi được hỗ trợ máy sấy lạnh, chất lượng sản phẩm, màu sắc mỳ rau, củ, quả của HTX thực phẩm xanh xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao đã nâng cao, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Nếu như trước đây, sản lượng tiêu thụ mỳ rau, củ, quả của HTX thực phẩm xanh xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao chỉ đạt 1,3 tấn/tháng thì đến nay, sau khi được hỗ trợ Máy sấy lạnh, sản lượng tiêu thụ đã tăng lên 3 tấn/tháng. Trong đó, các sản phẩm mỳ của HTX đã được đảm bảo về chất lượng, màu sắc so với khi còn sản xuất thủ công. Ông Đào Minh Chiến - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ cơ giới hóa đem lại là rất lớn, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động và tăng sản lượng đầu ra. Nhờ đó, sản phẩm mỳ rau, củ, quả của chúng tôi đã có mặt ở hệ thống Vinmart tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn sẽ được các cấp, ngành hỗ trợ thêm một số thiết bị, máy móc hiện đại và các quy trình sản xuất tiên tiến để từng bước mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, đảm bảo thu nhập cho bà con".

Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục khiến các cơ sở sản xuất và kinh doanh chè phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá thành các sản phẩm giảm mạnh; thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều bị đình trệ. Vì vậy, việc lưu trữ, bảo quản và nâng cao chất lượng các sản phẩm là nhu cầu rất cấp thiết với những người sản xuất chè nói riêng và các cơ sở nông nghiệp nói chung. Trước những khó khăn đó, Liên minh HTX tỉnh đã huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn lực hỗ trợ máy móc, trang thiết bị để các HTX đảm bảo sản xuất và bảo quản sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, huyện Cẩm Khê cho biết: "Sau khi áp dụng máy sao chè bằng ga vào quy trình sản xuất, chúng tôi nhận thấy năng suất, chất lượng chè cao hơn trước. Các sản phẩm cũng được đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện chúng tôi đang có kế hoạch sản xuất trà túi lọc thế hệ mới nên rất mong muốn được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ máy đóng túi để đảm bảo mẫu mã cho sảm phẩm khi xuất bán ra thị trường".

Máy sao chè bằng ga được áp dụng vào quy trình sản xuất tại HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, huyện Cẩm Khê đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 579 hợp tác xã, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề trồng và chế biến chè, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dịch vụ nông lâm nghiệp. Giai đoạn 2013 - 2021, tỉnh Phú Thọ đã tập trung huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ 35 HTX về tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất, đổi mới cải tiến quy trình sản xuất với tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân được triển khai hiệu quả. Bà Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa ở các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến có ý nghĩa quyết định trong việc giảm thiểu tổn thất nông nghiệp. Chính vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ tiếp cho các HTX đang gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và bảo quản sản phẩm. Trong đó, ưu tiên ứng dụng các loại máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất".

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ cơ giới hóa vào sản xuất tại các HTX và tổ hợp tác đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các địa phương. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, bảo quản, góp phần đẩy mạnh quá trình thâm canh tăng vụ, tạo tiền đề quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Đại Nguyễn (Nguồn: baophutho.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website