Được coi là “cái nôi” của ngành chè Việt Nam, tỉnh Phú Thọ luôn xác định phát triển cây chè là một trong những chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Đến nay, cây chè đã được trồng rộng khắp các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… và trở thành cây trồng góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Nhằm phát huy lợi thế, hiện nay tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ”, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường.
Thành viên làng nghề chè Chùa Tà thu hái chè Xuân
Từ những “viên gạch” đầu tiên
Được cấp nhãn hiệu tập thể từ giữa năm 2016, đến nay qua bao thăng trầm, sản phẩm chè xanh Chùa Tà của làng nghề chè Chùa Tà, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh đã được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Toàn xã Tiên Phú có trên 200 hộ trồng và chế biến chè với diện tích gần 170ha. Riêng làng nghề chè Chùa Tà có trên 100 hộ làm nghề. Để nâng cao hiệu quả cây chè, người dân làng nghề tích cực phát triển diện tích cây chè, thay thế các giống chè cũ, cằn cỗi, kém hiệu quả bằng các giống chè có chất lượng cao như: Chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDP1, LDP2, PH8, PH9. Chè xanh Chùa Tà có vị chát nhẹ, nước xanh và trong, hương thơm khá đặc trưng được tạo bởi kỹ thuật sao chè truyền từ đời này qua đời khác của những người có kinh nghiệm trong trồng và chế biến chè, từ đó dần làm nên thương hiệu chè Chùa Tà.
Ông Phan Trọng Đại - Chủ tịch UBND xã Tiên Phú cho biết: Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể chè xanh Chùa Tà, chúng tôi luôn nhận thức được rằng muốn có thương hiệu bền vững, chất lượng sản phẩm phải được coi trọng hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi tập trung thực hiện đúng quy trình sản xuất chè sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực tuyên truyền để các hộ nhận thức đầy đủ về vai trò của nhãn hiệu tập thể.
Ngoài nhãn hiệu tập thể chè xanh Chùa Tà, sản phẩm chè xanh của xã Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa) cũng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể vào tháng 8/2019.
Toàn xã Yên Kỳ có 13 khu trồng chè, với 840 hộ trồng chè, diện tích cây chè là 644,25ha; năng suất bình quân 13 tấn/ha (chè tươi); giá trị sản xuất chè hằng năm đạt khoảng 8.375,25 tấn. Thời gian qua, chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực đầu tư xây dựng nhãn hiệu tập thể chè xanh Yên Kỳ bằng nhiều hình thức như: Sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ; chế biến chè xanh đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực phát triển diện tích cây chè với nhiều giống mới đa dạng có chất lượng cao.
Ông Phan Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Yên Kỳ cho biết: Khi chưa có nhãn hiệu, sản phẩm chè xanh của xã sản xuất nhiều khi bị trà trộn nhãn hiệu với các loại chè khác. Sau khi sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền để các hộ làm nghề nhận thức đầy đủ về vai trò của nhãn hiệu tập thể và có sự thống nhất để cùng xây dựng chiến lược quản lý, phát triển, đưa sản phẩm chè xanh Yên Kỳ tiến xa hơn trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 3 nhãn hiệu tập thể về chè gồm: Chè xanh Chùa Tà (huyện Phù Ninh), chè xanh Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa) và chè xanh Phú Thịnh (thị xã Phú Thọ). Đây là bước khởi đầu cho việc nhân rộng, tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chè của tỉnh, từ đó xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” của sản phẩm chè Phú Thọ.
Tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ”
Phú Thọ có 16 nghìn ha trồng chè, năng suất chè đạt 117,6 tạ/ha; sản lượng 184,5 nghìn tấn/năm. Tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 75,3%, trong đó cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh... Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…
Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè, quy hoạch, xây dựng vùng chè an toàn. Toàn tỉnh hiện có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thì các lớp tập huấn cũng thường xuyên được tổ chức để hướng dẫn người trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng mới. Một số sản phẩm chè đã được truy suất nguồn gốc như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, chè Phú Hộ, chè Chùa Tà, chè Yên Kỳ, chè Phú Thịnh, chè Hoàng Văn, chè Long Cốc…
Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa xứng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân do mối liên kết giữa các vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến còn lỏng lẻo; nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn nhiều bất cập, nhãn mác sản phẩm chè chưa phù hợp, chưa trở thành công cụ tiếp cận thị trường có hiệu quả…
Vùng nguyên liệu chè an toàn tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn
Trước tình hình trên, công tác hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu chè Phú Thọ đã được UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm nhằm góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm chè của tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là căn cứ để phát triển diện tích chè an toàn toàn tỉnh. Phú Thọ đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 16,5 nghìn ha, sản lượng đạt 176 ngàn tấn/năm, tỷ lệ chè giống mới trên 80%; phát triển chè chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu, diện tích được chứng nhận theo quy trình sản xuất an toàn đạt trên 6,5 nghìn ha. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ triển khai thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho các sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị thông qua ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại. Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè.
Liên Linh