Tân Sơn: Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân

img5277-1500596478
Với trên 600ha chè, cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn của xã Văn Luông, hiện nay xã đang phát triển chè an toàn để sản xuất bền vững.
- Người dân khu Hoàng Văn, xã Văn Luông thu hái chè.


Người dân Tân Sơn vẫn luôn nỗ lực tìm hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhưng con đường đến đích còn gặp nhiều trở ngại. Trong đó, khó khăn nhất là mạng lưới giao thông ở nhiều thôn, bản chưa được cứng hóa với nhiều con đường hiểm trở, đèo dốc. Dân cư phân bố rải rác, nhiều nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên bà con phải canh tác trên những vùng đất dốc hoặc những khu ruộng thiếu nước, kém màu mỡ. Trình độ sản xuất thâm canh nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều bất cập, sản phẩm hàng hóa còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, manh mún, chưa nhân rộng được mô hình kinh tế hiệu quả.

Từ những khó khăn ấy, thông qua chính sách hỗ trợ sản xuất từ các nguồn vốn của Chương trình 135, Nghị quyết 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới và từ các nguồn vốn lồng ghép khác đã giúp huyện đầu tư hạ tầng nông thôn và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao trình độ. Qua đó, người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất. Đường giao thông được đầu tư, những con đường được cứng hóa từ trung tâm huyện tới các xã, nối kết các thôn bản. Thủy lợi được cải thiện, diện tích gieo cấy lúa chủ động tưới tiêu nước đạt gần 70% cộng thêm sự hướng dẫn, tuyên truyền của cán bộ khuyến nông, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Phan Minh Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện xác định cần tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thông qua công tác khuyến nông, khuyến công; dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện cho cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế. Phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh có giá trị kinh tế và xây dựng các mô hình với các cây con đặc sản như: Lợn rừng lai, gà nhiều cựa, chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao.

Từ các chương trình hỗ trợ, tính từ năm 2010 trở lại đây, huyện đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất hỗ trợ người dân mua trên 330 máy cày bừa, 140 máy hái chè, trên 300 máy tuốt lúa..., tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp chiếm khoảng 50%. Đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, các ngành nghề và làng nghề nông thôn…

Riêng nguồn vốn trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao các hình thức tổ chức sản xuất cho các xã, tập trung vào xây dựng mô hình nuôi gà nhiều cựa, nuôi cá, nuôi lợn rừng lai, dê, thỏ, đầu tư mua máy nông nghiệp với khoảng 4.000 hộ và nhóm hộ được hưởng lợi.
 

kinh-te-tan-son-1500599395
Nhiều hộ dân ở Tân Sơn đã đầu tư nuôi bò thịt để phát triển kinh tế. Ảnh: Phương Thanh.


Từ tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, nông dân đã đầu tư vốn, giống, phân bón và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa đạt trên dưới 55 tạ/ha. Con số này chưa phải là cao nhưng đó cũng là cả quá trình cố gắng, nỗ lực của người dân khi điều kiện canh tác còn ngặt nghèo. Từ chỗ trông vào nguồn lợi từ rừng tự nhiên, người dân đã biết trồng rừng làm kinh tế. Trồng rừng giúp người dân nâng cao thu nhập, biến diện tích đất đã bạc màu, hoang hóa thành những vùng lâm sản có giá trị.

Những năm gần đây, diện tích rừng trồng tập trung mỗi năm của huyện trung bình khoảng 2.000ha, diện tích rừng trồng được mở rộng nên các mô hình chế biến lâm sản như ván ép, gỗ xẻ đang phát triển mạnh, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Diện tích chè của huyện khoảng 3.000ha, trung bình sản lượng chè búp tươi mỗi năm của huyện ước đạt 30.000 tấn đã mang lại sinh kế lâu dài cho bà con. Hiện nay, huyện đang cải tạo, trồng thay thế các diện tích chè cũ, cằn xấu bằng các giống chè xanh chất lượng cao gắn với thương hiệu chè xanh Xuân Sơn góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Có thể thu nhập của những người nghèo trên mảnh đất vùng cao này chưa đủ để họ thoát nghèo nhưng những đồng vốn vay, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đang được triển khai đã tạo nên điểm tựa cho người dân nuôi khát vọng đổi đời. Ý thức đổi mới phương thức sản xuất thay vì chỉ làm theo kinh nghiệm, đã bắt đầu “bén rễ” ở nhiều hộ.

Bằng việc chú trọng cho phát triển sản xuất, thu nhập bình quân của người dân được nâng cao qua từng năm, chất lượng cuộc sống cũng dần được cải thiện.  Đây cũng là cơ sở để hoàn thành tiêu chí thu nhập và các tiêu chí khác trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong huyện.

Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website