Quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản: Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững

 

Phú Thọ có vị trí là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc; điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới; nguồn tài nguyên đất đai phong phú… là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sản phẩm hàng hóa đa dạng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động xây dựng, thực hiện các quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; chiến lược phát triển nông nghiệp trọng điểm, chương trình nông thôn mới… Đến nay, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá 2010) đến năm 2014 là 6.652 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2005 – 2014 đạt 5,51%/năm. Cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có bước chuyển dịch tích cực; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng về số lượng, chất lượng; hình thành một số vùng sản xuất tập trung với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao như chè, bưởi, thủy sản, gia cầm… Sản lượng lương thực, thực phẩm đã đảm bảo cho nhu cầu đời sống nhân dân trên địa bàn và cung cấp cho các vùng lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, có nhiều thách thức mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cũng như chịu tác động của biến đổi khí hậu. Nông nghiệp phát triển thiếu ổn định, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp; chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa thế mạnh với sản lượng lớn, chất lượng cao, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường; việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động khu vực nông thôn diễn ra chậm, thiếu liên kết; môi trường còn ô nhiễm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chuẩn bị năng lực để thích ứng với tác động biến đổi khí hậu trong tương lai. Các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thiếu tầm nhìn dài hạn và đặc biệt là hạn chế trong khâu dự báo, tổ chức thị trường.

 

Để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh có nhiều thay đổi, thách thức, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp của tỉnh đã hoàn thiện việc xây dựng Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp cả nước cũng như của vùng trung du miền núi phía Bắc; góp phần cụ thể hóa Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Nguyễn Thanh Hải – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có mục tiêu là “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn lực đầu tư; tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn, gắn với thực hiện giảm nghèo bền vững”. Quy hoạch đề ra mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm nông lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2015-2020 là 3,5-4,0%. Cơ cấu ngành nông nghiệp 84,3%, lâm nghiệp 8,8%, thủy sản 6,9%. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác cây hằng năm và thủy sản đạt trên 105 triệu đồng; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm.

 

Trong đó, xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ biến đổi gen để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 120 nghìn ha, cây lâu năm 37,3 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 465 nghìn tấn, đảm bảo diện tích đất chuyên trồng lúa 28,5 nghìn ha. Tổng đàn lợn đạt 860 nghìn con, đàn gia cầm 13,2 triệu con, đàn bò 110 nghìn con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 166 nghìn tấn. Ổn định diện tích chuyên nuôi cá là 5,3 nghìn ha; tổng sản lượng cá giống 4 tỷ con; cá thịt 43 nghìn tấn. Đặc biệt, nuôi thâm canh 1.970 lồng cá lồng trên sông Đà, sông Lô và 13 hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên với sản lượng trên 10 nghìn tấn, tỷ lệ cá đặc sản đạt trên 45%… Hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư xây dựng hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Phú Thọ. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm nông lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2030 tăng 3,5%/năm. Cơ cấu ngành nông lâm thủy sản: Nông nghiệp 80,8%, lâm nghiệp 11,1%, thủy sản 8,1%. 

 

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, để đạt được mục tiêu trên, quy hoạch tập trung vào các giải pháp: Xử lý các tồn tại về đất đai, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dụng các vùng chuyên canh, các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường đầy tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống lưới điện, hệ thống dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành hệ thống cơ chế chính sách về đất đai, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi người thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có kết nối thị trường, sản xuất theo hướng xã hội hóa đầu tư, quy mô và chất lượng hàng hóa chủ lực…

 

Hy vọng, Quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được triển khai thực hiện sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh mục tiêu hội nhập và phát triển của địa phương.


Nguồn: phuthoportal

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website