Hạ Hòa: Phát triển chăn nuôi, tạo hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

Với lợi thế về diện tích mặt nước, nhiều hộ dân ở Hạ Hòa đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản (mô hình nuôi cá của gia đình ông Đặng Minh Hùng xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa)

 

Xác định kinh tế nông nghiệp là trọng điểm của huyện, trong thời gian qua với sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới đã được người dân nơi đây áp dụng, trong đó có việc thực hiện phát triển mạnh mẽ ngành chăn nuôi. Các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Lợn rừng, hươu sao, nuôi bò thương phẩm, nuôi gà, lợn… bước đầu được đưa vào nuôi thả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, hộ nông dân sản xuất, chăn nuôi giỏi.

 

Được sự giới thiệu của cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hạ Hòa, chúng tôi tìm tới gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp, khu 10, xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa. Với niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, ông Nghiệp hồ hởi khoe với chúng tôi: “Năm vừa qua, có được sự thuận lợi trong chăn nuôi, gia đình tôi đã có của ăn, của để. Tổng đàn gia súc, gia cầm, sau khi trừ thanh toán các loại chi phí, gia đình tôi cũng đã có thêm mấy trăm triệu thu nhập”. Ông cũng khẳng định: “Nếu giá cả vẫn cứ ổn định được như mấy năm vừa qua thì trong thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư tăng đàn”.

 

Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong những năm gần đây, chăn nuôi của huyện Hạ Hòa phát triển khá mạnh, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao, số lượng gia trại cũng tăng lên rõ rệt. So với năm 2010, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tăng khoảng gần 25%. Đây là điều đáng mừng bởi người dân nơi đây đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa, họ đã mạnh dạn chuyển dịch dần sang chăn nuôi theo hướng nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao hơn cho người dân.

 

Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện Hạ Hòa khoảng trên 60.000 con (trong đó có hơn 6.000 con nái, đực giống); tổng đàn gia cầm của huyện hiện có gần 1,2 triệu con. Toàn huyện có trên 41 gia trại nuôi từ 50 con lợn trở lên. Ngoài những trang trại qui mô nhỏ và vừa đó, tại địa phương hiện có một số trang trại, gia trại có quy mô khá lớn như: Mô hình chăn nuôi của ông Trần Văn Mạnh ở xã Lang Sơn nuôi hơn 4.000 con gà; trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Ba ở xã Bằng Giã nuôi hơn 200 con lợn và trên 2.000 con gà, hàng chục con trâu, bò;…

 

Sự phát triển chăn nuôi trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Hạ Hòa có sự tăng trưởng khá mạnh là do trong vài năm trở lại đây, giá thành sản phẩm chăn nuôi trên thị trường khá ổn định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không phát sinh các ổ dịch lớn nên người dân mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng đàn. Thấy được những kết quả tích cực trong chăn nuôi của các hộ dân, một số hộ nông dân có những diện tích ruộng gieo cấy nhỏ lẻ, hiệu quả không cao đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi, từ đó làm cho việc chăn nuôi trên địa bàn ngày càng phát triển.

 

Bên cạnh công tác phát triển chăn nuôi, trong những năm qua công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi đã được các hộ dân nơi đây quan tâm, thực hiện, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã đã xây dựng hệ thống Biogas, dùng men sinh học để xử lý chất thải, phần nào giảm bớt việc gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Lâm Lợi cũng cho biết thêm: Với số lượng gia súc, gia cầm lớn, nếu như không có hệ thống xử lý chất thải hợp lý thì chính gia đình tôi sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, sau đó là đến hàng xóm, láng giềng, dễ gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về sau và có lẽ gia đình sẽ gặp không ít khó khăn trong chăn nuôi. Do đó, khi bắt tay vào xây dựng trang trại, tôi cũng đã xây dựng hệ thống Biogas, đồng thời tìm hiểu thêm các phương pháp xử lý chất thải an toàn với môi trường.

 

Tuy nhiên, để có thể phát triển ngành chăn nuôi lâu dài, phát triển ổn định, bền vững thì người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm đến khâu phòng chống dịch bệnh, tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo các tiêu chuẩn như VietGAP; chính quyền địa phương cũng cần có kế hoạch xây dựng quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương. Người chăn nuôi cần tiếp tục quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đặc biệt là đối với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn.

 

Phát triển chăn nuôi đang là hướng đi mới của người dân Hạ Hòa, đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Song bên cạnh đó, mỗi người chăn nuôi phải  có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh việc học tập kỹ thuật chăn nuôi hiện đại từ đó người chăn nuôi sẽ chủ động trong công tác phòng bệnh đối với đàn vật nuôi, giảm rủi ro, thiệt hại trong quá trình chăn nuôi và nâng cao năng suất, sản lượng đàn vật nuôi, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình.


Nguồn: phuthoportal.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website